29/03/2024 | 06:01 GMT+7, Hà Nội

Cảnh báo tình trạng "khuyến mại ảo" khi mua sắm trực tuyến thời Covid-19

Cập nhật lúc: 03/04/2020, 10:30

Hàng loạt "trò xấu" như giao hàng dù khách không đặt mua hay tung các chương trình "khuyến mại ảo" xuất hiện trong thời gian qua khiến người tiêu dùng online lao đao.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc phải hạn chế tiếp xúc nơi công cộng đông người đã khiến xu hướng mua sắm trực tuyến tăng đột biến, đặc biệt là trong thời điểm cần "cách ly" như bây giờ để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm. Thương mại điện tử vốn đã sôi động thì dường như lại càng phát triển hơn trong thời điểm người người nhà nhà được khuyến cáo "đứng yên" một chỗ.

Bùng nổ mua sắm trực tuyến khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, chính nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao lại là cơ hội cho các đối tượng có mục đích xấu lợi dụng. Tình trạng khách hàng không đặt mua sản phẩm nhưng vẫn được giao hàng, "khuyến mại ảo" đánh vào tâm lý muốn mua hàng rẻ của người tiêu dùng đã và đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại bởi đây là thời điểm người tiêu dùng mua hàng nhiều, dễ dẫn đến việc chủ quan khi thanh toán.

Khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng là hành vi tác động trực tiếp lên đặc tính của hàng hóa, dịch vụ mà chủ yếu là chất lượng, giá cả. Nó là hành vi đưa ra thông tin khuyến mại sai sự thật hoặc không rõ ràng làm cho khách hàng hiểu nhầm về hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại. 

Ví dụ: Doanh nghiệp khuyến mại hàng kém chất lượng, hàng hóa tồn kho nhưng thông tin khuyến mại làm người mua hiểu nhầm là khuyến mại những mặt hàng mới, chất lượng tốt.

Hành vi khuyến mại không trung thực về giá hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng thường gặp nhất là nâng giá bán mặt hàng khuyến mại lên cao sau đó giảm giá tương ứng với sự tăng lên đó hay hành vi nâng giá bán lên cao và tặng kèm hàng hóa, dịch vụ khác. Hành vi này khiến cho bản chất của hoạt động khuyến mại trong tương quan với các hoạt động xúc tiến thương mại khác là mang lại cho khách hàng những lợi ích nhất định không được bảo đảm. Ở đây, khách hàng chẳng hề thu được lợi ích gì từ việc giảm giá của doanh nghiệp.

Cụ thể,  trên một trang thương mại điện tử, một chiếc xe máy hiệu Honda Vision được rao bán với mức giá 36.000.000 nhưng giảm giá xuống còn 32.280.000 hay Honda Lead được rao bán 45.000.000 giảm 13% còn 39.300.000. Tuy nhiên, khi so sánh 2 mức giá này với giá bán trên website chính thức của Honda thì giá sau khuyến mại vẫn... cao hơn so với giá chính hãng (lần lượt là 29.990.000 và 37.490.000).

Giá bán xe sau khuyến mãi trên trang thương mại điện tử...


...vẫn cao hơn một ít so với giá trên website chính thức của hãng
...vẫn cao hơn một ít so với giá trên website chính thức của hãng

... vẫn cao hơn một ít so với giá trên website chính thức của hãng

Ngoài ra, vào những dịp lễ, tết, hầu như doanh nghiệp nào cũng thực hiện khuyến mại hấp dẫn như giảm giá đến 50%, mua 1 tặng 1... nhưng rất khó để bảo đảm tất cả là khuyến mại trung thực. Cách nhận biết doanh nghiệp khuyến mại trung thực hay không là so sánh giá của hàng hoá, dịch vụ trước thời gian khuyến mại và giá của hàng hóa, dịch vụ đã khuyến mại. Nhưng điều này không hề dễ dàng, nhất là đối với những khách hàng không thường xuyên mua sắm hay khách hàng mới lần đầu tiếp xúc với sản phẩm của doanh nghiệp.

Khuyến mãi "mua 1 tặng 1" nhưng thực tế là mua 1 chai nước xịt khuẩn tặng 1...  khẩu trang

Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng phương thức để bảng giảm giá 10%, 20%, 50% nhưng không nói rõ mặt hàng được khuyến mại, đến khi khách hàng vào mua và thanh toán tiền thì mới biết cửa hàng chỉ giảm giá cho những sản phẩm lỗi thời, cũ kỹ. Tính chất không lành mạnh của hành vi này thể hiện ở việc doanh nghiệp đưa ra thông tin không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng, làm cho khách hàng nhầm tưởng tất cả các mặt hàng đều giảm giá. 

Việc làm này của các "tiểu thương" trên các trang thương mại điện tử sẽ khiến khách hàng hiểu nhầm mình mua được hàng với giá rẻ nhưng thực chất không hẳn như vậy. Nếu khuyến mại được thực hiện trung thực thì sẽ mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng và mua sắm từ đó kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, thực tế là khuyến mại không lành mạnh ngày càng phổ biến và rất khó phát hiện.

Người tiêu dùng "mắc bẫy" tiểu thương trên các trang thương mại điện tử

Để hiểu rõ hơn về những vấn đề pháp lý liên quan đến tình trạng trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng VP Luật kết nối.

PV: Thưa luật sư, gần đây rất nhiều trường hợp người tiêu dùng không mua hàng nhưng vẫn bị giao hàng tận nhà, hay người tiêu dùng bị “hớ” vì tưởng rằng mua được hàng sale 50% nhưng thực tế giá không thay đổi khi kiểm tra lại trên website chính hãng của mặt hàng. Như vậy, các trang mạng thương mại có phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng hay không?

LS Nguyễn Ngọc Hùng: Căn cứ theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 13 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì chủ sở hữu các trang thương mại điện tử sẽ phải: 

c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ.

PV: Việc các trang thương mại điện tử cho phép tiểu thương, nhà kinh doanh tự tổ chức giảm giá, giảm trên 50%, bán phá giá, sai giá có vi phạm pháp luật hay không? Vi phạm ở luật, khoản nào, điểm nào?

LS: Căn cứ quy định khoản 1, Điều 7 Nghị định 81/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại quy định mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.

Đồng thời căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, với các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì áp dụng mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%. Các chương trình khuyến mại tập trung ở đây có thể là các đợt khuyến mại vào dịp Tết Âm lịch và các dịp lễ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Tuy nhiên, giá bán ở đây phải là giá gốc cụ thể theo giá nhập khẩu, giá thị trường của hãng để làm cơ sở tính giá khuyến mại.

Việc trang thương mại cho phép tiểu thương tự ý tổ chức giảm giá, tự quyết định giá bán thì không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tiểu thương có trách nhiệm phải tuân thủ pháp luật về các mức giá đăng bán và các chương trình giảm giá khuyến mại. Đồng thời, trang thương mại có trách nhiệm phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ (khoản 4 Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP) và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử (khoản 8 Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP).

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng VP Luật Kế nối.

PV: Có thể thấy việc quản lý các trang thương mại điện tử ở Việt Nam còn nhiều bất cập, vậy người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp pháp?

LS: Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức và hiểu biết của mình đối với nhãn hàng, cửa hàng và sản phẩm, đồng thời cũng nâng cao hiểu biết đối với pháp luật về thương mại và tiêu dùng để có thể tránh được những tình huống bất lợi và tự bảo vệ được quyền lợi của bản thân. Và đặc biệt, khi phát hiện những sai phạm của tiểu thương hoặc trang thương mại thì người tiêu dùng cần lập tức báo cho cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời xử lý các sai phạm đó.

PV: Các cơ quan chức năng nào sẽ là nơi xử lý vi phạm, sai phạm của các trang thương mại điện tử “tiếp tay” cho gian lận thương mại?

LS: Theo khoản 5 Điều 78 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Thanh tra Bộ Công Thương, Cơ quan quản lý thị trường, Thanh tra Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan nhà nước khác có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử theo thẩm quyền quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan.

PV: Mức xử phạt cao nhất cho các cá nhân, tổ chức này căn cứ theo điều luật nào?

Cục Thương mại điện tử & kinh tế số cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi nhận hàng cần thận trọng, xác nhận kỹ về việc có đặt hàng tại webiste thương mại điện tử hay không. Cùng đó, người mua hàng cũng cần kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi thanh toán để đảm bảo sản phẩm đúng như mô tả tại vận đơn giao hàng, đặc biệt là trong thời điểm này, tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và nhu cầu mua sắm trực tuyến đang "bùng nổ".

LS: Các vi phạm về thương mại điện tử sẽ bị xử phạt hành chính.

- Phạt tối đa 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không có biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

+ Không cung cấp thông tin và hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

+ Không thực hiện nghĩa vụ thống kê, báo cáo theo quy định.

- Phạt tối đa 30.000.000 đồng đối với hành vi không công bố đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trên website khuyến mại trực tuyến theo quy định.

- Phạt tối đa 30.000.000 đồng đối với hành vi thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không được sự đồng ý trước của chủ thể thông tin

+ Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

- Phạt tối đa 20.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!