24/11/2024 | 23:05 GMT+7, Hà Nội

Cách nhận diện và phòng tránh rơi vào bẫy của tour giá rẻ

Cập nhật lúc: 18/10/2018, 13:21

Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, trong bối cảnh cạnh tranh du lịch ngày càng gay gắt trong khu vực và trên thế giới, nhiều hãng lữ hành đã áp dụng biện pháp thu hút khách du lịch bằng tour du lịch giá rẻ.

Hiện nay, ngày càng nhiều khách du lịch đến Việt Nam từ một số thị trường thông qua tour du lịch giá rẻ. Việc tổ chức, quảng bá, bán các tour du lịch giá rẻ thường chỉ áp dụng được cho một số phân khúc thị trường, nhóm khách cho thói quen đi theo đoàn và chi tiêu nhiều cho mua sắm hàng hóa, dịch vụ ngoài tour.

Về bản chất, tour du lịch giá rẻ là hình thức cạnh tranh bằng giá theo cơ chế thị trường. Tour du lịch giá rẻ là cách thức bán hàng với giá tour cơ bản thấp, bao gồm dịch vụ tối thiểu tại điểm đến. Tuy nhiên, khách du lịch sẽ được khuyến khích sử dụng nhiều dịch vụ khác như mua sắm, tham quan, vui chơi, giải trí, ăn uống… Việc liên kết, tái phân bổ lợi nhuận giữa các Cty lữ hành, hãng hàng không và các cơ sở dịch vụ tại điểm đến sẽ đảm bảo lợi ích của tất cả các bên tham gia chuỗi giá trị phục vụ khách du lịch. Một trong những biến tướng của tour giá rẻ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch là tour 0 đồng (trên thực tế là hình thức truyền thông để thu hút khách).

cach nhan dien va phong tranh roi vao bay cua tour gia re
Việt Nam với nhiều thắng cảnh đẹp, thu hút du khách. Ảnh: Hưng Nguyễn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, phân tích, tour giá rẻ thường diễn ra với các hình thức: Tổ chức gom khách thành các đoàn lớn dưới hình thức bán buôn để được hưởng chính sách ưu đãi về giá và các hỗ trợ khác từ các hãng vận chuyển, cung ứng dịch vụ, nhờ đó giá tour được giảm đáng kể; Loại thứ hai là các Cty du lịch thuê nguyên chuyến bay để vận chuyển khách du lịch.

Do đặc điểm chỗ trên máy bay đã được mua trước trọn gói nếu không bán được cho khách thì cũng không lưu trữ được nên sau khi tính toán điểm hòa vốn, các Cty lữ hành bán các tour với giá rẻ hoặc giá vé máy bay bằng 0; Loại hình thứ 3 là các tour đi ngắn ngày, cắt giảm chương trình tour, ép khách phải vào các điểm mua sắm khép kín, chỉ phục vụ riêng khách đi theo tour giá rẻ với chất lượng hàng hóa thấp, giá cao gấp nhiều lần giá trị thực tế; Thứ 4 là tour đi theo đường bộ vào Việt Nam, Cty lữ hành của nước ngoài vẫn thu tiền của khách nhưng bán lại cho Cty du lịch hoặc hướng dẫn viên của Việt Nam với giá rẻ hoặc bằng 0. Vì vậy, các Cty du lịch Việt Nam hoặc hướng dẫn viên phải lấy chi phí mua sắm, sử dụng dịch vụ để bù đắp chi phí cho các dịch vụ cơ bản theo chương trình đã kí kết với khách.

Đánh giá về mặt tích cực, do khách du lịch vẫn phải chi trả cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, vận chuyển và các dịch vụ khác tại điểm đến nên tour du lịch giá rẻ vẫn tạo ra doanh thu, việc làm, khuyến khích sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ dịch vụ hàng hóa. Đối với các hãng hàng không, tour du lịch giá rẻ là đòn bẩy tăng khả năng thu hút khách, duy trì sự ổn định các đường bay. Bên cạnh đó, tour du lịch giá rẻ đã làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách vào mùa thấp điểm, giúp các nhà đầu tư du lịch có nguồn thu ổn định, thu hồi vốn, duy trì và đem lại doanh thu cho điểm đến.

Tuy nhiên, về lâu dài các tour giá rẻ sẽ làm xấu hình ảnh của điểm đến nếu không được quản lý một cách có hiệu quả. Việc tìm kiếm doanh thu từ mua sắm hàng hóa dịch vụ ngoài tour để bù đắp cho chi phí tổ chức tour đã tạo ra sức ép lớn cho các Cty lữ hành gửi khách, nhận khách và hoạt động quản lý điểm đến, một số nguồn thu từ các dịch vụ mua bán hàng hóa của khách du lịch chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến không kiểm soát được doanh số và thất thu thuế. Bên cạnh đó, việc thanh toán, giao dịch trực tuyến của khách du lịch (máy POS), thanh toán bằng QR code, các ứng dụng thánh toán trên điện thoại thông minh… không thông qua hệ thống ngân hàng, vi phạm các quy định pháp luật về quản lý và thanh toán ngoại tệ tại Việt Nam.

Ông Tuấn nhấn mạnh, điểm mấu chốt để duy trì và tồn tại được tour giá rẻ hay tour 0 đồng là sự tồn tại của những cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, thường do người nước ngoài núp bóng điều hành và có sự tiếp tay, đồng lõa của Cty lữ hành và hướng dẫn viên người Việt Nam.

Vì thế, để ngăn chặn mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực của tour giá rẻ thì cần phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng hoạt động khép kín mang tính lừa đảo… Ngoài ra, kiên quyết xử phạt và rút giấy phép hoạt động đối với những DN lữ hành, hướng dẫn viên có vi phạm pháp luật về kinh doanh lữ hành, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách.

Xuân Thanh