27/11/2024 | 03:36 GMT+7, Hà Nội

Cách chống ẩm cho nền nhà ngày mưa gió

Cập nhật lúc: 19/03/2017, 13:19

Những ngày qua thời tiết mưa ẩm kéo dài đã khiến cho không ít gia đình thấy khó chịu vì tình trạng nền nhà "ra mồ hôi", không khí trong nhà luôn ẩm ướt, nhiều vật dụng vì đó mà ẩm mốc, hỏng hóc theo.

Vì sao nền nhà lại ẩm ướt?

Có thể hiểu đơn giản, hiện tượng ẩm ướt nền nhà là do chênh lệch nhiệt độ (gradient nhiệt cao) giữa nền dưới và bề mặt trên nền làm hơi ẩm trong không khí ngưng tụ lại trên bề mặt nền nhà gây ẩm ướt.

Cách khắc phục 

Nếu đã xây nhà rồi, bạn có thể dùng phương pháp: Đặt ở góc phòng khoảng 10 kg vôi sống đã đựng trong thùng gỗ hoặc thùng giấy.

Bạn chỉ nên mở thùng giấy đựng vôi khi thời tiết thật ẩm, khi nền nhà rất ướt để vôi có thể phát huy hết tác dụng của mình.

Vôi sống là chất hút ẩm tốt nên có thể hút hết hơi ẩm trong phòng, làm cho phòng khô ráo.

Lau chùi sàn nhà bằng khăn khô

Ngoài ra, bạn có thể thay thế vôi bằng than củi phơi khô khi trời ẩm ướt và nền nhà toát mồ hôi nhẹ. Bởi tác dụng hút ẩm của than củi không mang lại hiệu quả cao như vôi.

Tuy nhiên, than củi lại có thể sử dụng nhiều lần. Khi sử dụng xong, bạn mang chúng ra phơi khô để dùng cho lần tiếp theo.

Theo các chuyên gia, nguyên tắc thiết kế sàn chống ngưng đọng nước (chống nồm) phải chọn các loại vật liệu phù hợp, đó là các vật liệu ốp lát mỏng như gạch men sứ, gỗ hoặc tấm lát bằng nhựa composit, vật liệu cách nhiệt nhẹ, gốm bọt....

Cần dùng vật liệu có quán tính nhiệt lớn để hạn chế đọng nước trên mặt sàn nhà.

Các vật liệu lát phù hợp là:

  • Gạch gốm nung có chiều dày nhỏ hơn hoặc bằng 10 mm
  • Gạch men nhỏ hơn bằng 7 mm
  • Vật liệu tấm nhựa nhỏ hơn hoặc bằng 5 mm
  • Gỗ hoặc ván sàn nhỏ hơn hoặc bằng 15 mm

Kết hợp theo đó là trải các loại thảm len, thảm đay, thảm cói (cần sấy khô vào những thời điểm có độ ẩm cao). Lớp vữa lót liên kết càng mỏng càng tốt.

Nếu điều kiện cho phép, nên dùng keo liên kết để bỏ lớp vữa lót liên kết. Tiếp theo là lớp cách nhiệt cơ bản, có quán tính nhiệt nhỏ.

Cần chọn vật liệu vừa chịu được tải trọng vừa có nhiệt trở lớn. Lớp chống thấm để bảo vệ lớp cách nhiệt khỏi ẩm do mao dẫn từ nền đất lên.

Ngoài những cách mang tính kỹ thuật cao này, bạn có thể chăm chỉ thực hiện theo những cách thông thường trong những ngày trời nồm như: Chăm lau chùi nhà bằng khăn khô, đóng cửa, bịt kín các kẽ hở càng kín càng tốt để hạn chế không khí ẩm vào nhà, mở máy điều hòa chế độ khô và máy hút ẩm để khử ẩm.

Trong trường hợp bạn chuẩn bị xây nhà, thì hãy dùng ngay các phương pháp sau để chống ấm lâu dài cho căn nhà của mình trong những ngày mưa gió: 

Với nền nhà, bạn nên đào sâu xuống khoảng 15cm và rải đá dăm lên trên nền đất.

Tiếp đó, dùng xi măng lát phẳng, để khô ráo, tiếp tục thêm một lớp nhựa đường dày dặn.

Sau lớp nhựa đường, hãy lát thêm một lớp xi măng hoặc đá hoa lên trên. Với cách làm hơi cầu kỳ một chút, bạn sẽ không phải lo nền nhà bị ẩm ướt trong quãng thời gian sinh sống sau này.

Ngoài ra, bạn có thể xử lý theo quy trình: Đào sâu nền nhà 50-75 cm (tùy khả năng đầu tư), san bằng nền đất, đổ cát vàng dày 35-45 cm, san bằng, sau đó đổ xỉ than 25-30 cm san bằng đều.

Dùng dầm điện dầm đều nền, bổ sung thêm cát vàng vào lớp xỉ than này và tưới đều nước vào nền cho thật sũng ta sẽ tạo được lớp nền phân 2 lớp cát vàng ở dưới, xỉ than ở trên chắc chắn.

Trước khi lát gạch nền trộn đều xi măng cát vàng khô (tỷ lệ như vữa xây) và trải đều 1 lớp cát vàng xi măng (dày khoảng 2 cm) lên nền xỉ than sau đó tráng một lớp vữa xi măng cát ướt (tỷ lệ xi măng: cát đen đã rửa sạch là 2:1) và chỉ việc dán gạch lát nền trên cùng.