19/01/2025 | 15:32 GMT+7, Hà Nội

Cần rút gọn thủ tục trong triển khai dự án nhà ở xã hội

Cập nhật lúc: 18/07/2024, 07:02

Buổi khảo sát thực tế của Đoàn giám sát Quốc hội tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), đại diện một số doanh nghiệp bất động sản kiến nghị, cần rút gọn các quy trình thủ tục đầu tư để đẩy nhanh thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Đoàn giám sát của Quốc hội tiến hành khảo sát thực tế dự án khu đô thị mới Đại Kim. Ảnh: Trọng Quỳnh

Sáng 17/7, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” tiến hành khảo sát thực tế và làm việc tại quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Trưởng đoàn công tác số 1 của Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Đoàn giám sát của Quốc hội tiến hành khảo sát thực tế dự án khu đô thị mới Đại Kim (quận Hoàng Mai); dự án khu nhà đô thị Nam đường Vành đai 3 (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì).

Theo thống kê của UBND quận Hoàng Mai, hiện trên địa bàn quận có 17 dự án nhà ở, khu đô thị đã và đang triển khai: Khu đô thị Linh Đàm, Đại Kim, Định Công, Kim Văn - Kim Lũ, Đền Lừ I - II, Thịnh Liệt. Hàng loạt chung cư đã và đang được đầu tư xây dựng, như: The Manor Central Park, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hateco Yên Sở, Gamuda City...

Trong đó, từ năm 2015 đến năm 2023, có 109 tòa chung cư đã được đưa vào sử dụng, gồm: Chung cư thương mại 87 tòa, chung cư tái định cư 14 tòa, nhà ở xã hội 8 tòa, đã đáp ứng phần nào nhu cầu về nhà ở cho người dân. Ngoài ra, trên địa bàn quận còn các dự án nhà ở sẽ được triển khai theo quy hoạch được duyệt. Nhà ở xã hội trên địa bàn quận gồm có 26 dự án, trong đó, 3 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với 91.183m2 sàn; 7 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với 330.548m2 sàn.

Ô đất đã giải phóng mặt bằng thuộc quỹ đất 20%, 25% dành để xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, nhà đầu tư phải bàn giao cho thành phố để xây dựng nhà ở xã hội gồm 1 dự án với 138.054m2 sàn). Ô đất chưa giải phóng mặt bằng thuộc quỹ đất dành để xây dựng nhà ở tái định cư theo phương thức đặt hàng - nay không có nhu cầu, chuyển sang xây dựng nhà ở xã hội gồm 4 dự án với 1.219.182m2 sàn.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại UBND quận Hoàng Mai. Ảnh: Trọng Quỳnh

Về nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20%, 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn quận Hoàng Mai gồm 1 dự án nhà ở thương mại đã nộp tiền hơn 37,4 tỷ đồng; 4 dự án nhà ở thương mại chưa nộp tiền thu về ngân sách là gần 144 tỷ đồng; 6 dự án nhà ở thương mại phải thực hiện nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để phát triển nhà ở xã hội nhưng chưa xác định số tiền phải nộp.

Tại UBND quận Hoàng Mai, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì và một số doanh nghiệp bất động sản lớn tại thành phố.

Báo cáo Đoàn giám sát về khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản, nhà ở xã hội, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường cho rằng, không chỉ thành phố Hà Nội mà cả nước, nhiều năm nay đều rất vướng mắc, rào cản về các thủ tục, quy hoạch, cho tới các khó khăn, vướng mắc từ khách quan, đầu tư cơ sở hạ tầng xung quanh các dự án, tiền sử dụng đất, lựa chọn các nhà đầu tư…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh kết luận buổi làm việc. Ảnh: Trọng Quỳnh

Ông Nguyễn Viết Tạo, đại diện Tập đoàn Bitexco kiến nghị xem xét giao Tập đoàn thực hiện dự án nhà ở xã hội tại dự án khu nhà đô thị Nam đường Vành đai 3 để bảo đảm đồng bộ hạ tầng khu đô thị.

Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 - Hacinco (thuộc Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội - Handico) Nguyễn Văn Thanh kiến nghị, cần rút gọn các quy trình thủ tục đầu tư để đẩy nhanh thực hiện dự án nhà ở xã hội, bảo đảm tiến độ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, không để lãng phí quỹ đất sạch, đồng thời, bình ổn thị trường nhà ở trên địa bàn thành phố.

Khẳng định, Luật Đất đai năm 2024 sẽ tháo gỡ hầu hết các vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý đất đai đã tồn tại nhiều năm qua, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Anh Quân cũng đề nghị, cần hướng dẫn cụ thể trong các nghị định, tiến hành thí điểm một số nội dung trong Luật liên quan đến sử dụng quỹ đất, chuyển mục đích sử dụng đất và xử lý các vi phạm trong xây dựng nhà ở xã hội…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thay mặt Đoàn giám sát cho biết sẽ tổng hợp, ghi nhận và phản ánh đầy đủ những kiến nghị trong báo cáo chung để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ tám sắp tới.

Buổi chiều, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” sẽ làm việc với UBND thành phố Hà Nội về chuyên đề giám sát nêu trên

Nguồn: https://tuoitrethudo.vn/can-rut-gon-thu-tuc-trong-trien-khai-du-an-nha-o-xa-hoi-254731.html