19/01/2025 | 09:38 GMT+7, Hà Nội

Cải tạo ngôi nhà cũ thành không gian lý tưởng cho gia đình 4 thế hệ

Cập nhật lúc: 20/11/2017, 07:05

Ở Nhật Bản, những ngôi nhà đã được sử dụng trong khoảng vài thập niên sẽ bị phá bỏ, hay nói cách khác chúng được coi như những thứ không có giá trị. Tuy nhiên, mới đây, một ngôi nhà như vậy ở Tokyo thay vì bị phá bỏ lại được tái sinh để làm nơi ở cho một gia đình 4 thế hệ.

Không giống ở nhiều quốc gia khác, những ngôi nhà ở Nhật Bản thường mất giá qua thời gian sử dụng và trở nên hoàn toàn không có giá trị sau 20 hoặc 30 năm. Khi chủ nhà chuyển đi hoặc đã mất, ngôi nhà sẽ bị phá bỏ.

Tuy nhiên điều này đang dần thay đổi, mọi người đang mua lại những ngôi nhà cũ và cải tạo lại chúng. Một số người cho rằng lý do cho việc này là ngày nay người trẻ không có nhiều tiền, bởi vậy họ sẽ không do dự để mua lại một ngôi nhà cũ.

Nhưng lại có những lý do khác cho việc “tái sinh” nhà cũ được đưa ra. Chẳng hạn như Tomomi Kito Architect and Associates, đơn vị đã cải tạo lại một ngôi nhà gỗ cũ đã 40 năm tuổi ở Tokyo dưới đây, làm điều đó để tạo ra nơi ở cho một gia đình với 4 thế hệ.

Trước khi được cải tạo, 2 vợ chồng chủ nhà, 2 đứa con và bố mẹ vợ của họ đang sống trong ngôi nhà. Sau đó, bà của người chủ nhà đang sống một mình ở vùng nông thôn cách xa Tokyo quyết định chuyển đến sống cùng họ.

Do đó, vợ chồng chủ nhà muốn cải tạo ngôi nhà để tạo ra không gian sống thoải mái, vững chắc cho 4 thế hệ.

Bởi vì tuổi tác của các thành viên trong đại gia đình này rất khác nhau nên việc tạo ra không gian có sự kết nối giữa các thành viên là một trong những thử thách chính của dự án cải tạo này.

Không gian chung được tạo ra cạnh các phòng riêng ở mỗi tầng. Chúng đóng vai trò như “trung tâm cộng đồng” để gắn kết các thế hệ. Không gian của phòng riêng cũng được hòa trộn phong cách để tạo ra sự hòa nhập, giống như phong cách nhà chung (share-house).

Nhưng để ưu tiên làm phòng riêng theo kế hoạch, đủ sự riêng tư và giúp không gian chung đủ ánh sáng lại trở thành một khó khăn khi mà mặt của ngôi nhà hướng về phía bắc.

Kết quả là một trần nối liền (catenary) được thiết kế ở tầng hai để giúp phản chiếu ánh sáng ban ngày tốt hơn vào tầng 1, điều này tạo nên sự khác biệt cho ngôi nhà.

Giống như phần lớn nhà ở Nhật Bản, ngôi nhà khá nhỏ, diện tích khoảng 140m2, không quá rộng cho 6 người ở, chỉ khoảng 23.3m2 cho mỗi người – thậm chí diện tích này còn thấp hơn so với diện tích ở trên đầu người của Nhật (35m2/người), bé hơn 1/3 diện tích trung bình người ở của Mỹ (77m2/người) nhưng lại lớn hơn so với diện tích này ở Hong Kong (15m2/người).