21/11/2024 | 16:52 GMT+7, Hà Nội

Cảnh báo, ngăn chặn các vụ án lừa đảo: Sáng kiến nhỏ, hiệu quả lớn

Cập nhật lúc: 18/08/2020, 16:16

Công an quận Hoàn Kiếm làm biển cảnh báo đặt ở các quầy giao dịch ngân hàng, kịp thời ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo chuyển tiền tỷ.

Quá trình điều tra các vụ án lừa đảo qua điện thoại, mạng viễn thông, cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm đã có sáng kiến làm biển cảnh báo đặt ở các quầy giao dịch ngân hàng, qua đó kịp thời ngăn chặn nhiều vụ chuyển tiền tỷ từ phía nạn nhân cho các đối tượng lừa đảo.

“Đề bài” tích hợp cảnh báo lừa đảo

Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về thủ đoạn giả danh lực lượng chức năng đe dọa lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, mạng viễn thông nhưng nhiều người dân vẫn “sập bẫy”, mất hàng tỷ đồng. Để có biện pháp ngăn chặn lừa đảo hiệu quả nhất, Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã giao “đề bài” cho Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) nghiên cứu tìm ra phương án tích hợp các nội dung cảnh báo cho người dân, nhân viên ngân hàng thực hiện.

Những tấm biển cảnh báo lừa đảo được đặt tại quầy giao dịch của các ngân hàng đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phòng, chống tội phạm

Đúc rút các biểu hiện tâm lý của nạn nhân trong nhiều vụ án lừa đảo qua điện thoại, mạng viễn thông trong thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an quận Hoàn Kiếm nhận thấy, khi nạn nhân đến ngân hàng yêu cầu rút tiền, chuyển tiền thường có vẻ mặt lo lắng, sợ hãi. Mục đích của việc rút, chuyển tiền không rõ ràng, liên tục nghe điện thoại… Nhiều nạn nhân cho biết đã được đọc, nghe cảnh báo đâu đó rồi nhưng khi bị các đối tượng lừa đảo liên tục gọi điện dồn ép dẫn tới không còn tỉnh táo và cứ thế thực hiện theo sự điều khiển của chúng.

Từ thực tế này, cán bộ, chiến sĩ trong Đội CSHS đã có sáng kiến làm biển cảnh báo bằng khổ giấy A4 đặt ở các quầy giao dịch ngân hàng. Mặt trước in thông tin cảnh báo ngắn gọn để khách hàng dễ dàng đọc được, mặt sau là các biểu hiện tâm lý của người bị hại khi đến giao dịch. Thấy khách hàng có biểu hiện tâm lý như cảnh báo thì nhân viên giao dịch sẽ tư vấn cho khách hàng đọc bảng cảnh báo cũng như báo cho công an phường, quận để nhanh chóng cử lực lượng xuống địa bàn kịp thời ngăn chặn.

Sau khi được Chỉ huy Công an quận chấp thuận, ngày 20/5, Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với các ngân hàng có phòng giao dịch trên địa bàn triển khai đặt bảng cảnh báo tại các quầy giao dịch ngân hàng. Tính đến nay, Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các ngân hàng tổ chức đặt hơn 700 biển cảnh báo tại 187 phòng giao dịch trên địa bàn.

Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các ngân hàng đặt hơn 700 biển cảnh báo lừa đảo tại các phòng giao dịch trên địa bàn

Nói về ý tưởng làm biển cảnh báo, Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội CSHS, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: Xuất phát từ thực tiễn trên địa bàn trong thời gian qua tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng xã hội và gọi điện thoại giả danh cơ quan tư pháp với nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn.

Cụ thể, thủ đoạn của tội phạm thường tự xưng là nhân viên bưu điện, nhân viên sân bay, ngân hàng... gọi điện thông báo nạn nhân đang nợ tiền cước điện thoại, vay ngân hàng hoặc có bưu phẩm, quà tặng lâu ngày không đến nhận... Khi nạn nhân thắc mắc không có những việc như trên thì đối tượng hướng dẫn, nối máy cho nói chuyện với “cán bộ cơ quan công an, Viện Kiểm sát, Tòa án...”.

Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân thực hiện các việc như cung cấp các thông tin như: Số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số hồ sơ do đối tượng cung cấp và tên đăng nhập, mật khẩu Internet Banking. Sau khi nhập xong, ứng dụng hiển thị “Lệnh bắt của Viện Kiểm sát” khiến bị hại lo sợ, không có thời gian suy nghĩ về các nội dung mà đối tượng cung cấp từ đó “điều khiển” đến phòng giao dịch ngân hàng rút tiền từ tài khoản tiết kiệm để chuyển vào số tài khoản đối tượng cho sẵn rồi nhanh chóng chiếm đoạt.

Đã có nhiều trường hợp, trong đó có cả cán bộ, công chức, nhân viên ngân hàng, trí thức, người trẻ tuổi... do nhận thức chưa đầy đủ hoặc nhẹ dạ cả tin đã bị lừa đảo chiếm đoạt với số tiền lớn. Đặc biệt, nhiều người mặc dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn bị các đối tượng gọi điện giả danh cán bộ tư pháp lừa đảo. Phần lớn các vụ việc, khi bị hại đến cơ quan công an trình báo thì đã bị các đối tượng rút hết tiền, ít có khả năng thu hồi.

Mặt trước của tấm bảng cảnh báo nhận diện thủ đoạn của tội phạm lừa đảo

Tấm biển nhỏ mang lại hiệu quả lớn

Theo đại diện Công an quận Hoàn Kiếm, sau thời gian ngắn đặt những tấm biển cảnh báo ở các quầy giao dịch, nhân viên ngân hàng đã phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm kịp thời ngăn chặn 7 vụ lừa đảo, bảo đảm an toàn hơn 5,5 tỷ đồng cho khách hàng.

Cụ thể, sáng 29/6, ông C (SN 1958, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận được điện thoại của đối tượng xưng là cán bộ công an đang điều tra vụ án mua bán ma túy và rửa tiền. Đối tượng nói rằng ông C có liên quan đến vụ án ma túy, rồi chụp ảnh lệnh bắt khẩn cấp gửi cho ông. Sau đó, đối tượng hỏi các tài khoản ngân hàng của ông C rồi yêu cầu phải chuyển số tiền 300 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng để thanh tra. Trong quá trình nói chuyện, các đối tượng yêu cầu ông không được kể lại câu chuyện trên cho người nào biết...

Quá hoang mang trước vụ việc, 11 giờ cùng ngày, ông C vội ra ngân hàng NCB số 28 Bà Triệu làm thủ tục rút tiền để chuyển vào tài khoản của đối tượng. Khi đang chờ nhân viên làm thủ tục chuyển 200 trăm triệu đồng vào tài khoản của đối tượng thì ông C đọc được cảnh báo của Công an Hoàn Kiếm đặt tại quầy giao dịch. Lúc này, ông C mới bừng tỉnh phát hiện mình bị lừa nên đã dừng việc chuyển tiền.

Mặt sau của bảng cảnh báo giúp nhân viên ngân hàng nhận biết tâm lý khách hàng bị lừa đảo khi đến quầy giao dịch

Mới đây nhất vào khoảng 10 giờ ngày 5/8, bà Nguyễn Thị T (SN 1947, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đến phòng giao dịch của một ngân hàng có địa chỉ tại 57 Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đề nghị chuyển số tiền 3,7 tỷ đồng từ sổ tiết kiệm vào tài khoản khác. Thấy bà T có biểu hiện lo lắng, vội vã yêu cầu nhân viên giao dịch thực hiện ngay... Lãnh đạo phòng giao dịch đã khéo léo tiếp chuyện và liên hệ với người thân của bà T để xác minh thông tin, đồng thời thông báo cho Công an quận Hoàn Kiếm.

Khi người thân của bà T tới gặng hỏi nhiều lần nhưng bà T vẫn khăng khăng giữ “bí mật” nói, “tiền của tôi, tôi thích làm gì thì làm”. Chỉ đến khi cán bộ công an quận Hoàn Kiếm có mặt động viên, giải thích bà T mới bình tĩnh kể lại câu chuyện bị đối tượng gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chúng cung cấp và tuyệt đối không được nói chuyện với bất cứ ai nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.

Ngoài hai vụ việc kể trên, nhân viên ngân hàng đã chủ động phát hiện nghi vấn, đề nghị khách hàng đọc thông tin trên bảng cảnh báo ở quầy giao dịch nên đã kịp thời ngăn chặn 5 vụ việc tương tự với số tiền trên 1 tỷ đồng. Hiệu quả từ việc làm những tấm biển nhỏ cảnh báo lừa đảo của Công an quận Hoàn Kiếm cũng như sự cảnh giác, phối hợp của các phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn kịp thời ngăn chăn thiệt hại cho người dân được dư luận đánh giá rất cao. Đây là việc làm thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam và 15 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thời gian tới, Công an quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm giả danh cơ quan tư pháp gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, kịp thời nắm bắt phương thức thủ đoạn để thông báo cho người dân và cơ quan chức năng phòng ngừa.

Công an quận Hoàn Kiếm đề nghị các ngân hàng, phòng giao dịch ngân hàng, nhân viên giao dịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an quận trong việc đặt biển cảnh báo. Đồng thời, các ngân hàng cần nâng cao tính bảo mật thông tin của khách hàng, kiểm tra, thẩm định kỹ các giấy tờ cá nhân của người giao dịch nhằm hạn chế, không để xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.