12/12/2024 | 05:49 GMT+7, Hà Nội

Cần làm gì để đổi thẻ ATM từ sang thẻ chip?

Cập nhật lúc: 01/12/2021, 09:39

Còn 1 tháng nữa, Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 28-12-2018 sẽ có hiệu lực.

Theo đó, từ sau ngày 31-12-2021, 100% thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam phải là dạng thẻ chip. Loại thẻ từ vốn được sử dụng phổ biến trước đây chính thức bị “khai tử” và không còn được chấp nhận sử dụng tại các ATM rút tiền và các điểm/thiết bị thanh toán khác.

Theo Hiệp hội Thẻ, Việt Nam hiện có khoảng 110 triệu thẻ ATM, mới có 30 - 40% trong số đó là thẻ chip
Theo Hiệp hội Thẻ, Việt Nam hiện có khoảng 110 triệu thẻ ATM, mới có 30 - 40% trong số đó là thẻ chip

Trước thông tin thẻ ATM từ sắp hết thời hạn sử dụng, không được chấp nhận giao dịch tại các cây ATM trên toàn quốc sau ngày 31-12, Hội thẻ Việt Nam đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên gia hạn thêm thời gian cho các ngân hàng để có thời gian và kinh phí cho việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.

Theo Hiệp hội Thẻ, Việt Nam hiện có khoảng 110 triệu thẻ ATM, mới có 30 - 40% trong số đó là thẻ chip. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh nên việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip bị chậm và gián đoạn. Do đó, sau thời gian giãn cách xã hội, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh việc thông báo khách hàng chuyển đổi thẻ chip, bởi thẻ chip khó làm giả hơn thẻ từ nên việc giao dịch sẽ an toàn hơn và bảo mật hơn.

Để việc chuyển đổi thẻ ATM công nghệ từ sang chip tiện lợi và tránh tập trung đông người trong mùa dịch, ngoài việc khách hàng đến trực tiếp các chi nhánh hoặc điểm giao dịch, nhiều ngân hàng có mặt bằng công nghệ tốt đều cho phép khách hàng làm thủ tục chuyển đổi trước trên ứng dụng online, trên các app của ngân hàng. Sau đó, thẻ chip được gửi đến địa chỉ khách đăng ký. Theo giới thiệu từ các ngân hàng, có 2 cách phổ biến để đổi thẻ từ sang thẻ chip.

Cách thứ nhất, khách hàng chỉ cần mang chứng minh thư hoặc hộ chiếu, hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực đến điểm giao dịch của ngân hàng và đề nghị chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.

Cách thứ hai là có thể truy cập vào ứng dụng ngân hàng số, mobile banking để thực hiện và nhận thẻ tại nhà hoặc tại điểm giao dịch của ngân hàng. Ngoài ra, ở một số ngân hàng số, người dùng có thể đổi thẻ từ sang thẻ chip tại các cây ATM đa năng.

Tại ngân hàng Vietcombank, khách hàng có thể chuyển đổi thẻ từ ATM sang thẻ chip trên ứng dụng VCB Digibank, nhưng chỉ áp dụng cho thẻ ghi nợ với các bước cụ thể: Đăng nhập VCB Digibank, cuộn xuống mục quản lý dịch vụ thẻ, đến "Phát hành/chuyển đổi thẻ ghi nợ". Sau đó, đăng ký chuyển đổi công nghệ thẻ ghi nợ; điền thông tin thẻ và lựa chọn điểm giao dịch, điểm nhận thẻ và ấn "Tiếp tục" để hoàn thành.

Với ngân hàng Techcombank, khách hàng có thể đăng ký đổi thẻ tại ứng dụng F@st Mobile. Để thực hiện, khách hàng thực hiện các bước như sau: Bước 1, truy cập menu Thẻ và chọn tiếp tục. Bước 2, chọn đăng ký để chuyển sang bước chọn thẻ. Bước 3, chọn loại thẻ và chọn Phát hành lại. Bước 4, nhập địa chỉ nhận thẻ và bấm tiếp tục. Bước 5, kiểm tra thông tin và chọn gửi đăng ký. Bước 6, màn hình thông báo thẻ hiện tại sẽ bị khóa sau khi đăng ký đổi thẻ, chọn tiếp tục. Bước 7, nhập mã mở khóa Smart OTP, chọn lấy mã OTP và xác nhận. Sau đó, thẻ chip sẽ được gửi đến địa chỉ mà khách hàng đăng ký.

Hiện nay, thủ tục chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cho khách hàng đều hoàn toàn miễn phí, nhưng điều này cũng gây áp lực cho các ngân hàng vì chi phí chuyển đổi thẻ khá lớn. Các ngân hàng khuyến nghị khách nếu chi tiêu có thể sử dụng ứng dụng của ngân hàng để thanh toán trực tuyến thông qua QR code hoặc các ví điện tử liên kết với ngân hàng.

Những khách hàng đến làm thủ tục chuyển đổi thẻ từ sang chip tại các chi nhánh hoặc điểm giao dịch của ngân hàng đang sở hữu thẻ, chỉ cần mang theo bản sao CMND/hộ chiếu/thẻ căn cước công dân gắn chip còn hiệu lực và thẻ từ cũ.

Sau thời gian miễn phí, khách hàng sẽ thực hiện đổi thẻ từ sang thẻ chip với mức phí tương tự mức phí đổi thẻ thông thường, và tùy theo quy định của từng ngân hàng, phổ biến nhất là 50.000 đồng/lần
Sau thời gian miễn phí, khách hàng sẽ thực hiện đổi thẻ từ sang thẻ chip với mức phí tương tự mức phí đổi thẻ thông thường, và tùy theo quy định của từng ngân hàng, phổ biến nhất là 50.000 đồng/lần

Ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội thẻ Việt Nam cho biết, để đảm bảo quyền lợi của chủ thẻ khi thẻ ATM chưa được chuyển sang thẻ chip, ngân hàng sẽ có quy định chuyển đổi trách nhiệm khi xảy ra rủi ro. Trường hợp chủ thẻ của ngân hàng A đi chi tiêu mà vẫn dùng thẻ từ ATM, nếu không may bị rủi ro, ngân hàng này phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, nếu ngân hàng B là ngân hàng thanh toán có đặt POS, nhưng máy này không chấp nhận thẻ chip, chỉ chấp nhận thẻ từ và không may rủi ro xảy ra, ngân hàng B phải chịu trách nhiệm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến quý II năm nay, tổng số lượng thẻ nội địa đang lưu hành là 98 triệu thẻ. Tổng số lượng thẻ quốc tế đang lưu hành là 20 triệu thẻ. Trước đó, mục tiêu mà ngành ngân hàng đặt ra là đến cuối năm nay là ít nhất 30% số thẻ đang lưu hành phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, tương đương khoảng 21 triệu thẻ ATM phải chuyển đổi sang thẻ chip.

Để thúc đẩy khách hàng đổi thẻ từ sang thẻ chip, đa số ngân hàng đều miễn phí cho dịch vụ này thời gian qua và hiện nhiều ngân hàng vẫn miễn phí. Trong khi đó, một số đã dừng khuyến mại và sẽ dừng trước thời điểm 31-12. Sau thời gian miễn phí, khách hàng sẽ thực hiện đổi thẻ từ sang thẻ chip với mức phí tương tự mức phí đổi thẻ thông thường, và tùy theo quy định của từng ngân hàng, phổ biến nhất là 50.000 đồng/lần.

Theo nhận định của chuyên gia, việc chuyển đổi từ thẻ ATM từ sang thẻ ATM gắn chip rất có lợi cho người sử dụng, góp phần nâng cao mức độ bảo mật, tốc độ giao dịch, tính an toàn và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Việc chuyển đổi này cũng mở ra cơ hội phát triển các dịch vụ thanh toán thẻ tại Việt Nam; tăng cường sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững cho thị trường thẻ ngân hàng. Bởi ngoài các tính năng giao dịch thông thường, thẻ ATM gắn chip của các ngân hàng hiện còn được bổ sung tính năng thanh toán không tiếp xúc (contactless) với nhận diện bằng biểu tượng cột sóng trên mặt trước thẻ.

Thực trạng khách hàng bị đánh cắp thông tin, dữ liệu thẻ tại ATM ngày càng gia tăng. Tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, trong đó có tội phạm thẻ ATM. Thẻ từ lưu toàn bộ thông tin cá nhân của khách hàng sau vạch đen của thẻ dưới dạng văn bản.

Thông tin này dễ bị mã hóa, đánh cắp khi khách hàng cắm thẻ vào máy ATM hay quẹt thẻ trên máy POS, thông tin lưu trữ ở dải từ sẽ được đọc bởi các đầu đọc trong máy. Các thiết bị skimming mới được kẻ gian thiết kế nhỏ gọn, chèn sâu vào trong thiết bị đọc thẻ ở máy ATM và được gắn vào, rút ra trong khoảng thời gian rất ngắn nên khó phát hiện kịp thời…

Mục đích cuối cùng của kẻ gian là lấy được thông tin dữ liệu thẻ trên rãnh từ của thẻ ATM và mã PIN mà khách hàng thao tác khi đăng nhập tại máy ATM. Và như vậy là đủ để kẻ gian có thể trộm tiền từ tài khoản của khách hàng.

Trong bối cảnh này, một trong những giải pháp đang được các ngân hàng cấp tập triển khai nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại từ tình trạng skimming là chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM làm bằng công nghệ từ đang lưu hành trên thị trường sang thẻ chip.

Thẻ chip có chip nằm trước mặt thẻ, thông tin cá nhân được mã hóa dưới dạng dãy ký số theo kiểu hệ nhị phân của máy tính. Mã hóa này liên tục được thay đổi. Thẻ chip còn là thẻ quốc tế nên có thể sử dụng trên toàn cầu.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-lam-gi-de-doi-the-atm-tu-sang-the-chip-269924.html