19/01/2025 | 07:16 GMT+7, Hà Nội

Cần xây dựng danh mục đầu tư xanh để gợi ý cho doanh nghiệp

Cập nhật lúc: 09/05/2019, 19:01

Cần có sự hỗ trợ, kết hợp của cơ quan ban ngành có liên quan, không chỉ từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính mà cần có sự chung tay của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc xác định các dự án xanh...

dfg

Cần xây dựng danh mục đầu tư xanh để gợi ý cho doanh nghiệp.(Ảnh: Internet)

Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày trong chủ đề: "Tín dụng xanh: Xu hướng của tương lai, những đề xuất chính sách cho tín dụng xanh" tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2019 “Để ngân hàng Việt vươn xa” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/5/2019 tại Hà Nội.

Ngân hàng xanh phải gắn với phát triển xanh và bền vững. Do đó, các ngân hàng không chỉ đảm bảo phát triển hoạt động của mình mà phải phát triển bền vững cho xã hội và môi trường.

Theo các tổ chức quốc tế, có 5 cấp độ về tín dụng xanh:

Cấp 1: Giảm thiểu sử dụng tài nguyên trong hoạt động ngân hàng. Đây là cấp độ hầu hết các ngân hàng Việt Nam đạt được.

Cấp 2: Cung cấp tín dụng cho các dự án xanh.

Cấp 3: Hoạt động kinh doanh có hệ thống liên quan tới tín dụng xanh, coi đây là mảng kinh doanh lớn.

Cấp 4: Chủ động xây dựng chiến lược xanh.

Cấp 5: Chủ động tham gia hệ sinh thái chiến lược, gắn với các cam kết về môi trường.

Theo OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), tín dụng xanh là cấu phần trong tháp đầu tư xanh, cung cấp tín dụng dự án đầu tư xanh sẽ tạo ra nghề nghiệp, chứng khoán, tín phiếu, cổ phiếu xanh, tạo ra hệ thống phát triển đầu tư xanh.

Tín dụng xanh cho doanh nghiệp tăng sẽ giảm thiểu phát thải carbon, giảm phát thải khí nhà kính.

Việt Nam mới hình thành khái niệm tín dụng xanh khoảng 10 năm nhưng thế giới đã có hàng trăm năm. Tại Mỹ, Anh, Hàn Quốc đã có các định chế tài chính xanh, đóng vai trò cung cấp tín dụng vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm thải CO2. Các định chế tài chính lớn này đóng vai trò quan trọng phát triển tín dụng xanh.

Các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, tiếp cận mô hình từ dưới lên. Ví dụ Tại Ấn Độ, tín dụng cho sản xuất năng lượng mặt trời tại hộ gia đình được cấp thông qua các tổ chức tài chính vi mô. Trung Quốc thì đi theo hướng phát triển trái phiếu xanh.

Nói về bài học cho Việt Nam, bà Tú cho hay, vai trò của Chính phủ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án là rất quan trọng. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã có đề án phát triển tín dụng xanh.

Từ thất bại một số nước, bà Tú đánh giá, cần có sự hỗ trợ, kết hợp của cơ quan ban ngành có liên quan, không chỉ từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính mà cần có sự chung tay của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc xác định các dự án xanh.

"Năm 2018, điều tra của chúng tôi cho thấy, hầu hết lãnh đạongân hànghiểu rõ về mức độ ưu tiên và ngành nghề, lĩnh vực xanh tại Việt Nam. Nhưng thực tế, có tới 60% doanh nghiệp chưa bao giờ đề xuất vay vốn ngân hàng xanh do họ chưa biết có chính sách thúc đẩy đầu tư xanh từ phía ngân hàng thương mại. Nguồn tin chủ yếu của họ từ các dự án môi trường như GIZ, UNDP... thông tin từ phía cơ quan nhà nước rất thấp, chỉ dưới 50%", bà Tú cho hay.

Trên cơ sở đó, bà Tú kiến nghị, Việt Nam nên tiếp cận từ trên xuống, trong đó Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, thông qua hệ thống Ngân hàng đầu tư vào dự án xanh.

Cần xây dựng chiến lược, danh mục đầu tư xanh để gợi ý cho doanh nghiệp. Định chế tài chính lớn cần thực hiện trước, nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình này.

Đối với các dự án đầu tư xanh, chẳng hạn EVN đầu tư năng lượng mặt trời, nếu thành công nên nhân rộng sang các mô hình khác.

Đặc biệt, công tác truyền thông phải được đẩy mạnh với lĩnh vực đầu tư xanh, trong đó có các trường đại học. Người tiêu dùng cũng đóng vai trò quyết định đến tiêu dùng xanh, từ đó sẽ dẫn tới đầu tư xanh của doanh nghiệp.

Bà Tú cho biết: "Năm 2017, nghiên cứu của chúng tôi liên quan tới hệ số lan tỏa kinh tế với các ngành khác nhau, cho thấy ngành khai thác và xây dựng chiếm tỉ trọng đầu tư lớn trong tín dụng của các Ngân hàng trong khi chỉ số lan tỏa tới các ngành hàng khác ở mức thấp nhất và tiêu thụ năng lượng ở mức cao nhất, chỉ số phát thải CO2 lớn nhất. Do đó, các ngân hàng cần điều chỉnh dịch chuyển tín dụng từ đầu tư ngành xây dựng, khai thác sang ngành nông lâm thủy sản và dịch vụ để hướng tới tài chính xanh".

Bước vào phiên thảo luận, với câu hỏi: Tín dụng xanh là một xu hướng cần phổ biến, nhưng theo bà hiện tại có những khó khăn gì khi muốn nhân rộng, nên giải quyết ra sao?

Bà Trần Thị Thanh Tú cho biết: "Một trong những khó khăn của doanh nghiệp là tiếp cận thông tin để hiểu được lĩnh vực nào ưu tiên đầu tư xanh; hỗ trợ từ cơ quan ban ngành liên quan.

Sacombank, Nam A Bank đã bắt đầu cung cấp tín dụng gắn với ưu tiên môi trường. GIZ cũng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo. Ngân hàng cũng thông qua vốn ủy thác từ tổ chức quốc tế cho dự án xanh.

Ngân hàng thẩm định dự án này không đơn giản, đòi hỏi kiến thức chuyên môn, không chỉ ngành cho vay mà môi trường. IFC đã có cẩm nang hướng dẫn, đánh giá tác động rủi ro và môi trường với hơn 80 ngành nghề khác nhau. Đây mới chỉ là cẩm nang hướng dẫn, chưa tạo ra sự bắt buộc để ngân hàng áp dụng. Thông qua diễn đàn tôi mong muốn ngân hàng hướng tới cho vay những ngành này".

Khánh Linh