Cấm bán rượu, bia qua mạng: Khó khả thi!
Cập nhật lúc: 05/12/2018, 00:00
Cập nhật lúc: 05/12/2018, 00:00
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng quy định rượu bia, không được bán hàng qua thương mại điện tử (qua mạng) sẽ khó khả thi, mặc dù Ban soạn thảo cho rằng làm như vậy để hạn chế việc dễ lưu thông.
Theo đại biểu, khi đã công nhận rượu bia là hàng hóa, trong điều kiện hội nhập, internet và thương mại điện tử đang phát triển, việc mua bán trên thương mại điện tử thì chi phí logistic là tối ưu, sẽ giảm được rất nhiều chi phí, giá rẻ.
“Khi chúng ta đang hội nhập, có rất nhiều đối tác nước ngoài và chúng ta đang phát triển du lịch trọng điểm, là ngành mũi nhọn, chúng ta đang thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tự nhiên lại cấm bán một thứ hàng hóa trên mạng, tôi cho rằng điều này không hợp lý và không khả thi”, đại biểu Nguyễn Quốc Bình nói.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên mạng internet. (Ảnh: internet) |
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cũng băn khoăn về quy định không được bán rượu, bia trên mạng internet. Theo đại biểu, về chủ trương thì rất đúng đắn là tìm mọi cách giảm độ tiếp cận rượu, bia xuống, tuy nhiên phải xem xét tính tương thích các luật khác, bởi vì rút cuộc thì bán rượu, bia trên internet chỉ là một phương thức mua, bán.
Bà Lan cũng so sánh việc bán rượu, bia qua mạng với việc sử dụng máy bán hàng tự động. Đó là máy bán hàng tự động thì ai đút tiền vào thì sẽ nhận được hàng hóa và trẻ em có thể làm được chuyện đó, nhưng mua bán qua internet cũng có cách kiểm soát như những cửa hàng rượu, bia thông thường. Ví dụ, phải thanh toán bằng thẻ tín dụng và trẻ em thì không có…
“Quan trọng nhất vẫn là thay đổi các nhận thức, điều này phải có quá trình thẩm thấu dần dần. Trước mắt phải tăng thuế để người ta xót tiền người ta bớt mua rượu. Đất nước chúng ta cũng có nghịch lý, rượu rẻ hơn nước ngoài, mà rượu là thứ có hại cho sức khỏe, trong khi đó sữa thì lại đắt hơn”, bà Lan nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) cũng cho rằng, quy định cấm bán rượu, bia qua mạng như trong Dự thảo là quá chặt chẽ, ảnh hưởng đến quyền thông tin của người dân.
“Việc cấm hẳn bán trên internet về rượu, bia thì cần xem lại, vì nếu đưa lên internet thì thông tin được kiểm soát, đánh giá độ chuẩn xác cao. Khi đưa thông tin trên mạng tạo điều kiện nắm bắt chất lượng thật và trách nhiệm rõ ràng hơn, nhất là khi đang tiến tới Chính phủ 4.0. Vì vậy, việc cấm hẳn như thế này thì không nên, đề nghị cân nhắc”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phân tích, quy định cấm bán rượu, bia trên mạng internet là muốn luật hóa quy định hiện hành tại Nghị định 105 của Chính phủ và mở rộng đối với bia. Qua một năm thực hiện Nghị định 105 nhưng trong hồ sơ dự án luật chưa có đánh giá sơ bộ về việc thi hành nghị định này làm căn cứ thuyết minh cho các quy định của dự thảo luật, nhất là quy định về không bán rượu, bia trên mạng internet.
Theo đại biểu, nếu so sánh bia với thuốc lá thì thuốc lá chắc chắn có hại không chỉ với bản thân người hút mà còn có hại với cả những người xung quanh, gọi là những người hút thuốc thụ động. Thuốc lá không cấm bán trên internet nhưng bia lại cấm, như vậy nếu cấm liệu có khả thi không? Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng cho rằng, cấm bán qua mạng nhưng có có cấm bán qua điện thoại không bởi vì người sử dụng có thể liên lạc qua đại lý để mua bia rượu?
Theo đại biểu, thực tế cho thấy việc bán hàng trên mạng là kênh bán lẻ công khai minh bạch, được lưu trữ chứng từ đầy đủ, thuận lợi cho hoạt động quản lý Nhà nước, đòi hỏi người mua phải có số tài khoản hoặc thẻ tín dụng để thanh toán. “Mặt khác, bán hàng trên mạng internet là một trong những công cụ cho phép Nhà nước tiết kiệm chi phí và nguồn lực để kiểm soát hoạt động bán hàng của DN, góp phần chống thất thoát thuế cho nên tôi đề nghị bỏ quy định này”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị.
09:45, 16/04/2018
20:01, 21/09/2017
07:16, 28/01/2017
02:55, 29/06/2016