Cần thấu hiểu để giữ chân, kêu gọi người lao động quay trở lại làm việc
Cập nhật lúc: 12/10/2021, 08:45
Cập nhật lúc: 12/10/2021, 08:45
Dù dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, song "làn sóng" di cư của người lao động đang đặt ra mối lo ngại cho nhiều doanh nghiệp trong việc khôi phục lại sản xuất. Cụ thể, theo công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1/9, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp của TP.HCM giảm đến 63,3%.
Nhiều khả năng đến quý I/2022 người lao động mới quay trở lại TP.HCM
Chỉ ra thực trạng hầu hết lao động đều đã về quê, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee dự đoán "nhiều khả năng đến quý I/2022 họ mới quay trở lại TP.HCM vì chỉ còn vài tháng nữa thôi sẽ đến Tết Nguyên Đán".
Đối diện với bài toán về nguồn nhân lực, ông Luận cho biết các doanh nghiệp đang hoạt động "cầm chừng" đến cuối năm, mỗi nhân viên phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc để đảm bảo chuỗi sản xuất. Theo CEO Meet More Coffe, doanh nghiệp có quy mô càng lớn sẽ càng khó "xoay sở" vì đòi hỏi số lượng lớn lao động.
Về phía CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc An thông tin có đến hơn 90% số lượng lao động của doanh nghiệp đã tham gia sản xuất.
"Nhân viên của Vissan chủ yếu ở TP.HCM, gắn bó với công ty từ lâu. Khi họ được tiêm 2 mũi vaccine đã đưa gần như 100% hoạt động của doanh nghiệp trở lại bình thường", ông An cho hay.
Phân tích khả năng thiếu hụt nhân sự của các doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) phân người lao động thành 3 nhóm.
Thứ nhất, các doanh nghiệp công nghệ cao cần nhân lực có kỹ thuật cao phần lớn sẽ duy trì được đầy đủ người lao động, bởi họ thường sống cố định tại TP.HCM. Cụ thể, khu công nghệ cao đã có trên 80% số lao động đi làm lại hơn 1 tuần qua.
Thứ hai, đối với nguồn nhân lực ở mức độ kỹ thuật trung bình, như tại khu công nghiệp, khu chế xuất, sẽ cần có thêm nhiều thời gian để đón họ trở lại.
Đối với nhóm thứ ba là lao động phổ thông về thủ công, xây dựng như thợ hồ, bóc vác… thì chắc chắn doanh nghiệp phải tìm nguồn thay thế. Bởi, những người lao động này khi đã về quê sẽ "lâu lắm mới quay lại".
Năng lực là điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp hồi phục
Ví các doanh nghiệp như trải qua "bạo bệnh", Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng nhận định năng lực nội tại là điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp hồi phục.
"Nếu doanh nghiệp nào có bề dày, có tích lũy, cân đối được các nguồn vốn thì phục hồi nhanh hơn. Còn những doanh nghiệp hết nguồn lực thì sống thoi thóp, phục hồi chậm nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước", ông Dũng nêu.
Chủ tịch HUBA cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động trong việc kết nối nguồn nhân lực, có các chính sách, điều kiện giúp cho người lao động quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thông tin cho nhân viên về kế hoạch sản xuất kinh doanh, để họ có niềm tin về sự phục hồi kinh tế.
Ngoài ra, theo ông Dũng, doanh nghiệp phải xây dựng lại kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới. Các công ty có thể phối hợp với trung tâm đào tạo nghề, cơ sở đào tạo giáo dục trên địa bàn TP.HCM để bổ sung nguồn nhân lực.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền (giảng viên ĐH Nguyễn Tất Thành) nêu thực trạng, phần đông số lao động là công nhân trực tiếp với thu nhập thấp, họ thường nhận lương dựa trên năng suất lao động (sản phẩm làm ra). Trong bối cảnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp không đủ đơn hàng sản xuất, nếu tính lương theo sản phẩm thì tiền lương của công nhân sẽ thấp, không đủ trang trải cuộc sống.
Để người lao động yên tâm với mức thu nhập, ông Điền đề xuất doanh nghiệp cần thay đổi phương án tính lương. Thay vì trả lương theo sản phẩm, doanh nghiệp có thể tính đến phương án trả lương cố định với mức chi trả đảm được cuộc sống của người lao động.
"Làm như vậy, có thể doanh nghiệp sẽ giảm lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng giữ được quy mô lao động, chờ đợi những cơ hội tốt hơn trong tương lai", ông Điền chỉ ra.
Đồng thời, doanh nghiệp cần thể hiện sự quan tâm đến nhân viên như trang bị đầy đủ cho họ các phương tiện, thiết bị liên quan đến phòng dịch; phát huy tối đa vai trò của công đoàn, sáng kiến các chương trình thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đến tình trạng sức khoẻ gia đình của người người lao động.
"Khi nhận được sự động viên bằng những hành động thiết thực, chân thật, người lao động sẽ yên tâm gắn bó hơn và công hiến nhiều hơn", giảng viên ĐH Nguyễn Tất Thành nêu.
Doanh nghiệp sẽ thường xuyên đối diện rủi ro thiếu hụt lao động
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền dự báo, thời gian tới doanh nghiệp sẽ thường xuyên gặp phải vấn đề thiếu hụt nguồn lao động vì rủi ro Covid-19. Trường hợp người lao động bị nhiễm bệnh hoặc phát hiện các trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm.
"Doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản rõ ràng và chi tiết để ứng phó kịp thời khi có biến cố xảy ra. Chẳng hạn như nếu thiếu hụt lao động trên chuyền sản xuất thì tính đến phương án dồn chuyền hoặc phân chia lại công việc của công nhân theo hướng đảm đương phần việc của lao động thiếu hụt. Các kịch bản này cần được tập dượt thường xuyên để không bị động khi xảy ra rủi ro", giảng viên ĐH Nguyễn Tất Thành hiến kế.
Về lâu dài, ông Điền cho rằng doanh nghiệp nên tính đến phương án cơ cấu lại sản xuất theo hướng tinh gọn, tối ưu việc sử dụng lao động cho phù hợp với bối cảnh dịch covid còn tiếp diễn. Chẳng hạn như thiết lập mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh tại các địa phương đang kiểm soát dịch bệnh tốt, để đặt sản xuất các đơn hàng trong trường hợp doanh nghiệp không đủ lao động để làm.
"Một số ngành sử dụng nhiều lao động tại TP.HCM như dệt may, da giày sẽ rất khó huy động đủ lao động sản xuất để đạt điểm hoà vốn. Khi đó, doanh nghiệp có thể hợp tác với các địa phương vệ tinh chuyển thiết bị, công nghệ sản xuất về đó, ở TP.HCM có thể đảm nhận khâu kinh doanh, thương mại", ông Điền nêu.
Đợt bùng phát dịch lần này sẽ tạo ra thay đổi lớn về cấu trúc lao động giữa các ngành, các địa phương. Doanh nghiệp cần hoà mình vào làn sóng chuyển đổi đó để tìm cách làm phù hợp trong ngắn hạn cũng như lâu dài. Khi doanh nghiệp thay đổi để thích ứng, đòi hỏi kỹ năng lao động cũng thay đổi. Doanh nghiệp cần tạo động lực người lao động gắn bó hơn, giúp họ phát triển nghề nghiệp, cũng là vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Nguồn: https://congluan.vn/can-thau-hieu-de-giu-chan-keu-goi-nguoi-lao-dong-quay-tro-lai-lam-viec-post160787.html
06:10, 05/10/2021
20:00, 28/09/2021
17:03, 28/09/2021