Cải tạo chung cư cũ: Đề xuất tạo thuận lợi cho nhà đầu tư về thủ tục
Cập nhật lúc: 10/05/2021, 06:15
Cập nhật lúc: 10/05/2021, 06:15
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo có quy định: “trường hợp một dự án có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia đấu thầu và trúng đấu thầu thì các nhà đầu tư này phải ủy quyền cho một nhà đầu tư hoặc thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ tiêu chí do UBND cấp tỉnh ban hành để làm thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về nhà ở”.
Trong khi đó, nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định về lựa chọn nhà đầu tư, trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì kết quả lựa chọn sẽ có một nhà đầu tư trúng thầu, không thấy có quy định về trường hợp có nhiều nhà đầu tư cùng trúng thầu.
Cụ thể, theo VCCI, việc bắt buộc các nhà đầu tư phải cùng thành lập doanh nghiệp hoặc ủy quyền cho một nhà đầu tư thực hiện sẽ gặp tình trạng các nhà đầu tư không tìm được “tiếng nói chung” trong việc thành lập doanh nghiệp, phân chia quyền lợi, nghĩa vụ… Trong trường hợp các nhà đầu tư không thống nhất được các vấn đề này thì sẽ giải quyết như thế nào, có phải thực hiện đấu thầu lại để lựa chọn chủ đầu tư?
Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại quy định này và điều chỉnh để thống nhất với quy định của pháp luật về đấu thầu.
Thêm nữa, về nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Dự thảo quy định “đối với trường hợp đã thực hiện lựa chọn chủ đầu tư mà quá 24 tháng kể từ thời điểm được lựa chọn mà chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án thì UBND cấp tỉnh thu hồi dự án và lựa chọn lại chủ đầu tư. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, VCCI cho rằng, quy định trên chưa phù hợp với Luật Đầu tư 2020 và Luật Đất đai 2013. Vì, thời điểm xác định thời hạn vi phạm theo Dự thảo quy định là tính từ thời điểm chủ đầu tư được lựa chọn trong khi Luật Đất đai 2013 lại xác định là thời điểm “nhận bàn giao đất trên thực địa”.
Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án phải có ít nhất 70% số lượng chủ sở hữu có sở hữu diện tích sử dụng hợp pháp trên tổng diện tích sử dụng nhà chung cư, khu chung cư đó tham gia cho ý kiến và doanh nghiệp được lựa chọn phải được tối thiểu 75% số lượng chủ sở hữu đó đồng ý. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phê duyệt việc lựa chọn chủ đầu tư và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tạm cư. Doanh nghiệp được lựa chọn là chủ đầu tư sẽ phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì “chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư”… VCCI chia sẻ, quy định trên chưa hợp lý và chưa thực sự tạo thuận lợi cho nhà đầu tư về thủ tục. Vì vậy, cần cân nhắc, điều chỉnh lại quy trình này.
Liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, ngày 20/4/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 947-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP. Theo quyết định, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội phân công cơ quan thường trực, xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.
Theo đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh Hà Nội làm Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Các Phó Trưởng ban Chỉ đạo gồm: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải...
Trước đó, vấn đề cải tạo chung cư cũ của Hà Nội một lần nữa được "nung nóng" trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Thành ủy - HĐND - UBND TP. Hà Nội hồi cuối tháng 3/2021.
Tại đây, Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để Thành phố chủ động tổ chức tổng kiểm định kỹ thuật chung cư cũ, tổ chức lập toàn bộ quy hoạch cải tạo, tái thiết chung cư cũ..., sau đó có cơ chế, chính sách, biện pháp tổ chức triển khai phù hợp nhằm phát huy tối đa giá trị quỹ đất, khai thác hiệu quả kinh tế và tính khả thi dự án, đồng thời có phương án tạm cư, tái định cư phù hợp nhất, trên cơ sở đó nghiên cứu bổ sung vào nội dung đề xuất cơ chế chính sách đặc thù.
Khi có chính sách đặc thù, niềm hy vọng về gương mặt Thủ đô, của 1.579 khu chung cư cũ ọp ẹp, nhếch nhác nằm rải rác khắp nơi sẽ được cải thiện trong tương lai, tạo hứng khởi cho không chỉ chính quyền thành phố, đông đảo người dân mà cả hàng chục doanh nghiệp đang muốn tham gia vào “cuộc cách mạng” chỉnh trang đô thị có một không hai này.
Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đến thời điểm này, UBND thành phố đã giao cho 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai lập nghiên cứu, lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 28 khu chung cư cũ trên địa bàn, đồng thời có giao bổ sung 2 khu chung cư cũ, nâng tổng số lên 30 khu.
Điển hình như Tập đoàn Sungroup tham gia 3 dự án là Khu tập thể Kim Liên với 42 nhà cao từ 2-6 tầng; khu tập thể Thanh Xuân Bắc với 61 nhà cao 5 tầng; khu tập thể Thanh Xuân Nam với 8 nhà cao từ 3-5 tầng.
Tập đoàn FLC tham gia cải tạo khu tập thể Kim Giang, với số lượng 68 nhà cao 2-5 tầng; Tập đoàn T&T với hai khu thuộc tập thể Bách Khoa với 29 nhà cao 2-5 tầng và tập thể Đại học Thủy lợi với 12 nhà cao từ 2-5 tầng; Tập đoàn Geleximco "ôm" khu tập thể Khương Thượng với diện tích 14,8ha, 30 nhà chung cư cao từ 2-5 tầng.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup cũng "ôm" 5 khu tập thể: Khu tập thể Ngọc Khánh có 58 nhà cao tầng từ 2-5 tầng; khu tập thể Giảng Võ có 22 nhà cao từ 3-5 tầng; khu tập thể Đường Sắt với 9 nhà cao từ 2-5 tầng; khu tập thể 60 Thổ Quan với 6 nhà cao từ 2-5 tầng; khu tập thể xí nghiệp xây lắp H24 với 10 nhà cao từ 2-5 tầng…
Trong khi Tập đoàn Hòa Phát cũng ghi tên cải tạo khu tập thể Tân Mai với diện tích 20ha, 88 nhà cao từ 2-5 tầng; Công ty Cổ phần Địa ốc Sông Hồng cũng từng cải tạo chung cư 165 Thái Hà…
Theo một số chuyên gia, sở dĩ các doanh nghiệp lớn bất động sản đều muốn tham gia cải tạo chung cư cũ của Hà Nội bởi hầu hết các tòa nhà này này đều có vị trí đắc địa, nằm tập trung ở các quận nội thành, trung tâm của thành phố.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/cai-tao-chung-cu-cu-tao-thuan-loi-cho-nha-dau-tu-ve-thu-tuc-20201231000001991.html
06:15, 06/05/2021
06:15, 03/05/2021
06:00, 26/04/2021
16:41, 29/01/2021