22/11/2024 | 00:58 GMT+7, Hà Nội

Cách phòng chống cháy nổ trong sinh hoạt gia đình

Cập nhật lúc: 13/10/2015, 21:40

Cháy nổ thường xuất phát từ những sinh hoạt thông thường hàng ngày của mỗi gia đình. Vì vậy mỗi người cần có ý thức phòng cháy, chống cháy để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Rất nhiều vụ cháy lớn bắt nguồn từ những hành động hàng ngày của con người như thắp hương, đun nấu, cắm bàn là, máy sấy, nướng thực phẩm ... Ngọn lửa bùng phát từ những nguyên nhân ấy tác động với gió, hệ thống điện ... sẽ gây ra những đám cháy khủng khiếp, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người. 

Vì vậy để phòng chống cháy nổ, mỗi người, mỗi nhà cần có ý thức đảm bảo an toàn trong sinh hoạt thật tốt. 

1. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu. Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon. 

2. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ với số lượng ít nhất.

3. Ô tô, xe máy các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa  bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; thiết bị chứa, dẫn xăng dầu… phải kín.

4. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas; khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas.

Khi đun nấu luôn phải có người trông bếp.

Khi đun nấu luôn phải có người trông bếp.

Nếu đun nấu bằng bếp dầu phải đủ bấc và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ. Trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu.

5. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi.

6. Không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn, nhằm hạn chế cháy lan.

7. Phải lắp thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn.

8. Không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện.

9. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.

10. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ,  trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy.

Hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên ban thờ. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

Hạn chế tối đa để vàng mã và các chất dễ bắt cháy trên bàn thờ.

Hạn chế tối đa để vàng mã và các chất dễ bắt cháy trên bàn thờ.

11. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

12. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khóa. Trường hợp lắp các thiết bị an toàn bằng dây thép mà không có cửa thì phải có sẵn dao/kéo hoặc dụng cụ cắt được trong thời gian ngắn.

13. Với các gia đình ở chung cư, phải trang bị thang dây thoát hiểm, dây đai thoát hiểm hoặc bình cứu hỏa mini trong nhà. 

14. Cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khóa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khóa dễ thấy, dễ lấy.

Khóa cửa cần được đánh dấu rõ ràng và để đúng nơi quy định trong nhà.

Khóa cửa cần được đánh dấu rõ ràng và để đúng nơi quy định trong nhà.

15. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn như búa thoát hiểm hoặc các loại thiết bị thoát hiểm khác. 

16. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy. 

17. Phổ biến kiến thức chữa cháy và thoát hiểm khi có cháy cho tất cả các thành viên trong gia đình.