23/11/2024 | 03:27 GMT+7, Hà Nội

Căn hộ 25m2, đừng bàn lùi!

Cập nhật lúc: 05/03/2020, 14:00

Chẳng chính sách hay quyết định nào làm vừa lòng và thuyết phục được tất cả. Chưa loại hình nhà ở nào vừa túi tiền hay đúng nhu cầu của đại đa số. Nhưng ai cũng có quyền và cần phải có nơi ở hợp với những gì mình có.

Sau nhiều cân nhắc và cả tranh cãi, Bộ Xây dựng đã đồng ý cho xây căn hộ 25m2 trong những dự án đủ điều kiện. Giờ đây không phải là lúc để bàn lùi nữa mà rất cần những ý kiến nên xây, quản lý và vận hành như thế nào?

Việt Nam chỉ là nước đi sau và chậm khá nhiều so với hàng loạt quốc gia đã cho phép căn hộ nhỏ hình thành. Nhiều quốc gia có tỷ lệ dân nhập cư cao như Mỹ, Singapore, Hồng Kông hay Trung Quốc… căn hộ diện tích nhỏ đã được cấp phép và trở thành bất động sản được nhiều người ưa chuộng từ hàng chục năm nay.

Ngay cả quốc gia thường được cho rằng “nhà cao cửa rộng” như Mỹ cũng có một bộ quy chuẩn chung về nhà ở có tên IRC (International Residental Code). Bản năm 2015 có quy định diện tích sàn nhà xây không được phép nhỏ hơn 9m2 (bao gồm 6,3m2 làm phòng khách hay các phòng chức năng khác và 1,6m2 sử dụng làm phòng tắm) thay vì 11m2 như bản IRC năm 2012.

Còn tại Việt Nam, những căn hộ 20 - 30m2 tại các dự án nhà ở xã hội ở Bình Dương đã hình thành từ năm 2015 và cho đến nay vẫn được quản lý, vận hành khá tốt chứ không trở thành “khu ổ chuột đời mới” như nhiều người lo ngại. Riêng tại TP.HCM, những căn hộ 20m2 ở chung cư Thái An (quận 12) đã có từ 5 - 7 năm nay và luôn hút hàng từ khi mở bán cho đến giờ.

Chị Đặng Loan, một cư dân ở Thái An, nói lý do mình chọn căn hộ “hộp diêm” ấy: “Tôi biết giá mỗi mét vuông ở Thái An là đắt nhưng tiền tôi vay mượn nhiều nơi cũng chỉ được mấy trăm triệu đó thôi. Mỗi mét vuông của căn 70 - 90m... trở lên rẻ hơn nhưng tôi không thể có đủ 1 tỷ đồng để mua các căn lớn nên chọn căn mấy trăm triệu nhỏ xíu và hài lòng với lựa chọn của mình”.

Ảnh minh họa.

Những người như chị Loan hay các công nhân ở Bình Dương có đến hàng chục triệu người ở cả Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn. Họ không đủ tiền để mơ ước những ngôi nhà, căn hộ 50 - 70m2 mà giờ đây có tiền tỷ cũng cực kỳ khó mua.

Chưa kể những bạn trẻ muốn ở riêng, người độc thân chỉ có nhu cầu hay chỉ đủ khả năng với những căn hộ nho nhỏ. Họ có quyền, thị trường có yêu cầu và luật pháp đã cho phép thì tại sao chủ đầu tư và nhà quản lý lại bỏ qua?

Có thể những lo ngại nén dân thì hạ tầng sẽ quá tải, quản lý không tốt với mật độ dân số quá cao dẫn đến chung cư sẽ xuống cấp rất nhanh hay ý thức cư dân thấp sẽ hình thành “khu ổ chuột trên cao”... Băn khoăn và e ngại ấy có lý và cần phải cân nhắc nhưng vẫn có thể điều chỉnh.

5 - 10 năm trước có rất nhiều điều khác hiện nay. Giờ đây chưa hoàn hảo nhưng ý thức dân cư đã được nâng lên, quản lý tốt hơn, quy định sát thực tế và khả thi dần, chủ đầu tư cũng biết rằng làm tốt hôm nay, ngày mai sẽ dễ bán hàng.

Những yếu tố ấy cùng với việc thận trọng “thí điểm” căn hộ nhỏ trong khu chung cư xa nội đô, khống chế số lượng người ở và quy định chặt chẽ được tuân thủ giám sát để căn hộ 25m2 dần hiện hữu nhằm đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người dân mong ngóng.

Chẳng chính sách hay quyết định nào làm vừa lòng và thuyết phục được tất cả. Chưa loại hình nhà ở nào vừa túi tiền hay đúng nhu cầu của đại đa số. Nhưng ai cũng có quyền và cần thiết phải có nơi ở hợp với những gì mình có. Phân khúc nào, khách hàng đó và hàng triệu người đang nhìn về căn hộ nhỏ để an cư lạc nghiệp.

Căn nhà 25m2 đáp ứng được điều đó nên làm thế nào mới là điều quan trọng, chứ không phải là việc tranh cãi dai dẳng nên hay không nên như hàng chục năm nay, để biết bao người vẫn phải bức bối ở những nơi họ không muốn.