Cáp treo Phú Quốc, Sa Pa, Bà Nà lên New York Times
Cập nhật lúc: 27/10/2023, 14:24
Cập nhật lúc: 27/10/2023, 14:24
Trong bài viết có tựa đề “Nếu có thể đi cáp treo đến Đấu trường La Mã, bạn đang ở Việt Nam” đăng tải vào ngày 25/10, nhật báo hàng đầu của Mỹ New York Times đã dành có những nhận định và ấn tượng với hệ thống cáp treo tại các điểm du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam và Sun Group - tập đoàn đứng sau những dự án này. Bài viết sau khi đăng tải nhanh chóng thu hút độc giả quốc tế nhờ hình ảnh và tiêu đề độc đáo, được New York Times đặt ở vị trí đầu tiên tại chuyên mục Du lịch và duy trì vị trí trên trang chủ nhiều giờ.
Tới “Đấu trường La Mã” bằng cáp treo?
Tiêu đề khá vui của phóng viên Patrick Scott - tác giả bài viết đã gợi nhiều tò mò cho độc giả quốc tế khi hình dung về Việt Nam. Patrick Scott đã dành thời gian nghiên cứu các hệ thống cáp treo tại Phú Quốc, Sa Pa, Đà Nẵng… và ghi lại những mô tả dựa trên cảm nhận của bản thân và những du khách quốc tế đã trải nghiệm.
Cây bút của New York Times đã đến Phú Quốc vào tháng 3 và đi cáp treo 8km từ Sunset Town - Thị trấn Hoàng Hôn tới đảo Hòn Thơm, mô tả nước biển khi ấy của nam đảo Phú Quốc nhìn từ cáp treo “trong vắt như pha lê”, lại được tô điểm thêm bởi màu sắc của hàng trăm chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ, tạo nên khung cảnh thật rực rỡ.
Tuyến cáp treo này cũng chính là cảm hứng để Patrick Scott đặt tên tiêu đề bài viết. Anh mô tả khu vực nhà ga cáp treo là phiên bản “đầy đủ” của Đấu trường La Mã tại Rome, và toàn bộ Thị trấn Hoàng Hôn - Sunset Town là phiên bản công phu của một thành phố Địa Trung Hải ở Italy, với tháp chuông đồng hồ, đài phun nước kiểu baroque và những tàn tích La Mã. Patrick Scott cho rằng, khu du lịch Sun World Hon Thom và Sunset Town là một trong những công trình nhân tạo đáng kinh ngạc nhất của Việt Nam.
“Trông giống như Disneyland hoặc The Truman Show”, Tomek Tabaka - một du khách Ba Lan mô tả.
Tại Đà Nẵng, Patrick Scott nhận định, tuyến cáp treo lên đỉnh Bà Nà đã biến trạm nghỉ dưỡng xưa kia của người Pháp thành Sun World Ba Na Hills - một công viên giải trí theo phong cách châu Âu, với ngôi làng Pháp, nhà thờ Gothic, những lâu đài như cổ tích và đặc biệt Cầu Vàng - một hiện tượng truyền thông của thế giới.
Ở Sa Pa, anh ấn tượng với hệ thống cáp treo lên đỉnh núi cao nhất Việt Nam - Fansipan. Du khách sẽ ngồi trên cáp treo băng qua những biển mây dày, trắng xóa trước khi lên tới khoảng không trong veo ở đỉnh.
Tại Fansipan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những quần thể tâm linh mô phỏng kiến trúc các ngôi chùa Việt thế kỷ 16, với tháp chuông 10 tầng, hệ thống cầu thang bằng đá và tượng Phật ngồi khổng lồ. Suvisa Vathananond và Patrick Tunhapong, du khách Thái Lan nhận xét rằng, khu du lịch Sun World Fansipan Legend là một dự án cân bằng tốt giữa bảo tồn và phát triển.
Cáp treo “đưa Việt Nam ra thế giới”
“Việt Nam là nơi có 4 tuyến cáp treo dài nhất thế giới, đều được xây dựng trong thập kỷ qua, cho thấy biến chuyển ngoạn mục của nền kinh tế và ngành du lịch Việt Nam”, nhật báo của Mỹ nhận định, và nhấn mạnh phần lớn những hệ thống cáp treo nổi tiếng được phát triển bởi Sun Group - “Tập đoàn du lịch hàng đầu châu Á 2022 - 2023” do World Travel Awards vinh danh.
Steven Dale, người sáng lập “Gondola Project”- một website uy tín theo dõi ngành phát triển cáp treo toàn cầu đã nhận định, ở châu Á một trong những quốc gia phát triển cáp treo thành công nhất là Việt Nam. Theo dữ liệu từ các nhà sản xuất cáp treo, trong hai thập kỷ qua, đã có khoảng 26 tuyến cáp treo được xây dựng tại hàng chục địa điểm trên khắp nước ta, cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của các cơ sở phục vụ nhu cầu du lịch.
Cuộc chơi bắt đầu từ năm 2007, khi những người sáng lập Sun Group trở về nước từ Ukraine, bắt đầu với tuyến cáp treo đầu tiên dài khoảng 6km lên đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng), phối hợp với Tập đoàn cáp treo hàng đầu thế giới Doppelmayr của Áo.
Từ đó đến nay, Sun Group đã cho ra mắt 6 khu Sun World có cáp treo, thu về tới 9 kỷ lục Guinness thế giới, như: Cáp treo ba dây dài nhất thế giới tại Phú Quốc, Cabin cáp treo có sức chứa lớn nhất thế giới tại Hạ Long (Quảng Ninh), Trụ cáp cao nhất thế giới tại Cát Bà (Hải Phòng), Hệ thống cáp treo có độ dốc lớn nhất thế giới lên đỉnh Fansipan tại Sa Pa (Lào Cai), Cáp treo một dây dài nhất thế giới lên đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng)…
Những tác động tích cực
Theo chuyên gia Steven Dale, địa hình Việt Nam có nhiều núi, rừng và hải đảo, phù hợp để xây dựng cáp treo. Đây được xem là “con đường” có thời gian xây dựng nhanh hơn, rẻ hơn và ít gây thiệt hại về môi trường hơn so với đường bộ.
New York Times nhận định cáp treo có ý nghĩa đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tầng lớp trung lưu của đất nước là những đối tượng không dễ dàng có khả năng chi trả cho một chuyến đi đến Rome (Italy), hay Paris (Pháp), nhưng có thể dễ dàng mua vé cáp treo có giá từ 25 - 45USD để đến những điểm đến lấy cảm hứng Châu Âu như Bà Nà Hills hay Phú Quốc.
Nhật báo Mỹ cũng chỉ ra rõ những tác động tích cực của cáp treo tới nền kinh tế của các địa phương. Theo ghi nhận của bài báo, với chính quyền Sa Pa, địa phương chỉ đón 65.000 khách du lịch vào năm 2010, trước khi đường cao tốc từ Hà Nội được xây dựng vào năm 2014 và cáp treo được khánh thành vào năm 2016. Đến năm 2019, lượng du khách đã tăng vọt lên 3,3 triệu và đạt 2,5 triệu vào năm ngoái trong sự phục hồi sau dịch bệnh.
Bên cạnh những ý kiến trái chiều về du lịch Sa Pa như trẻ em dân tộc thiếu số đi xin tiền, nhiều tòa nhà, khách sạn đang mọc lên không kiểm soát, thì cáp treo đã giúp đỉnh Fansipan dễ tiếp cận hơn và thu hút hàng nghìn du khách mỗi ngày. “Cáp treo giúp các điểm đến khác của Sa Pa không quá tải và các ngôi làng bản địa vẫn giữ được nét truyền thống”, một nhận định trong bài viết của New York Times./.
15:19, 24/11/2022
06:15, 09/03/2021
08:58, 29/07/2020