19/01/2025 | 13:15 GMT+7, Hà Nội

Căng mình chống dịch tả lợn Châu Phi

Cập nhật lúc: 15/03/2019, 16:01

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành phun hóa chất, rắc vôi bột hàng ngày ở những điểm có dịch. Đồng thời, chủ động ngăn chặn, lập chốt kiểm soát 24/24 giờ và tuyên truyền cho người dân.

Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 500 trang trại, trên 2.300 gia trại và hơn 190.000 hộ chăn nuôi, với tổng đàn lợn 1,2 triệu con. Vùng dịch đã lan rộng ra nhiều xã tại các huyện Yên Định và Thiệu Hóa. Do đó, công việc khống chế dịch lây lan là một thách thức lớn đối với chính quyền và các ngành chức năng.

Tại huyện Cẩm Thủy từ ngày 1/3/2019 đã thành lập 3 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật 24/24 giờ nhằm kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lợn ra vào địa bàn huyện. Tiêu độc khử trùng các phương tiện giao thông đi từ ngoài vào địa bàn huyện qua chốt.

Huyện Nga Sơn nằm sát tỉnh Ninh Bình, địa phương đã công bố dịch tả lợn Châu Phi, nên ngoài việc tăng cường chốt trạm, kiểm soát chặt chẽ nguồn gia súc, gia cầm vận chuyển qua địa bàn. Huyện đã huy động Công an huyện, dân quân tự vệ…và các lực lượng chức năng khác tham gia phối hợp với lực lượng của tỉnh đảm bảo thực hiện kiểm tra, kiểm soát tất cả các xe chở gia súc, gia cầm qua chốt kiểm dịch liên ngành trên quốc lộ 10, đoạn qua xã Nga Phú, huyện Nga Sơn.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã trích kinh phí mua bổ sung hơn 800 lít hóa chất và các vật tư thiết bị để thực hiện phun phòng dịch. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nên ý thức của người dân trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đã được nâng cao.

Căng mình chống dịch tả lợn Châu Phi

Tất cả lợn nhiễm dịch đều được tiêu hủy đúng cách

Là địa phương có nhiều tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 10, quốc lộ 1, huyện Hậu Lộc đã tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, cấp bổ sung hơn 700 lít hóa chất hỗ trợ các hộ thực hiện phun tiêu độc khử trùng. Đồng thời tiến hành giám sát khi phát xe vận chuyển lợn không đủ điều kiện sẽ có biện pháp xử lý. Và huyện cũng đã có kịch bản xử lý tình huống khi có dịch bệnh xảy ra, tổ chức bao vây dập dịch.

Huyện Thạch Thành có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua và tiếp giáp với các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, các tỉnh đã phát sinh ổ dịch tả lợn Châu Phi. Do đó, địa phương này đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn.

Tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời được đặt ở xã Thạch Lâm, luôn trực 24/24, thực hiện nhiệm vụ được phân công kiểm tra từng chiếc xe chở lợn đi qua trạm đảm bảo không để lợn không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch ra vào địa bàn.

Căng mình chống dịch tả lợn Châu Phi

Nhiều chốt kiểm soát được thành lập để chống dịch lây lan

Ngoài chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành còn lập một chốt tại xã Thành Vân. Và huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên bám sát địa bàn để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch. Đến nay, ngoài hơn 1000 lít hóa chất do huyện cấp, các xã đã trích kinh phí mua thêm hóa chất, vôi bột để tiêu độc khử trùng, tập trung vào các khu vực chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh thịt lợn. Trạm Thú y Thạch Thành cũng đang tích cực phối hợp với các xã để tiêm phòng bổ sung cho đàn lợn…

Căng mình chống dịch tả lợn Châu Phi

Trạm kiểm kiểm dịch Dốc Xây

Dốc Xây là điểm giáp ranh giữa Thanh Hóa và Ninh Bình, là một trong những chốt kiểm dịch quan trọng nhất của Thanh Hóa. Vì vậy, điểm chốt ở đây luôn phải trực suốt ngày đêm và chia làm 3 ca (ca thứ nhất từ 3h-11h; ca thứ 2 từ 11h-19h; ca thứ 3 từ 19h-3h).

Trước những thiệt hại do dịch mang lại đối với người chăn nuôi lợn, cấp thiết đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần tăng mức hỗ trợ cho bà con mức hỗ trợ sát hoặc bằng với giá thị trường để giúp người dân bớt thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất. Từ đó người nuôi lợn cũng sẽ yên tâm hơn trong việc phòng chống dịch, không giấu dịch, giúp ngăn chặn dịch lây lan sang nơi khác.