14/05/2024 | 06:36 GMT+7, Hà Nội

Cán bộ y tế dự phòng: “Lá chắn” bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Cập nhật lúc: 27/02/2020, 10:24

Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) năm nay với những người trong ngành Y thật đặc biệt. Bởi lẽ, thay vì những cuộc gặp mặt, lễ kỷ niệm, họ phải căng mình, dồn sức cho cuộc chiến mang tên Covid-19...

Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) năm nay với những người trong ngành Y thật đặc biệt. Bởi lẽ, thay vì những cuộc gặp mặt, lễ kỷ niệm, họ phải căng mình, dồn sức cho cuộc chiến mang tên Covid-19. Trong cuộc chiến này, ngoài những y, bác sĩ trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân, thì những y, bác sĩ làm công tác dự phòng cũng vất vả, hiểm nguy không kém. Bởi, nếu không cẩn thận, nguy cơ nhiễm bệnh luôn tiềm ẩn. Thế nhưng, vượt lên tất cả, họ như “lá chắn” bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cán bộ y tế dự phòng quận Hai Bà Trưng hướng dẫn giáo viên vệ sinh khử khuẩn lớp học để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Dương Ngọc

Không có ngày nghỉ

Hơn 23h đêm, nhận được cuộc gọi qua đường dây nóng từ đồng nghiệp thông báo có 4 du khách quốc tịch Hàn Quốc vừa đến một khách sạn trên địa bàn, y sĩ Lê Văn Huỳnh, cán bộ Trạm Y tế phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) lập tức bật dậy, trang bị cho mình những phương tiện phòng hộ cần thiết và lên đường. Đến khách sạn, sau khi làm các thủ tục với lễ tân, y sĩ Lê Văn Huỳnh được gặp 4 du khách. Do bất đồng về ngôn ngữ, nên y sĩ Huỳnh phải nhờ đến sự hỗ trợ của phần mềm dịch thuật trên điện thoại di động để truyền tải nhiệm vụ của mình đến những vị khách ngoại quốc.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại quê nhà, những người khách Hàn Quốc tỏ ra khá lo lắng. Họ cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho y sĩ Huỳnh, từ địa chỉ cư trú nơi quê nhà, hành trình họ đi trước khi đặt chân đến Hà Nội, tình hình sức khỏe hiện tại… May mắn, 4 du khách này đều không đến hay đi qua thành phố Daegu và khu Bắc Gyeongsang - hai nơi có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất Hàn Quốc và sức khỏe của họ hoàn toàn bình thường…

Làm việc đến nửa đêm, nhưng ngay sáng sớm hôm sau, y sĩ Huỳnh vẫn có mặt tại Trạm Y tế phường Bạch Đằng đúng giờ để tiếp tục công việc của một ngày mới. Tại đây, y sĩ Huỳnh cùng các cán bộ y tế nhanh tay xếp những hộp khẩu trang y tế, những tấm pa nô, áp phích về các biện pháp phòng dịch Covid-19 vào một chiếc thùng, kiểm tra lại những chiếc máy phun thuốc khử trùng, lượng hóa chất hiện có… trước khi di chuyển đến những khu vực công cộng trên địa bàn.

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, y sĩ Lê Văn Huỳnh vui vẻ kể: “Hơn 7 năm gắn bó với công tác phòng, chống dịch, song với tôi có lẽ cuộc chiến với Covid-19 là cam go nhất. Trạm Y tế phường Bạch Đằng có 10 nhân viên y tế. Hơn 1 tháng nay, chúng tôi làm việc liên tục không có ngày nghỉ. Không chỉ nói nhanh, làm nhanh, đến ăn chúng tôi cũng phải thật nhanh, thì mới kịp đáp ứng với công việc thời điểm hiện tại”.

Cũng theo y sĩ Lê Văn Huỳnh, nam giới thường phải gánh đỡ cho cán bộ nữ những công việc nặng nhọc. Đơn cử như việc phun thuốc khử trùng. Với chiếc máy phun thuốc cỡ lớn, người phun phải vác trên vai khoảng 25kg và di chuyển liên tục thì chỉ có nam giới mới đảm nhận được. “Tôi đã từng chứng kiến nhiều cán bộ y tế dự phòng do công việc vất vả, thu nhập lại thấp, nên không bám trụ được với nghề. Song, tôi vẫn kiên trì với con đường mình đã chọn”, anh Lê Văn Huỳnh chia sẻ.

Tương tự, những ngày vừa qua, chị Bùi Thu Hằng, cán bộ y tế của Trạm Y tế phường Việt Hưng (quận Long Biên) cũng tạm gác lại trách nhiệm làm vợ, làm mẹ để dành toàn bộ thời gian cho công việc chống dịch. Chị Hằng tâm sự, nghề này rèn cho mình tính kiên trì. Trước khi nhận nhiệm vụ tuyên truyền đến từng hộ dân về cách phòng, chống Covid-19, chị đã được tập huấn rất bài bản, thậm chí thuộc lòng triệu chứng, biểu hiện bệnh, cơ chế lây truyền, các biện pháp dự phòng…

Thế nhưng, để những kiến thức đó đến được với 100% hộ dân trên địa bàn lại không đơn giản. Có những bà mẹ, khi chị vừa tuyên truyền hôm trước, đến hôm sau hỏi lại, họ đã quên ngay những cách vệ sinh để phòng bệnh cho con. Ngược lại, khi chị đến các trường, hướng dẫn giáo viên vệ sinh khử khuẩn lớp học, dụng cụ học tập, đồ dùng, đồ chơi của trẻ, thì họ nắm bắt rất nhanh.

Chị Đinh Thúy Hòa, giáo viên Trường Mầm non Việt Hưng (quận Long Biên) cho biết: "Nhờ có sự hướng dẫn tận tình của cán bộ y tế dự phòng mà tôi đã nắm rõ các biện pháp phòng ngừa Covid-19, biết cách pha chế dung dịch khử khuẩn với tỷ lệ đạt chuẩn. Cuối tuần này, nhà trường tiếp tục tiến hành vệ sinh các lớp học trước khi đón trẻ quay trở lại…".

Anh Lê Văn Huỳnh, cán bộ Trạm Y tế phường Bạch Đằng (người đang phun hóa chất) hướng dẫn diễn tập phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Xuân Lộc

Sẵn sàng phục vụ với tinh thần cao nhất

Hiện trên địa bàn Hà Nội có 65 đội chống dịch cơ động, trong đó tuyến thành phố có 5 đội, mỗi quận, huyện, thị xã có 2 đội thực hiện chế độ thường trực, sẵn sàng triển khai xử lý ca bệnh khi có yêu cầu. Theo chân đội chống dịch cơ động, chúng tôi mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các cán bộ y tế dự phòng.

Bác sĩ Đào Hữu Thân, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chia sẻ: "Từ Tết đến giờ, chúng tôi cũng chưa có ngày nghỉ. Cứ có một cuộc điện thoại về một ca nghi nhiễm Covid-19, kể cả trong lúc ngủ hay đang ăn cơm, chúng tôi lập tức lên đường điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm làm các xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường… Nhiều lúc cũng sợ, vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị nhiễm bệnh. Những lúc như vậy, chúng tôi động viên nhau vượt qua để hoàn thành tốt công việc".

Vất vả là vậy, song không phải lúc nào công việc của cán bộ y tế dự phòng cũng thuận lợi và suôn sẻ. Theo anh Đỗ Bá Hoàn, cán bộ Khoa Ký sinh trùng và Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, sự hợp tác của người dân đôi lúc còn miễn cưỡng. "Thậm chí, họ còn xua đuổi khi chúng tôi tiến hành phun hóa chất, khoanh vùng xử lý ổ dịch hay không đồng ý khi phải thực hiện biện pháp cách ly. Khi rơi vào những tình huống đó, chúng tôi vừa tuyên truyền, vận động, trấn an tinh thần người dân rằng, đây là biện pháp khống chế không cho dịch bệnh lan rộng, bảo vệ sức khỏe của gia đình, cộng đồng…", anh Đỗ Bá Hoàn nói.

Đến thời điểm này, có thể nói, Việt Nam không có bệnh nhân mới nhiễm Covid-19, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Song, trên thế giới, dịch Covid-19 đã lan rộng ra 41 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Hàn Quốc có số ca mắc tăng nhanh. Chính vì vậy, nhiệm vụ của hệ thống y tế dự phòng càng khó khăn hơn gấp bội.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, hiện Hà Nội vẫn kiểm soát tốt dịch, chưa ghi nhận ca mắc Covid-19. Thế nhưng, như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta đã thắng chiến dịch mở màn đầu tiên, nhưng đây chưa thực sự vào cuộc chiến. Thời gian tới, tình hình dịch sẽ thay đổi khó lường. Tuy nhiên, chúng ta có lòng tin, dựa vào nguyên tắc kiên định, luôn đề cao cảnh giác, không phút lơi lỏng”.

Tinh thần đó đang được các cán bộ y tế dự phòng tiếp tục phát huy, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và trở thành “lá chắn” bảo vệ sức khỏe nhân dân.