18/01/2025 | 19:17 GMT+7, Hà Nội

Cách phân biệt tiền giả mệnh giá 50.000 đồng

Cập nhật lúc: 23/10/2015, 07:11

Có nhiều cách để phát hiện tiền giả như dùng máy soi tiền giả hoặc máy đếm tiền xiudun vừa đếm vừa có chức năng phát hiện tiền siêu giả Polyme, hoặc có thể phân biệt tiền giả bằng mắt thường.

Từ cuối năm 2003, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành một số loại tiền mới, in trên giấy nền polymer, với các ứng dụng kỹ thuật bảo an cao nhằm nâng cao khả năng chống giả của đồng tiền Việt Nam.

Việc thay đổi, bổ sung các mẫu tiền mới trong lưu thông là một biện pháp để ngăn chặn tiền giả mà các nước thường làm. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào lưu thông, các mẫu tiền mới cũng sẽ không tránh khỏi bị làm giả với mức độ tinh vi khác nhau.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại các nước đã sử dụng tiền polymer, tiền giả cũng xuất hiện. Tuy nhiên, số lượng có giảm xuống và mức độ tinh vi của tờ tiền giả không cao (tiền giả thường được in bằng giấy in thông thường và vùng cửa sổ trong suốt được làm bằng cách khoét thủng hình hai cửa sổ, dùng màng mỏng ni lon trong suốt dán lên) nên dễ phát hiện.

 

Mẫu tiền polyner thật mệnh giá 50.000 đồng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát hành.

 

Để nhận biết loại tiền giả này, Ngân hàng Trung ương khuyến cáo người dân cần chú ý đến các đặc điểm như sau:

Về giấy in: Tờ tiền giả được in bằng giấy in thông thường, không phải là giấy polymer. Có thể nhận biết qua quan sát tờ tiền hoặc xé nhẹ bằng tay ở mép tờ tiền, nếu là tiền giả sẽ rách dễ dàng (tiền thật rất khó xé rách khi đồng tiền còn nguyên vẹn).

Nếu thấy tờ tiền có các vết rách ở mép thì cần kiểm tra cẩn thận vì hiện tượng này ít xảy ra đối với tiền in trên giấy polymer.

Khi không có điều kiện kiểm tra kỹ, thì cách đơn giản là nhất là: (1) xé nhẹ ở mép, nếu dễ bị rách thì có khả năng là tiền giả, nên kiểm tra kỹ hơn; (2) soi cửa sổ nhỏ trước nguồn sáng đỏ (bóng đèn tròn, ngọn nến, que diêm cháy sáng), nếu không xuất hiện chữ VN đối xứng màu ngũ sắc thì đó là tiền giả.

Nhìn tổng thể các yếu tố: giấy in, các kỹ thuật bảo an, nhất là các yếu tố như cửa sổ trong suốt có hình dập nổi, hình bóng chìm, chữ VN sáng trắng, các loại mực phát quang, hình ẩn nổi ... trên tờ tiền giả không giống hoặc không có như trên tờ tiền thật.

Đặc biệt, nếu quan sát kỹ 2 cửa sổ của tờ tiền thì có thể nhận biết loại tiền giả này dễ dàng. Tuy nhiên, nếu sơ xuất do tâm lý chủ quan chưa có tiền giả loại 50.000 mới và tờ tiền giả này bị trà trộn trong số lượng lớn tiền thật, nhất là trong điều kiện trời tối thì cũng có thể bị nhầm lẫn.

Trên tờ tiền giả có cắt dán các hình cửa sổ lớn và cửa sổ nhỏ bằng cách khoét thủng hình hai cửa sổ và dùng màng mỏng ni lon trong suốt dán lên. Trên cửa sổ lớn có dập số 50.000 nhưng nét thô và không rõ như trên tờ tiền thật. Nhìn bằng mắt thường có thể nhận ra vết dán quanh mép hình cửa sổ.

Hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và chữ VN (nằm dưới vị trí bóng chìm hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong tờ tiền giả đậm hơn nền giấy, không tinh vi và rõ nét; không sáng trắng khi soi tờ tiền trước nguồn sáng như trên tờ tiền thật.

Màu sắc của tờ tiền giả: Nhìn tổng thể, tờ tiền giả có màu sắc gần giống như màu của tờ tiền thật.

Các yếu tố phát quang: Tờ tiền giả không có yếu tố mực phát quang khi soi tờ tiền dưới ánh sáng đèn cực tím. Mặt trước tờ tiền giả không có cụm số 50.000 không màu phát quang dưới ánh sáng đèn cực tím.

Các chi tiết màu vàng cam xung quanh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (mặt trước) và màu vàng cam ở hình định vị (mặt sau) của tờ tiền giả không phát quang màu vàng dưới ánh sáng đèn cực tím.

Dòng số sêri dọc màu đỏ ( kiểu số đều nhau) trên tờ tiền giả không phát quang màu da cam khi soi dưới ánh sáng đèn cực tím. Dòng số sê ri ngang màu đen ( kiểu số từ nhỏ đến lớn) trên tờ tiền giả không phát quang màu xanh lơ khi soi dưới sánh sáng đèn cực tím.

Yếu tố in nét nổi và định vị: Mặt trước của tờ tiền giả không có yếu tố in lõm nên không có độ nổi của nét in ở các vị trí: dòng chữ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ và số mệnh giá. Có thể kiểm tra bằng cách vuốt nhẹ tay lên các yếu tố này. Hình định vị trên tờ tiền giả không khớp khít giữa hai mặt như tờ tiền thật.

Cục Phát hành và Kho quỹ cũng khuyến cáo thêm: "Do hiện tượng làm giả đồng 50.000 đồng polymer đã xuất hiện, nên khi giao dịch thanh toán bằng tiền mặt, mọi người cần quan sát đồng tiền cẩn thận. Trong trường hợp nhận phải tiền giả, bất kỳ là loại nào hoặc phát hiện các đối tượng có hành vi làm, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua bán tiền giả, các tổ chức và cá nhân thông báo kịp thời cho cơ quan công an hoặc bộ đội biên phòng, hải quan nơi gần nhất".