21/01/2025 | 11:21 GMT+7, Hà Nội

Cây cầu vắt qua ba thế kỷ

Cập nhật lúc: 01/03/2019, 19:00

Cầu Long Biên với tôi là những gì thân quen không chỉ thuở ấu thơ mà còn gắn liền với những năm tháng mưu sinh khốn khó. Vậy mà bấy lâu nay chẳng có dịp đi trên nó, thậm chí đôi khi còn sao nhãng chả nhớ đến. Dân Hà Nội nhập cư sau này nếu không liên quan đến địa bàn Long Biên, Gia Lâm để ngày ngày qua sông Hồng bằng cây cầu già cỗi có lẽ chẳng thể biết, chẳng thể hiểu có một cây cầu như thế đã đi vào ký ức vào tâm khảm như một chứng nhân của mọi nỗi vui buồn người Hà Nội.

Phải nói ngay đó là cây cầu Long Biên. Nhắc đến Long Biên, tự nhiên tôi thấy thảng thốt. Đã lâu lắm tôi không đi trên cây cầu lịch sử gắn liền với thăng trầm của Hà Nội hơn trăm năm có lẻ. Vắt qua ba thế kỷ, là quãng thời gian đủ dài gói trọn vài thế hệ.

Cầu Long Biên được người Pháp khởi công năm 1898 và khánh thành năm 1902 được đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.Từ dạo đầu, dân gian thường gọi cầu theo tên sông là cầu sông Cái (sông Hồng cũng còn có tên là sông Cái) sau cầu được đổi tên là cầu Long Biên. Có lẽ tên gọi này theo hướng cầu bắc qua địa bàn Long Biên, Gia Lâm. Ngày nay cầu chỉ dành cho đường xe lửa, xe máy, xe đạp và người đi bộ, cấm ô tô lưu thông.

Tôi gốc Hà Nội, cầu Long Biên với tôi là những gì thân quen không chỉ thuở ấu thơ mà còn gắn liền với những năm tháng mưu sinh khốn khó. Vậy mà bấy lâu nay chẳng có dịp đi trên nó, thậm chí đôi khi còn sao nhãng chả nhớ đến. Chả trách dân Hà Nội nhập cư sau này nếu không liên quan đến địa bàn Long biên, Gia Lâm để ngày ngày qua sông Hồng bằng cây cầu già cỗi có lẽ họ chẳng thể biết, chẳng thể hiểu có một cây cầu như thế đã đi vào ký ức vào tâm khảm như một chứng nhân của mọi nỗi vui buồn người Hà Nội.

Nhớ khi còn là những cậu bé vỡ lòng, lớp một, lớp hai, mấy nhóc tỳ chúng tôi nhịn ăn sáng để góp tiền lại thuê chiếc xe đạp mini ở tiệm xe phố Trần Nhật Duật. Hai hào một giờ. Hôm nào tươm tất có tiền thì chung hai đứa còn đa số là cả mấy đứa góp vào chia ca. Đặc biệt có hôm xôm trò, đủ tiền thuê hẳn mấy chiếc. Hai đứa một xe tham gia cuộc đua diệu kỳ. Chỗ đường dẫn đầu cầu Chương Dương bây giờ, ngay tâm cầu dạo đó là Cột Đồng hồ. Chiếc đồng hồ vuông to luôn chạy chính xác là công cụ chỉ giờ giấc của đa phần người dân. Đích cuộc đua ở chính chân Cột Đồng hồ. Đội xe xuất phát từ đó, hai đứa cưỡi một chiếc. Thằng ngồi trước cầm lái và nép chân trên bàn đạp để thằng ngồi sau gồng ghé đủ bàn chân hợp sức cùng đạp. Xe đua đến hết phố Trần Nhật Duật thì ngược chiều dắt xe lên dốc xuống của cầu Long Biên.

Cầu Long Biên kỳ lạ có lối đi lại chẳng giống nơi đâu, tức là đi ngược. Làn giữa cầu dành riêng cho tàu hỏa khỏi bàn cãi. Bên phải cầu lại là đường về từ Gia Lâm sang còn chiều đi lại ở bên trái cầu. Đường xuống cầu đổ xuống phố Trần Nhật Duật là một cái dốc rất cao không những thế lại vòng. Lũ chúng tôi phải dắt bộ xe chạy nhanh lên đỉnh dốc là chỗ bắt vào thềm ga xe lửa Đầu cầu rồi từ đó thả dốc và đạp guồng về lại đích là chân Cột Đồng hồ. Cái sự lên xuống này bị coi là bất hợp pháp, bởi không ít lần đám choai choai gây cản trở giao thông và tai nạn cho người đi đường, nên phải tránh cánh bảo vệ ga và cảnh sát.

Dạo đó tinh xe đạp là xe đạp, thoảng nhặt mới có chiếc xe máy tay ga cá vàng, cá xanh. Xe đổ dốc với tốc độ cao nếu phanh không ăn rất nguy hiểm. Lũ nhóc chúng tôi đổ dốc trong sự vội vàng tranh cướp để về đích và có lần va vào nhau ngã bươu đầu sứt trán. Thậm chí tôi một lần ngã kéo theo xe một chị lớn tuổi và chúng tôi bị bắt về bốt công an Hàng Đậu nhốt cả tiếng đồng hồ trước khi bố mẹ đến bảo lãnh.

Cầu Long Biên thời đã xa.

Cầu Long Biên thời đã xa.

Tuổi thơ Hà Nội gián đoạn vì chiến tranh phá hoại. Khi trở lại Hà Nội, lũ trẻ sơ tán chúng tôi ngỡ ngàng nhìn cây cầu đã bị máy bay Mỹ đánh bay mất mấy nhịp và không ít chỗ thương tích, chắp vá. Không còn trò con trẻ đua xe nữa, cây cầu giờ là phương tiện cho chúng tôi lên xuống bãi giữa sau giờ tan học, thậm chí là trốn học để đá bóng, để đùa nghịch tắm táp và không ít lần trộm cắp, từ bắp ngô, củ khoai đến bông hoa tặng bạn gái. Phải công nhận người Pháp thiết kế cầu rất tiện ích. Cái đường lên xuống giữa cầu này giúp rất nhiều cho người dân và cả những công nhân quản lý cầu.

Cầu Long Biên còn một lần gồng mình trước bom đạn nữa. Cuộc chiến năm 1972 với kết thúc là chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, cầu Long Biên một lần nữa là chứng nhân của chiến tranh thảm khốc. Khi đó lũ trẻ chúng tôi đã trưởng thành. Tôi nhập ngũ, là chiến sĩ trong binh chủng cao xạ, từng được điều động về chiến đấu bảo vệ Hà Nội những ngày này. Cầu Long Biên tham gia vào cả hai đợt chiến tranh phá hoại bằng trận địa pháo phòng không cỡ nhỏ đặt trên mố cầu một cách vô cùng cảm tử. Đấy là chưa kể trực thăng còn cẩu pháo 57 ly bố trí ở trận địa bãi giữa bảo vệ cầu. Những trận địa này ở một vị trí hiểm yếu và đắc dụng trong việc chiến đấu với không lực Hoa Kỳ, nó góp phần chống trả hiệu quả những đợt oanh tạc trực tiếp vào cây cầu.

Trước khi có cầu Thăng Long, Chương Dương vào giữa thập niên 80, một mình cầu Long Biên trong gần trăm năm là sợi dây nối kinh thành Hà Nội với phía bờ bắc sông Hồng. Đến Hà Nội lúc đó dứt khoát phải nhắc, phải đến cây cầu Long Biên. Từng đảm nhiệm vai trò quá ư quan trọng, thế nên khi đất nước thống nhất, cầu Long Biên phải oằn mình lên để gồng gánh lưu lượng người và xe vượt tải.

Dạo đó không ít lần tôi phải giam chân trong dòng người tắc nghẽn cả tiếng đồng hồ trên cầu khi có sự cố. Xe ô tô ngày đó chết máy là thường trong khi mỗi chiều cầu chỉ có một làn xe. Cầu Long Biên làn đường cho xe cộ đi chỉ rộng 2,6m, đường cho người đi bộ được làm thành bậc cao lên sát mép lan can ngoài chỉ rộng có 0,4m. Những lúc tắc đường, người ta bê vác xe đạp lấn vào đường đi bộ thậm chí đi cả xuống gầm cầu rồi vượt vào phía sân bóng đá Long Biên về phố.

Bây giờ Hà Nội đã có nhiều cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng. Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì cùng với Chương Dương, Thăng Long đảm bảo cho việc thông suốt giao thông bộ. Cầu Long Biên dần lui về vai trò lịch sử của một di tích. Cầu đã xuống cấp nhiều sau quãng thời gian vắt qua ba thế kỷ dài hơn trăm năm. Đã có phương án dựng một cây cầu xe lửa ở vị trí gần cầu cũ để giải phóng cho cầu Long Biên. Và một đợt đại tu cầu Long Biên quy mô đã được thực thi. Tuy nhiên khi chưa có cầu xe lửa thay thế thì Long Biên vẫn là cầu nối đường sắt từ Hà Nội đến phía Bắc. Nhưng dù có thế thì vai trò của cầu Long Biên ngày một thu hẹp ít được mọi người nhắc đến.

Thú thật đến hôm nay tôi vẫn chưa biết là cây cầu Long Biên này đã có danh hiệu gì chưa. Chẳng hạn được UNESCO hay Nhà nước công nhận là di tích lịch sử được xếp hạng. Có thể có và chưa, nhưng với tôi, với những người Hà Nội có ký ức cùng cây cầu, thì Long Biên là một phần cuộc sống của mình.

Thật khó để quên lãng.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến