21/11/2024 | 23:50 GMT+7, Hà Nội

Cấm cho thuê chung cư theo giờ, ngắn ngày: Airbnb, Luxstay "hết đất dụng võ"?

Cập nhật lúc: 12/11/2020, 13:30

Sự nở rộ của mô hình cho thuê phòng trên nền tảng công nghệ đặt ra câu hỏi: Nên hay không nên cho phép sự tồn tại của loại hình cho thuê chung cư ngắn ngày, theo giờ...

Thuê và cho thuê phòng trên nền tảng công nghệ đã không còn xa lạ với nhiều người trong chúng ta. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, các ứng dụng đặt phòng, chia sẻ phòng phát triển mạnh mẽ như Airbnb, Luxstay, Agoda… Những ứng dụng công nghệ này cho người dùng những lựa chọn “ngon, bổ, rẻ” hơn so với phòng nghỉ khách sạn truyền thống. Người dùng có thể tùy ý lựa chọn những hình thức lưu trú khác nhau sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng và mục đích chuyến đi của mình.

Sự bùng nổ của nền kinh tế chia sẻ cũng là một yếu tố khiến cho loại hình lưu trú này phát triển nở rộ. Nó đang dần trở thành một phần của xã hội hiện đại, và không ít thì nhiều, tác động đến sự tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam. Đồng thời tạo ra những sản phẩm lưu trú hấp dẫn, đa dạng hơn đối với khách du lịch, cũng như tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Bên cạnh đó, nó cũng khiến các nhà quản lý đau đầu. Tương tự câu chuyện chia sẻ xe như Grab, Uber, các nhà quản lý đang gặp khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát loại hình cho thuê phòng trên nền tảng công nghệ. Tính minh bạch, vấn đề nộp thuế, đảm bảo an ninh là những thách thức dành cho loại hình này. Gần đây, một số cử tri TP.HCM đã có đề nghị Bộ Xây dựng cấm luôn loại hình lưu trú ngắn hạn tại chung cư. Điều này có lợi hay có hại?

Airbnb - Luồng gió mới thổi vào thị trường lưu trú Việt Nam

Airbnb, viết tắt của cụm từ Air Bed and Breakfast, là ứng dụng kết nối trực tiếp người có phòng cho thuê (chủ nhà/chủ phòng trọ/căn hộ/villas) với người thuê phòng kể cả ngắn ngày hay dài ngày. Airbnb có thủ tục, phương thức hoạt động cực kì đơn giản, giá thuê lại rẻ, hợp lý hơn rất nhiều so với những trang web đặt phòng thông dụng khác.

Theo báo cáo “Homesharing Vietnam Insights”, Airbnb là một nền tảng phổ biến trên toàn thế giới, mở rộng ở hơn 191 quốc gia. Sau 10 năm xuất hiện trên thị trường, từ con số 0, giá trị của Airbnb vào tháng 3/2017 đã là 31 tỷ USD, chỉ đứng sau Uber và Xiaomi. Đến cuối tháng 4/2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá trị của nó chỉ còn là 18 tỷ USD. Dù vậy, sức ảnh hưởng và giá trị của Airbnb vẫn là không hề nhỏ, tốc độ tăng trưởng sau dịch được dự báo sẽ bùng nổ trở lại.

Ở thị trường Việt Nam, Airbnb là nền tảng sinh sau đẻ muộn, tuy nhiên nó đã nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình. Năm 2015, lần đầu tiên Việt Nam có mặt trong hệ thống Airbnb với khoảng 1.000 phòng được cho thuê. Đến năm 2019, con số này đã là hơn 40.000 phòng.

Số lượng cơ sở lưu trú Airbnb ở Việt Nam theo báo cáo "Homesharing Vietnam Insights 2019".

Chỉ riêng tại TP.HCM trong suốt 4 năm số lượng listing (địa điểm cho thuê trên Airbnb) liên tục tăng, từ 4.200 năm 2016 lên 21.500 cuối năm 2019. Theo nghiên cứu, trong giai đoạn 2016 - 2018, có tổng cộng gần 10.000 căn hộ được đưa vào sử dụng theo mô hình này. Một tỷ trọng rất lớn chung cư được giới đầu tư khai thác kinh doanh dịch vụ với Airbnb.

Báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản TP.HCM của CBRE Việt Nam từng chỉ ra rằng, mô hình chia sẻ phòng lưu trú đang trở thành đối thủ đáng gờm của loại hình căn hộ dịch vụ vì thời gian cho thuê và giá thuê linh hoạt. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch đến Việt Nam trong những năm qua tăng nhanh. Năm 2019, Việt Nam chạm mốc 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó có 43,5 triệu lượt khách lưu trú. Đây sẽ là điều kiện lý tưởng để Airbnb Việt Nam mở rộng mô hình phát triển ngày càng mạnh. Nhiều người dân bắt đầu tận dụng phòng trống, nhà trống để đăng ký kinh doanh qua nền tảng Airbnb.

Cũng theo báo cáo “Homesharing Vietnam Insights” giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng số lượng căn hộ/phòng đăng ký cho thuê hàng năm tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng luôn đạt mức cao. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng số lượng dịch vụ cho thuê hàng năm trên Airbnb tại TP.HCM là 97%, ở Hà Nội là 112% và Đà Nẵng là 111%. Ngoài ra, nhiều điểm du lịch nổi tiếng cũng bắt đầu nở rộ mô hình chia sẻ phòng lưu trú như Sapa, Hạ Long…

Sự bùng nổ của Airbnb là cú hích để nhiều đơn vị đi theo con đường này. Tại Việt Nam, một sản phẩm thuần Việt, dù ra đời sau Airbnb nhưng cũng ghi nhận những con số ấn tượng khi tham gia vào thị trường home-sharing. Đó là Luxstay. Chào thị trường trong nước sau Airbnb một năm, Luxstay cũng nhanh chóng thành công xây dựng hệ thống hàng chục nghìn chỗ ở. Một nghiên cứu của đơn vị này đã chỉ ra, doanh thu hàng quý của các chủ nhà trên hệ thống Luxstay có thể lên đến trên dưới 100 triệu đồng nếu như hoạt động tích cực.

Chung cư cho thuê ngắn ngày: Cơ hội và rủi ro

Hấp lực nào khiến Airbnb, Luxstay tăng trưởng ngày một nhanh chóng như vậy?

Trước hết, nền tảng công nghệ cho phép chủ nhà có thể cho thuê theo nhiều hình thức khác nhau như: Cho thuê toàn bộ ngôi nhà, cho thuê một số phòng riêng, phòng ở ghép từ 2 khách trở lên cho một phòng… Từ đó, chi phí thuê phòng giảm mà chất lượng dịch vụ vẫn được đảm bảo theo yêu cầu của khách hàng.

Các nền tảng như Airbnb hay Luxstay tạo điều kiện để người dùng có thể đi du lịch với chi phí rẻ hơn, đồng thời, mang đến những trải nghiệm độc đáo, mới lạ khi lưu trú. Người lưu trú sẽ được ở tại các căn hộ của người dân bản địa, trải nghiệm đời sống, văn hóa địa phương. Người thuê cũng có thể chọn lựa tham gia hoặc bỏ qua các dịch vụ đi kèm để linh hoạt thay đổi lịch trình chuyến du lịch của mình.

Anh Nguyễn Minh Thiện (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Mình là người hay đi du lịch nhưng ít khi lựa chọn khách sạn mà rất thích thuê căn hộ qua ứng dụng Airbnb. Ở khách sạn tương đối chán vì khách sạn nào cũng giống nhau, không có nhiều lựa chọn hay sự sáng tạo như ở các căn hộ. Hơn nữa, ở căn hộ sẽ cho mình cảm giác tự nhiên, gần gũi và thoải mái hơn”.

Airbnb ngày một nở rộ và trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều khách du lịch.

Đặt phòng và lưu trú thông qua Airbnb, cả khách hàng và người cho thuê đều có thể đánh giá lẫn nhau sau mỗi lần sử dụng dịch vụ. Nếu bạn phục vụ tốt, khách hàng hài lòng, sẽ để lại những phản hồi tích cực trên hệ thống và thu hút sự quan tâm, lựa chọn của nhiều khách hàng khác. Ở chiều ngược lại, nếu khách hàng lưu trú theo hình thức Airbnb nhưng không lịch sự với chủ nhà, họ có thể sẽ không được tiếp tục thuê phòng.

Xét cho cùng việc thuê nhà trên nền tảng công nghệ giúp cả chủ nhà và người thuê có nhiều tiện ích. Người đi thuê cũng tiết kiệm thời gian, tiết kiệm được cả tiền bạc lại còn có nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu mục đích sử dụng. Trong khi đó, chủ nhà dễ dàng cho thuê, dễ dàng giới thiệu căn hộ của mình một cách rộng rãi mà không phải mất quá nhiều công sức, lại có nguồn doanh thu khá ổn định.

Theo báo cáo “Homesharing Vietnam Insights”, các cơ sở kinh doanh Airbnb có doanh thu bình quân tháng thấp điểm (tháng 5-6) ở TP.HCM đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tháng cao điểm (tháng 11-12-01) đạt 11,5 triệu đồng/tháng. Con số ở thành phố Hà Nội lần lượt là 5,2 triệu đồng và 6,78 triệu đồng. Ước tính ở các thành phố lớn, mỗi năm, mỗi cơ sở kinh doanh có doanh thu khoảng 100 triệu đồng. Với hơn 40.000 cơ sở lưu trú ở Việt Nam, giả sử tất cả các cơ sở lưu trú đều ở các thành phố lớn, tổng doanh thu 1 năm mà Airbnb mang lại có thể đạt 4.000 tỷ đồng.

Cũng bởi vậy, những nền tảng như Airbnb, Luxstay không còn đơn thuần là nguồn tăng thu nhập cho những cá nhân có chỗ ở nhàn rỗi, mà đang trở thành sản phẩm kinh doanh du lịch hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng công nghệ sẽ là một mô hình đầu tư hấp dẫn, góp phần đa dạng hóa các hình thức lưu trú dành cho du khách tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng công nghệ không phải không có mặt trái. Nó có tác động nhất định đến phương thức kinh doanh lưu trú truyền thống. Nó không chỉ tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ về mọi mặt, thậm chí còn “vượt mặt” các phương thức kinh doanh truyền thống.

Chi phí cho việc thuê phòng trên nền tảng công nghệ thấp hơn hẳn so với các hình thức lưu trú truyền thống. Người thuê còn có thể thoải mái lựa chọn loại phòng phù hợp với chính xác nhu cầu của mình, từ biệt thự cho tới phòng nghỉ giá bình dân.

Mạng lưới phòng nghỉ, căn hộ cho thuê phát triển rộng rãi khiến cho thị phần của các khách sạn truyền thống ngày càng bị thu hẹp lại.

Với phương thức hoạt động khá linh hoạt lại tận dụng tối đa sự trợ giúp của công nghệ trên nền tảng 4.0, hình thức kinh doanh lưu trú theo mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng Airbnb có khả năng tiếp cận với khách hàng rộng rãi. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp khách sạn vừa và nhỏ còn rất nhiều hạn chế.

Chính những ưu điểm vượt trội trên, cuộc cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ khiến những phương thức truyền thống đang dần đứng bên bờ vực nếu như không có những cải tiến, đổi mới trong phương thức kinh doanh.

Theo điều tra của CBC (Canadian Broadcasting Corporation), trong số 32.000 căn hộ liệt kê để cho thuê tại 16 thành phố lớn của Canada, có rất nhiều chủ nhà đứng tên cho thuê đến hàng trăm căn như nhân vật Alejandro (238 căn), Aj (90 căn), Genevieve (76 căn)... Thực chất các tài khoản này không phải là cá nhân mà của doanh nghiệp đầu tư nhiều triệu đô la để kinh doanh.

Câu chuyện này tưởng như xa vời nhưng nó lại là vấn đề đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Theo thống kê của Airbnb vào năm 2015, số tài khoản đăng ký cho thuê tại Việt Nam chỉ khoảng 1.000 người. Đến 2018 con số này đã tăng gấp 6,5 lần, tập trung chủ yếu tại TP.HCM và Hà Nội. Đáng chú ý, 1/3 số tài khoản này là sở hữu trên một cơ sở cho thuê, tức là những người kinh doanh chuyên nghiệp chứ không phải là những hộ gia đình tận dụng phòng trống trong nhà để cho thuê lại. Sự việc này đang là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến hoạt động cho thuê trên nền tảng Airbnb đang ngày càng biến tướng với nhiều hậu quả tiêu cực.

Chính việc một cá nhân hay một tổ chức nhỏ sở hữu quá nhiều phòng cho thuê có thể dẫn tới quản lý không sát sao đi cùng các tệ nạn xã hội. Khó có ai đảm bảo rằng, những căn phòng cho thuê ngắn hạn, được thực hiện nhanh gọn chỉ trong vài bước sẽ đảm bảo được sử dụng vào những mục đích chính đáng.

Các vấn đề thường gặp nhất là sự căng thẳng giữa người dân chung quanh căn hộ có đăng ký cho thuê trên Airbnb, Luxstay vì sự ồn ào, mất vệ sinh của khách thuê ở ngắn hạn. Thậm chí không còn đơn thuần là mất an ninh trật tự, gây phiền nhiễu mà việc cho thuê ngắn hạn không đảm bảo rõ ràng ràng thông tin khách hàng có thể sẽ là nơi tụ họp cho các tệ nạn như mại dâm hay thậm chí là ma túy.

Hiện nay, nhiều thành phố ở Việt Nam cũng như thế giới đang đau đầu vì Airbnb mà chưa tìm ra cách giải quyết. Tính minh bạch trong chất lượng phòng cho thuê và cách các chủ nhà quản lý cơ sở lưu trú của họ là một trong những khó khăn lớn nhất ở Việt Nam.

Cấm chung cư kinh doanh Airbnb, Luxstay: Nên chăng?

Liên quan đến việc chung cư có được phép cho thuê kinh doanh lưu trú ngắn ngày, theo giờ hay không, từng trả lời với báo chí, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng: "Đây là một sự biến tướng, đăng ký một kiểu, làm một kiểu khác nhau. Căn hộ được cấp phép để ở không thể biến thành căn hộ cho thuê kiểu khách sạn được... Anh có nhu cầu cho thuê lại mà không báo cáo chính quyền địa phương, không ai khai báo để nộp thuế. Ngoài ra còn nguy cơ về cháy nổ khi vật liệu ngăn phòng cho thuê không được kiểm định đảm bảo chống cháy."

Nhiều chủ hộ, chủ homestay thì cho rằng cấm loại hình lưu trú ngắn hạn tại các chung cư là tự mình đang chặt đi nguồn sống của chính mình. Bởi mọi chính sách, nghị quyết đều phải dựa trên tình hình phát triển của thời đại cùng tốc độ vũ bão chóng mặt của công nghệ trong khi đó mình lại ngăn cản sự phát triển ấy, đi ngược lại với xu thế là đang tự đưa bản thân quay lưng với cơ hội.

Chị Vũ Phương Nguyên – Chủ homestay TONKIN HOMETEL, tòa nhà Green Bay Garden, Hạ Long, Quảng Ninh bày tỏ: “Việc cấm chung cư cho thuê ngắn hạn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành lưu trú, đặc biệt là lưu trú du lịch ở các địa phương phát triển nhờ du lịch. Khi các chủ nhà không được kinh doanh theo mô hình chia sẻ qua các nền tảng công nghệ thì sẽ mất nguồn thu, nhà bỏ không sẽ gây ra sự lãng phí không nhỏ. Ngành du lịch lại càng tổn thất nặng nề vì qua đợt dịch Covid-19, nhà hàng, khách sạn vẫn chưa phục hồi được. Các khách sạn, công ty du lịch phá sản, bán tháo, cho thuê chung cư thì không được cấp phép, người tiêu dùng không mấy mặn mà, khó khăn chồng khó khăn”.

Tỏ rõ thái độ không đồng tình với kiến nghị cấm loại hình lưu trú ngắn hạn tại các chung cư, chị Phương Nguyên nhấn mạnh thêm: “Tại sao lại cấm kinh doanh lưu trú ngắn ngày qua mô hình chia sẻ? Nếu là câu chuyện nộp thuế, các chủ nhà sẵn sàng đóng thuế, các nền tảng như Airbnb, Agoda, Booking, Luxstay… hoàn toàn có thể hỗ trợ các cơ quan chức năng thu thuế. Còn về câu chuyện an ninh trật tự, các chủ nhà sẵn sàng cung cấp thông tin liên quan đến lưu trú, đưa ra các quy định về lưu trú homestay chặt chẽ. Ngay trong đợt dịch Covid vừa rồi, các chủ nhà đã rất hợp tác với công an địa phương trong việc cung cấp đầy đủ thông tin khách lưu trú. Do đó, việc cấm các chung cư, tập thể kinh doanh cho thuê ngắn hạn qua các nền tảng công nghệ là không cần thiết, thậm chí còn gây tác động tiêu cực cho kinh tế ngành lưu trú, du lịch ở Việt Nam”.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Hồi (Công ty luật My way) cũng cho rằng: “Theo quy định của Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 ghi nhận về hành vi bị nghiêm cấm trong việc “Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; sử dụng phần diện tích được kinh doanh trong nhà chung cư theo dự án được phê duyệt vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn hoặc các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong nhà chung cư theo quy định của Chính phủ.”, Luật Nhà ở 2014 sử dụng thuật ngữ “không phải để ở” là cơ sở để cử tri TP.HCM đề nghị Bộ Xây dựng cấm loại hình lưu trú ngắn hạn tại chung cư.

Theo góc nhìn của các cử tri TP.HCM thì việc kinh doanh lưu trú ngắn hạn nghĩa là chủ căn hộ chung cư đang kinh doanh dịch vụ lưu trú, thay cho mục đích “để ở” nên cần thiết phải ngăn cấm, tuy nhiên việc đề xuất cấm lưu trú ngắn hạn tại chung cư là không phù hợp với thực tiễn hiện nay. Rõ ràng, nếu có thể tận dụng được lượng lớn các căn hộ chung cư để trống (kể cả trong khoảng thời gian ngắn) để phục vụ việc lưu trú ngắn hạn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế như tạo sự đa dạng lưu trú cho hoạt động du lịch, thúc đẩy du lịch khi có nguồn cung lưu trú giá rẻ và tăng nguồn thu cho chủ sở hữu căn hộ, từ đó tôi không cho rằng cấm một hoạt động mang lại nhiều lợi ích kinh tế lại là phù hợp”.

Đồng quan điểm với Luật sư Lê Văn Hồi, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng: “Điều này là không phù hợp. Cư trú ngắn hạn có nghĩa chúng ta đang thực hiện theo hình thức homestay. Nếu cấm đi thì liệu du lịch có thể phát triển được hay không?

Có thể có một vài khách vào đánh bạc hoặc sử dụng ma túy nhưng không thể vì thế mà cấm hình thức kinh doanh này được. Nếu đã cấm, sao không cấm cả khách sạn?

Việc chúng ta cần làm là phải kiểm soát được khách thuê. Chứ không phải không quản lý được thì cấm. Điều này không phù hợp với quá trình phát triển hiện nay. Nếu có gì tiêu cực thì ta cần quản lý cái tiêu cực đó chứ không phải cấm để tiêu cực không xảy ra. Chỉ có quản lý thấp kém nhất mới dùng đến bài cấm.

Quản lý ra sao là công việc và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ thông minh như camera để giám sát, truy xuất nguồn gốc của khách du lịch hoặc đơn giản là khai báo tạm trú theo hộ khẩu như vẫn đang áp dụng hiện nay.

Dù cho thuê ngắn hạn hay dài hạn thì cũng cần quản lý. Khách du lịch vào nước có thể không có visa nhưng vẫn phải ghi nhận lưu trú ở đâu. Chúng ta phải thay đổi cách quản lý sao cho phù hợp với tính văn minh của xã hội trên toàn thế giới hiện nay”.

Như vậy, theo ông Đặng Hùng Võ và Luật sư Lê Văn Hồi, không nên cấm đi sự phát triển của các nền tảng công nghệ cho phép đặt thuê phòng hay các loại hình lưu trú ngắn hạn tại các chung cư. Bởi nút thắt ở đây không phải xuất phát từ chính trong luật hay trong nền tảng Airbnb mà là công tác quản lý, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.

“Đừng cậy vào luật. Luật mà không đúng, không phù hợp với cuộc sống thì sửa luật” - GS. Võ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, mỗi góc nhìn đều có những lý do của nó. Và chắc chắn rằng tất cả các cơ sở để đưa ra quan điểm, cách nhìn của mình đều sẽ phục vụ, giải quyết cho những vấn đề cụ thể nào đó.

Dưới một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, không thể cấm người dân ở ngắn hay ở dài, người dân cho ai ở, cho ai thuê là quyền của họ. Tuy nhiên, nếu chủ sở hữu chung cư đi theo hướng kinh doanh thì luật không cho phép. Cứ đúng luật mà làm, nếu kinh doanh thì có đăng ký giấy phép kinh doanh, đóng thuế đầy đủ, nếu lách luật, làm trái luật thì sẽ có biện pháp xử phạt.

“Đối với mô hình kinh tế chia sẻ, tôi rất ủng hộ, tuy nhiên chúng ta phải làm thế nào cho đúng. Ô tô của bạn, bạn chia sẻ cho người khác được, nhà riêng của bạn, bạn chia sẻ cho người khác được, nhưng chung cư thì người ta đã có chỉ tiêu dân số, nhiều người lạ vào ở liên tục thì sẽ gây ra mất an toàn, mất an ninh, ảnh hưởng đến môi trường sống, đến văn hóa của cộng đồng dân cư. Chúng ta nên tham khảo, bổ sung những quy định, chế tài phù hợp với hoạt động này, sao cho vừa đảm bảo lợi ích kinh tế vừa không gây mất an toàn, an ninh trật tự, môi trường sống của các tòa nhà chung cư”, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ thêm.

Có nhiều ý kiến trái chiều quanh việc có nên cấm căn hộ chung cư cho thuê theo loại hình Airbnb, Luxstay... 

Quay trở lại câu chuyện các cử tri TP.HCM phản ánh về việc quản lý loại hình cho thuê căn hộ chung cư theo giờ, thuê ngắn ngày hết sức khó khăn, nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao, ngày 9/11, Bộ Xây dựng đã có câu trả lời về vấn đề này. Cụ thể, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Pháp luật về nhà ở nghiêm cấm hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, thuê ngắn ngày.

Cụ thể, căn cứ quy định tại Điều 6 Luật Nhà ở 2014 thì một trong các hành vi bị nghiêm cấm là: Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Bên cạnh đó, Điều 35 Nghị định 99 hướng dẫn Luật Nhà ở cũng cấm tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng nhà chung cư.

Theo Bộ Xây dựng, UBND cấp phường, cấp quận có trách nhiệm xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư. "Hành vi sử dụng nhà ở chung cư vào mục đích cho thuê theo giờ, thuê ngắn ngày sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 3, Điều 57, Nghị định 139 năm 2017", Bộ Xây dựng cho hay. Cụ thể, phạt tiền từ 250 - 300 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định; kinh doanh bất động sản không đúng phạm vi được kinh doanh theo quy định.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Xây dựng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có ý kiến gửi UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng chung cư trên địa bàn, xử lý nghiêm việc sử dụng căn hộ vào mục đích không phải để ở.

Vậy là, về luật pháp thì đã rõ, căn hộ chung cư không thể được sử dụng cho thuê ngắn ngày, thuê theo giờ như hình thức Airbnb hay Luxstay. Nhưng về khía cạnh thị trường, khi nhu cầu của một phần không nhỏ lượng khách du lịch trong và ngoài nước vẫn còn, thì việc cấm này có nên hay không?