20/01/2025 | 14:54 GMT+7, Hà Nội

Câu chuyện xe đạp

Cập nhật lúc: 28/06/2019, 14:06

Nếu như một ngày thành phố Hà Nội chỉ toàn xe đạp như dạo nào thì liệu đó có là điều đáng mơ ước không? Tôi nghĩ đấy là điều hạnh phúc!

Nhân chuyến đạp xe xuyên Việt bằng chiếc xe đạp địa hình một người bạn cho mượn, tôi chợt nhớ đến một thời xe đạp. Phải công nhận đó là một thời không thể nói là không huy hoàng. Mới chỉ nhớ thế tôi đã giật mình. Ô hay, sao lại chỉ thời đó xe đạp mới huy hoàng, ngay hiện tại dù là thời đại của ô tô, của xe máy, nhưng xe đạp đang quay trở lại và nó cũng đang rất thịnh hành nếu không muốn nói là mốt.

Có thể nói không ngoa Hà Nội, nhất là mạn Hồ Tây vào lúc sáng sớm, chính là giờ của xe đạp lên ngôi. Cơ man nào là xe và xe. Nam phụ lão ấu, nam thanh nữ tú, từng nhóm và đi lẻ, nườm nượp như trảy hội. Mùa hè nhìn dòng người xe thật thích mắt. Đẹp và khỏe. Mùa đông có lùm xùm hơn chút về trang phục nhưng nói chung vẫn là hợp với mắt nhìn.

Dân xe đạp bao giờ cũng chuộng thời trang, bởi để đạp được xe, họ phải là những người có kinh tế không thuộc loại chật vật. Khi cũng a dua bỏ các phương tiện khác để đạp xe thì tôi thấy xe đạp đúng là một phương tiện hữu ích. Nó chỉ bất tiện về khoản thời trang. Đi xe đạp thì cái món sang diện quần là áo lượt hơi bị khó. Thế thôi, chứ các phương diện này nó ăn đứt các ông em ô tô, xe máy. Tính ở khoản tắc đường chẳng hạn. Tắc đến mấy xe đạp cũng có đường thoát. Một nhát là xách bổng đi lên hè và cả người lẫn xe chào nhé đám đông đang chôn chân ken nhau như cá hộp. Lãi nhất có lẽ là món sức khỏe.

Từ dạo đạp xe, chân cẳng tôi đâm ra có mẽ, cũng bắp chuối như ai. Trước, thật lòng tôi chẳng bao giờ dám đánh quần sooc ra đường vì nó bấy bớt và khẳng khiu. Thêm cái khoản cùn nhất là có trót dăm cốc bia hay đôi ba chén rượu, ô tô, xe máy là cấm kỵ vừa phạm luật và vừa nguy hiểm. Xe đạp, không vô tư lắm nhưng còn khả dĩ. Phót được lên yên thì coi như xong chẳng phải bàn nữa.

Lãng mạn xe đạp một thời.

Lãng mạn xe đạp một thời.

Một thời Hà Nội, xe đạp là phương tiện gần như duy nhất của người dân. Thành phố thoảng nhặt mới bói ra một chiếc xe máy. Xe đạp lúc đó đương nhiên ngoài chức năng phương tiện, nó còn là một công cụ để đánh giá gia tài của chủ nhân. Thế nên mới có câu: “Một yêu anh có pơ giô…”. Đây là loại xe sang trọng của Pháp và rất đắt tiền chỉ có người giầu có ở Hà Nội mới sắm sửa được. Bình dân thì đi ti tỉ loại, từ xe đạp nội địa đến xe ngoại do những người đi nước ngoài mang về.

Dạo đó xe đạp còn được coi là tài sản xã hội. Thế nên mới có chế độ phân phối, cung cấp xe. Những xe này được bán theo giá cung cấp nghĩa là rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Để được mua xe nhà nước, không phải là chuyện đơn giản. Chí ít cũng phải là diện được bình bầu hoặc có thành tích xuất sắc và đương nhiên nó được ưu tiên cho những người làm công vụ. Vì là tài sản nên xe đạp được quản lý sít sao như ô tô, xe máy bây giờ. Xe được cấp đăng ký, đeo biển cẩn thận. Mua bán xe phải được chính quyền cấp phép công nhận mới được coi là hợp pháp. Và xe phải là chính chủ, nếu không sẽ bị phạt rất nặng. Mua chiếc xe đạp thủ tục phức tạp hơn cả ô tô bây giờ. Người bán phải viết giấy bán rồi ra chính quyền xác thực. Người mua cầm tờ giấy đó như một chứng chỉ đảm bảo rồi mang giấy tờ hộ tịch của mình ra cơ quan công an chuyển đổi đăng ký. Công an soi số khung, số đăng ký rất kỹ sau đó mới cấp đăng ký mới. Nếu mua xe mới thì nơi bán phải cấp chứng nhận kiểu như hóa đơn bây giờ.

Xe thời ấy chủ yếu là xe trong nước và các nước xã hội chủ nghĩa. Trong nước có những thương hiệu nổi tiếng như Hoàn Kiếm, Thống Nhất. Xe cung cấp, phân phối chủ yếu là những loại xe này. Xe ngoại thì Trung Quốc là nhiều, xe Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu… Đông Âu thì có xe cuốc của Liên Xô, xe Favorit, Eska của Tiệp Khắc. Rồi là xe Diamon của Đức. Xe Peugeot, Mercier… của Pháp là dòng xe cổ từ thời thuộc Pháp. Những xe này rất bền và đẹp, bởi vậy giá của nó cao ngất ngưởng. Tôi nhớ có mốt nhái tất cả những loại xe nổi tiếng. Có các lò cơ khí sản xuất khung xe giống như thật các mẫu mã.

Trong thành phần xe đạp, khung xe là quan trọng nhất và nó được pháp luật kiểm soát. Có số khung khắc chìm ở phần dưới ổ giữa. Phụ tùng xe thì vô cùng đa dạng. Thời xe đạp thịnh hành, những người đi nước ngoài thường mua mang về đủ loại từ pê đan, đùi đĩa, đến xích líp, bi vòng, bi viên... Nói chung bất cứ thứ gì của xe đạp cũng quý. Ngoài bán xe cung cấp, phân phối, thì phụ tùng xe đạp cũng được vận hành theo tiêu chuẩn này. Cung cấp là giá rẻ nhất, sau đó đến phân phối giá cao hơn chút và sau cùng gọi là giá tự do, nghĩa là giá gần tương đương với giá chợ đen có nhỉnh chút về độ rẻ. Thi thoảng cơ quan được bách hóa bán cho phụ tùng xe đạp, thế nên mới có trò gắp thăm. Ai gắp được gì thì bỏ tiền mua thứ ấy. Săm, lốp là những thứ thiết thực nhất. Quý nên mới có những cơ sở chuyên gia công lốp cũ gọi là đắp lốp. Lốp đắp lại đi thêm được khá nhiều thời gian.

Xe đạp bây giờ không còn là tài sản quý giá nữa nhưng nó cũng rất đa dạng về giá trị. Một vài triệu là có một chiếc xe chất lượng để sử dụng. Chiếc xe tôi đi xuyên Việt là xe địa hình. Nó có giá vài chục triệu. Nhiều dòng xe còn đắt hơn nhiều. Có chiếc đắt ngang ô tô, xe máy. Riêng các dòng xe cũng phân chia thành nhiều loại, tìm hiểu phải kỳ công mới biết. Xe đời mới được làm bằng những vật liệu tiên tiến, nhẹ và tốt, có nhiều tính năng và đẩy tốc độ xe lên cao không thua gì xe máy.

Thời hiện đại, xe đạp thực sự là một phương tiện đắc dụng, chống được ùn tắc và quan trọng là rèn luyện sức khỏe. Nếu như một ngày thành phố Hà Nội chỉ toàn xe đạp như dạo nào thì liệu đó có là điều đáng mơ ước không? Tôi nghĩ đấy là điều hạnh phúc!

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/cau-chuyen-xe-dap-37079.html