18/01/2025 | 14:52 GMT+7, Hà Nội

Cần Giờ: Miền đất hứa cho các "siêu dự án" BĐS nghỉ dưỡng

Cập nhật lúc: 08/07/2017, 09:00

Cần Giờ đang là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn, đặc biệt là những người đam mê khám phá, trải nghiệm văn hóa miền Nam Bộ. Dự kiến, sau khi được quy hoạch và có một giao thông hạ tầng hoàn thiện, nơi đây còn lọt vào tầm ngắm của các nhà phát triển BĐS nghỉ dưỡng.

Vùng đấtdu lịch nhiều bí ẩn

Cách trung tâm thành phố khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM có bốn bề là sông và biển. Huyện gồm 1 thị trấn Cần Thạnh và 6 xã An Thới Đông, Bình Khánh, Long Hòa, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Thạnh An.

Điểm nhấn ấn tượng nhất của Cần Giờ là khu rừng ngập mặn đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc, cùng hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam. Từ những năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển” thế giới đầu tiên tại Việt Nam.

Không chỉ thiên nhiên Cần Giờ đem lại cảm giác nghỉ dưỡng tuyệt đối trong lành, yên tĩnh. Đất huyện này còn hấp dẫn khách du lịch bởi những sân chim, đầm dơi, trại cá sấu… giúp du khách có những trải nghiệm như câu cá, câu cua, xem chim, chèo thuyền, giăng lưới bắt cá…

Với bờ biển kéo dài 13km, hàng ngày, tiếp nhận lượng lớn phù sa từ các con sông lớn từ Đồng Nai, Soài Rạp đổ vào, vì vậy hải sản ở đây rất mau lớn và có vị ngọt tự nhiên đậm đà. Không ồn ào, tấp nập như Vũng Tàu nhưng bãi biển Cần Giờ vẫn xem là địa chỉ tắm biển quen thuộc của nhiều du khách với bãi biển khá hiền hòa.

Miền đất hứa của các nhà phát triển BĐS nghỉ dưỡng

Bởi những tiềm năng thiên nhiên có một không hai, nếu chỉ khai thác mảng du lịch mà không đầu tư sâu về nghỉ dưỡng, BĐS cho nghỉ dưỡng tại Cần Giờ sẽ là một điều vô cùng thiếu xót. Bởi vậy, Cần Giờ đang được tăng tốc với “cuộc cách mang du lịch”.

Được biết, UBND TP.HCM đã quyết định phê duyệt để phát triển huyện Cần Giờ thành khu du lịch sinh thái theo 3 phân khu chức năng chính gồm khu du lịch sinh thái biển tập trung ở Cần Thạnh - Long Hòa, xã đảo Thạnh An, núi Giồng Chùa; khu du lịch sinh thái rừng thuộc các xã Long Hòa, An Thới Đông và Lý Nhơn; khu du lịch sinh thái nông nghiệp thuộc các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp và Lý Nhơn.

Không chỉ được định hướng quy hoạch rõ ràng, hệ thống hạ tầng giao thông của Cần Giờ cũng đang dần hoàn thiện. Năm 2011, UBND TP.HCM đã khánh thành tuyến đường Rừng Sác dài 31 km với tổng kinh phí đầu tư lên tới 1.561 tỷ đồng, bắt đầu từ phà Bình Khánh vào trung tâm huyện.

Đặc biệt, từ cuối năm 2016, Cầu Bình Khánh khởi công xây dựng với chiều dài 5,8 km, nối huyện Cần Giờ kết nối vào trung tâm thành phố nhằm thu hút hoạt động du lịch, tham quan vui chơi giải trí vùng biển Cần Giờ.

Các chuyên gia dự báo, chỉ cần cây cầu Cần Giờ xây dựng xong, hạ tầng giao thông chính thức kết nối sẽ biến Cần Giờ thành một điểm nóng của thị trường BĐS và là nơi xuất hiện các "siêu dự án" BĐS nghỉ dưỡng.

Theo khảo sát, huyện rừng ngập mặn này đang có nhiều đề xuất từ các nhà đầu tư muốn phát triển dự án nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại hiện đại. Thậm chí trong tương lai, có khả năng các nhà đầu tư đủ tiềm lực sẽ phát triển cả dự án casino tại đây để phục vụ du khách.

Gần gây Cần Giờ cũng có một số quy hoạch dự án BĐS lớn. Đơn cử như, Dự án khu du lịch lấn biển Cần Giờ đã được tăng quy mô từ 1.080ha lên 2.870ha và đang tăng tốc thi công và nhiều hạng mục đã cơ bản hoàn thành. Ngoài ra, Tập đoàn Tuần Châu cũng có ý định đầu tư siêu dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Cần Giờ.

Hiện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, đang tiến hành rà soát lại toàn bộ quy hoạch huyện đảo này; những dự án đã, đang và sắp triển khai để báo cáo Thủ tướng vào đầu năm 2018.

Theo các chuyên gia, nếu được quy hoạch có định hướng, có cơ chế chính sách cụ thể thì một ngày không xa, nơi đây sẽ là điểm đến của du khách quốc tế không thua gì các khu du lịch lớn trong khu vực Asean. Không chỉ vậy, Cần Giờ sẽ là miền đất hứa cho những nhà phát triển BĐS có tầm nhìn chiến lược có khả năng phát triển BĐS dựa trên cơ sở có tôn trọng thiên nhiên, bảo tồn vùng sinh thái ngập mặn.