21/11/2024 | 22:36 GMT+7, Hà Nội

Cách phòng và chữa cước chân tay vào mùa đông

Cập nhật lúc: 27/11/2015, 12:00

Thời tiết rét đậm kéo dài khiến cho chân, tay bạn vào mùa đông thường bị sưng, tấy, cảm giác ngứa ngáy hay người ta còn gọi là cước. Đó là do vùng da bên ngoài bị tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh và bị kích thích trong 1 khoảng thời gian dài. Bệnh này khá phổ biến đối với mọi người khi mùa đông đến.

Bệnh cước là gì?

Cước chân tay không phải bệnh cơ địa mà là một dạng dị ứng da tại chỗ do thời tiết. Khi trời lạnh, các đầu ngón chân, ngón tay sưng lên, nóng đỏ, hơi đau do phù nề,  đôi khi tê dại, bóp mạnh không có cảm giác. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dễ dẫn đến xơ da đầu ngón, cơ, xương cũng bị ảnh hưởng.

Bệnh cước hay một dạng dị ứng da tại chỗ do thời tiết

Nguyên nhân gây bệnh cước?

Theo Đông y, nguyên nhân gây bệnh cước là do khí độc ở ngoài xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh, do vùng da bên ngoài bị tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh và bị kích thích trong 1 khoảng thời gian dài.

Khi thời tiết trở nên quá lạnh giá nếu bạn không tìm cách làm ấm tay chân bằng cách đi găng tay, tất ấm, đi giày cho chân thì chân tay cũng sẽ bị lạnh. Khi ấy, các mạch máu ngoại vi dưới da bị co lại, khiến máu lưu thông chậm, gây thiếu ôxy ở vùng cần nuôi dưỡng. Lúc này, nếu được làm ấm đột ngột, mạch máu sẽ bị vỡ, kết quả dễ dẫn tới viêm, sưng nề, ngứa và đau. Việc làm ấm nhanh bàn tay lạnh giá bằng lửa hay lò sưởi chính là nguyên nhân gây ra cước. ​

Một nguyên nhân khác nữa là triệu chứng cước chân tay còn hay gặp ở những nhân có tuần hoàn máu kém. Biểu hiện là bạn thường bị lạnh tay, chân ngay cả trong thời tiết ấm áp. Việc tuần hoàn máu kém dễ khiến các vùng xa tim nhất không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, dẫn tới dễ bị tác động bởi nhiệt độ.

Cách phòng bệnh cước

Mặc quần áo ấm, mang tất, mang găng tay và đi giày đủ ấm để chân tay bạn tránh được thời tiết giá lạnh.

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp chân tay với nước lạnh và các hóa chất tẩy rửa. Nếu phải tiếp xúc cần dùng nước ấm hoặc đi găng tay. Khi phát cước, chân tay thường rất ngứa nhưng thay vì gãi mạnh chỉ nên xoa nhẹ nhàng tránh lở loét, phồng rộp bề mặt da dẫn đến nhiễm trùng.

Hằng ngày trước khi đi ngủ,nên dành khoảng 30 phút ngâm chân, tay vào nước nóng ấm với muối và vài giọt tinh dầu (quế, tràm trà, gừng, chanh, không nhất thiết phải có đủ các loại tinh dầu trên, 1 -2 loại cũng đã rất tốt rồi)

Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và hạn chế chất kích thích (rượu bia, cà phê, thuốc lá).

Không nên dùng các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, hoặc những món từng khiến bạn bị dị ứng.

Thường xuyên tập thể dục để giúp cho việc lưu thông máu dễ dàng hơn.

Cách chữa bệnh cước

Lá lốt thái nhỏ, đun sôi với nước + chút muối. Sau đó ngâm chân, tay vào khoảng 30′. Dùng 1 thời gian sẽ đỡ dần và khỏi hẳn

Thoa 1 chút dung dịch rượu anh đào (loại nhẹ) lên vùng chân, tay bị cước để làm dịu đi cơn ngứa, rát và dùng 1 thời gian sẽ hết.

Gừng tươi thái lát mỏng, sau đó dùng sát lên vùng bị cước, mỗi ngày làm 1 đến 2 lần. Làm liên tục trong vòng 1 tuần.

Tuy nhiên, cách tốt nhất là bạn nên đi khám để nếu có thể thì các bác sĩ sẽ giúp bạn loại bỏ được yếu tố gây khó chịu khi trời lạnh này đối với bạn.

Chúc bạn sức khoẻ.