Cái “hồn” của khu phố tôi
Cập nhật lúc: 11/05/2018, 12:16
Cập nhật lúc: 11/05/2018, 12:16
Ngày ông nội mất, hàng xóm láng giềng đến an ủi, phụ giúp gia đình. 7 năm qua rồi, tôi vẫn nhớ mãi cảnh mọi người xắn tay cùng phụ lo cái đám ma, người mượn ghế, người che rạp, người đi mua các thứ linh tinh để liệm ông…Có những người tôi chưa bao giờ nói chuyện một lần cũng đến giúp đỡ nhiệt tình.
Xóm tôi nghèo lắm, toàn dân lao động làm thuê làm mướn, người buôn gánh bán bưng, người làm nghề hốt rác, bán vé số, người cho vay nặng lãi, người biên đề, cờ bạc, hạng nào cũng có, người biết chữ thì ít mà người dốt chữ thì nhiều. Vậy mà khi mở thùng tiền phúng điếu để lo đám cho ông, có bao thư được gấp ngay ngắn 10.000 đồng tiền phúng viếng, có người còn ghi những dòng nghệch ngoạc chia buồn, sai chính tả đó! Tiền phúng điếu 10.000 đó! nhưng cầm trên tay, tôi muốn khóc òa lên vì cảm thấy mọi người luôn yêu thương gia đình, ai cũng sống có tình có nghĩa với nhau.
Hình như, tình nghĩa đã làm nên cái hồn của khu phố tôi, là thứ không một ai có thể nhìn ra nhưng có thể cảm nhận được bằng chính trái tim mình. Khi đi làm xa, trong trái tim luôn mong mỏi được quay trở về khu phố nơi mình sinh sống, nơi mình lớn lên. Có bà Ba hay ngồi ăn trầu đầu ngõ nói: “Bây đi làm mới về hen!” hay thằng Ớt nhỏ dẫn con chó dạo chơi nhảy dựng lên: “Chị Thủy đi làm mới về!”
Cái hồn khu phố trở thành nỗi nhớ thiêng liêng cho những ai vì nghèo, vì khó khăn về gia cảnh phải bán nhà đi nơi khác. Có người mấy chục năm rời xa khu phố 4, phường 7, quận 6 họ vẫn tìm về nơi “chôn nhau cắt rốn”. Có người sinh sống nơi trời Tây đến khi tóc trên đầu đã bạc vẫn còn nặng nhọc đường xa tìm lại quê hương. Nơi khu phố nghèo buôn gánh bán bưng quanh năm mà đời vui vẻ. Nóng, sốt, cảm lạnh, hàng xóm có nhau.
Khu phố tôi sống có 1 ngôi đình – đình ông Phạm Văn Chí. Ngày mà đình Ông được UBND TP. Hồ Chí Minh trao tặng Bằng chứng nhận Di tích lịch sử cấp thành phố, mọi người ai cũng mừng rỡ. Đình Ông như là nơi canh gác cái hồn của khu phố. Chuyện buồn, chuyện vui, chuyện khó khăn, chuyện đau khổ, từ cái chuyện thiếu nợ người ta không có tiền trả đến chuyện ngoại tình, ly hôn, bất cứ chuyện gì người ta đều tìm đến ông Phạm Văn Chí để cầu khẩn, vái xin. Không biết có được như ý nguyện hay không mà năm nào Lễ Kỳ yên của Ông đều đầy nhang khói, trái cây, xôi thịt, làm cho cả xóm rộn ràng hẳn lên. Mỗi lần có dịp cúng Ông hay lễ chùa thì y như xóm tôi được thay áo mới. Ai cũng vui vẻ, phấn chấn hẳn lên vì mọi người đều sùng kính tôn giáo và tin tưởng vào ông trời.
Cái xóm nghèo lội bùn mà đi của mấy chục năm về trước, bây giờ chính quyền tráng xi măng, làm đường nhựa sạch đẹp. Rồi những ngôi nhà cao tầng mọc lên. Cao thì cao nhưng nó không làm xa cách tình làng nghĩa xóm. Hễ mà trong xóm có ai trúng số hay làm ăn thì sẽ có ngay những phần gạo, đường, sữa miễn phí cho người nghèo. Ai trúng gió, bệnh đau bất chợt mà không có tiền thì mỗi người một ít góp vào đem đi bệnh viện. Mà người góp tiền giàu có gì đâu, toàn buôn gánh bán bưng thôi, nương tựa nhau từ những đồng tiền lẻ. Hay ai đó hay ăn nhậu, hút thuốc thì được khuyên: “Anh uống rượu nhiều quá coi chừng hại gan, tới đó vợ con khổ nghe chưa!”. Người này nhắc người kia, người kia nhắc người nọ, vậy đó mà vui!
Cho nên, xóm tôi chẳng bao giờ buồn.
Ngày hôm qua, ba nói với tôi “xóm mình có thể bị giải tỏa theo quy hoạch của thành phố nhưng không biết là bao giờ!”. Tự nhiên nghẹn đắng họng. Nước mắt tôi rơi xuống chén cơm đang ăn. Tôi đã òa khóc như chưa bao giờ được khóc. Không chỉ lo về giá cả đền bù, gia đình mình sẽ sống ở đâu? Mà tôi còn buồn nếu một ngày nào đó phải xa những người mình thương. Xa bà Hai, cô Tám, xa xôi vòng tay yêu thương của mọi người, không còn những lời hỏi thăm thật lòng thật dạ với nhau. Rồi những người nghèo khổ, giải tỏa họ sẽ đi về đâu? Bao giờ mới gặp lại mọi người?
Sống ở đâu cũng vậy. Cũng sẽ có phương kế sinh nhai nhưng mà ký ức về tuổi thơ, về tình yêu, làm sao lấy lại được. Và nếu sống một nơi dù có đầy đủ tiện nghi, giao thông thuận tiện, mọi thứ đều đẹp nhưng không có tình người ở đó, hàng xóm chẳng ai biết ai, chẳng ai giúp đỡ ai. Hay như người ta nói, “nhà ai nấy sáng” thì có tiện nghi hay đẳng cấp thì có ý nghĩa gì. Khi mà, cần bàn tay ai đó giúp đỡ khi trái gió trở trời cũng chẳng tìm thấy được một ai. Khi mà, người ta chỉ cần biết có mình, ngôi nhà của mình, chứ không cần hàng xóm của mình.
Khi viết bài dự thi này, tận đáy lòng tôi luôn mong ước, khu phố mình sống không bị giải tỏa. Dù biết nếu giải tỏa thì sẽ có nhiều người có cuộc sống tốt hơn thì sao? Có nhiều người đổi đời thì sao? Nhưng cũng có những người nghèo hơn thì sao? Tận đáy lòng tôi chỉ mong muốn ông Phạm Văn Chí hãy luôn phù hộ cho mọi người sức khỏe và bình an, linh thiêng hơn nữa là đừng ai vì không biết chữ mà rơi vào vòng phạm pháp, ai cũng có nghề ổn định để kiếm kế sinh nhai.
Trên đời này, mọi thứ đều có linh hồn. Khi trái tim mình hòa nhập với tình yêu thương, sẽ cảm thấy linh hồn ở đó, tràn ngập ánh sáng buổi ban mai.
Yêu nơi mình đang sống như yêu chính cuộc sống của mình!
11:03, 09/05/2018
11:02, 08/05/2018
20:39, 07/05/2018
14:24, 03/04/2018
22:11, 23/03/2018