23/11/2024 | 15:17 GMT+7, Hà Nội

Cảnh báo: “Hỗn mang” Thanh đường Gamosa

Cập nhật lúc: 22/03/2020, 07:20

Giữa “hỗn mang” sản phẩm, giá cả, người bệnh dù có thông thái đến mấy cũng không biết đặt lòng tin vào đâu cho đúng chỗ?

Bệnh đái tháo đường (gọi nôm na là tiểu đường) được coi như “kẻ giết người không dao”, cứ thầm lặng mà tiêu diệt từng bộ phận trong cơ thể con người.

Theo thống kê của ngành y tế, hiện có trên 3,5 triệu người Việt đang sống chung với bệnh tiểu đường, mỗi năm có xấp xỉ 30.000 người tử vong do các biến chứng liên quan đến tiểu đường. Đái tháo đường là bệnh gây tử vong đứng thứ ba trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, sau tim mạch và ung thư.

Đái tháo đường là bệnh gây tử vong đứng thứ ba trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, sau tim mạch và ung thư. (Ảnh minh họa).

GS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, cho biết tại một cuộc hội thảo, ước tính cứ 20 người trưởng thành thì có 1 người bị tiểu đường nhưng nhiều người không biết mình mắc bệnh. Việt Nam có tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường khá cao với 5,5% dân số trong độ tuổi 20 - 79. Khoảng 13,7% dân số mắc tiền tiểu đường...

Có rất nhiều biến chứng do bệnh tiểu đường: Bệnh võng mạc tiểu đường, có thể dẫn đến mù lòa; các bệnh về tim mạch và đột quỵ; bệnh thần kinh ngoại biên, thần kinh tự chủ; tổn thương bàn chân, phải cắt cụt chân; suy thận; nhiễm trùng; hạ đường huyết, hôn mê... Ai nghe cũng thấy rất hoảng sợ, có lẽ cũng sợ không kém Covid-19.

Chính vì thế, trên thị trường thuốc, không kể các loại thuốc tây, ngày càng hiện hữu nhiều loại thực phẩm chức năng hỗ trợ bệnh tiểu đường sản xuất từ thảo dược “100% Việt”: Thanh đường Gamosa, Hạ khang đường, Thanh đường an, Diagood, Diagold, Mudaru, Diabetna, Hộ tạng đường, Bảo thanh đường, Hạ đường tâm an..., được quảng cáo, rao bán ồn ào trên các trang mạng xã hội và các website về thuốc, đều được vu lên là “tin vui”, "tin mừng” cho bệnh nhân, được bán với giá cao - thấp khôn lường.

Và, người bệnh chẳng khác kẻ bị rơi xuống sông, sắp chết đuối, thấy trên bờ hàng loạt người đứng hô rõ to: “Tôi khỏe, tôi mạnh, tôi bơi giỏi, cần cứu thì gọi và... trả nhiều tiền”. Chẳng biết chọn ai cứu được mình, người bệnh trong lúc nguy nan, nhắm mắt chọn bừa một người, rồi rất có thể cả hai cùng trôi theo dòng nước.

Chỉ cần kể đến một loại Thanh đường Gamosa (hộp 60 viên) được gắn với cái danh “Học viện Quân y” - một sự bảo đảm bằng vàng - đã thấy người bệnh tiểu đường phải ngơ ngác, loay hoay, bất lực giữa “hỗn mang” các loại giá dưới đất - trên trời như thế nào.

Chẳng hạn, trên trang thương mại điện tử Lazada có hàng chục shop bán Thanh đường Gamosa. “LAZvietnam” bán combo 2 hộp giá 245.000 đồng; “Li Do Shop” bán 122.000 đồng/hộp; “Ba Tu shop” bán 485.000 đồng/4 hộp; “Thảo dược quân y” bán 148.000 đồng/hộp (560.000 đồng/4 hộp); “Imua” bán 135.000 đồng/hộp...

Trên các website về thuốc khác, Gamosa được bán khá cao: Duocphamhocvienquany.com bán 275.000 đồng/hộp, 530.000 đồng/2 hộp, 980.000 đồng/4 hộp, 1.450.000 đồng/6 hộp, 1.760.000 đồng/8 hộp, 2.050.000 đồng/10 hộp. Gamosa.net bán 740.000 đồng/3 hộp, 1.250.000 đồng/6 hộp, 2.050.000 đồng/9 hộp. HVQY.vn bán 275.000 đồng/hộp, 980.000 đồng/4 hộp. Vienquany.com bán 275 đồng/hộp..., đắt gấp 2 lần giá bán trên Lazada.

Trước hết, nguồn gốc của Thanh đường Gamosa khá... mù mờ. Hiện nay, trên Cổng thông tin điện tử Học viện Quân y (hocvienquany.vn), Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng sản xuất thuốc - Học viện Quân y (hocvienquany.edu.vn) không thấy có Thanh đường Gamosa. Trên trang web của trung tâm chỉ có sản phẩm cốm Gamosa giá “0 VND”, các sản phẩm khác cũng chỉ đề giá “0 VND”. Liệu Thanh đường Gamosa có thật sự là một sản phẩm của Học viện Quân y hay không?

Sau nữa, về giá cả, sự chênh lệch khủng khiếp của Thanh đường Gamosa chỉ xảy ra trong 2 trường hợp:

1. Hoặc sản phẩm chất lượng kém, sắp hết hạn, được bán rẻ và người bán lãi rất ít, chấp nhận hòa hay chịu lỗ.

2. Hoặc người mua rất rẻ - bán rất đắt để thu lợi rất lớn.

Song, đó cũng chỉ là phỏng đoán mà thôi, bởi giá gốc xuất bán Thanh đường Gamosa của nơi sản xuất vẫn luôn là “bí ẩn hầm mộ”.

Giữa “hỗn mang” sản phẩm, giá cả, người bệnh dù có thông thái đến mấy cũng không biết đặt lòng tin vào đâu cho đúng chỗ?

Cẩn trọng không thừa!