19/01/2025 | 06:16 GMT+7, Hà Nội

Cách chọn sản phẩm chống nóng tiết kiệm điện

Cập nhật lúc: 20/05/2019, 06:00

Theo các chuyên gia điện máy, khi mua sản phẩm chống nóng, người dùng nên chọn lựa những sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng để tiết kiệm điện năng.

Mùa Hè, nhu cầu sử dụng điện gia tăng trong khi giá điện vừa điều chỉnh tăng thêm hơn 8% khiến người tiêu dùng lo lắng. Theo các chuyên gia điện máy, khi mua sản phẩm chống nóng, người dùng nên chọn lựa những sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng để tiết kiệm điện năng.

Theo đó, khi chọn mua các thiết bị điện máy, người dùng đừng nghĩ mua máy lớn hơn, mạnh hơn thì máy làm việc tốt hơn. Thực tế, người dùng nên chọn mua sản phẩm đúng công suất. Trước khi mua sản phẩm điều hòa, người dùng cần tính toán phòng cần công suất lạnh bao nhiêu để mua bấy nhiêu; không nên mua lớn hơn vì khi hoạt động sẽ hao tốn năng lượng điện nhiều hơn. Ngược lại, nếu người dùng mua máy nhỏ hơn, yếu hơn yêu cầu, khi đó máy buộc phải hoạt động nhiều hơn cũng sẽ lãng phí. Người dùng nên mua các sản phẩm mới, không nên mua sản phẩm cũ, sản phẩm dựng lại. Bởi các sản phẩm chống nóng đã qua sử dụng tuy giá có rẻ nhưng thường rất hao tốn điện năng.

Cách chọn sản phẩm chống nóng tiết kiệm điện - Ảnh 1

Người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng để tiết kiệm điện năng.

Đa số, việc hao phí năng lượng điện đều do sử dụng không hợp lý. Ví dụ, trong các nguyên nhân gây lãng phí điện khi dùng tủ lạnh thì phần lớn là do sử dụng sản phẩm không hợp lý như: Điều chỉnh trong hộp số (số càng cao tiêu thụ càng nhiều); đặt sản phẩm ở môi trường không thuận lợi (không thông thoáng, điện càng hao); số lần mở cửa quá nhiều (càng mở cửa nhiều lần thì càng tốn điện); điện tổn hao qua biến thế hoặc ổn áp; để lớp tuyết đông dày quá (ít xả tuyết)...

PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ nhiệt lạnh (Đại học Bách Khoa Hà Nội) đánh giá, lượng điện tiêu thụ của các gia đình trong mùa nóng có thể tăng từ 30 tới 80%, trong đó điện cho điều hòa có thể chiếm tới 64% lượng điện hàng tháng. Lượng điện tiêu thụ tăng cao vốn xảy ra hàng năm, khi thời tiết ở miền Bắc chuyển từ mùa Xuân sang Hè và đối với Nam bộ là mùa khô. “Chúng tôi từng thực hiện các dự án nghiên cứu với Tổ chức Bơm nhiệt trữ nhiệt Nhật Bản - Tập đoàn Mitsubishi UFJ & Morgan Stanley và Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2010 - 2015 của Bộ Công Thương. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lượng điện tiêu thụ của các hộ trong 6 tháng mùa nóng (từ tháng 4 tới 9 hàng năm) thường tăng khoảng 30 - 80% so với 6 tháng còn lại, cá biệt có trường hợp tăng 150%”, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng thông tin.

PGS.TS Nguyễn Việt Dũng cho rằng, người dùng nên chú ý về các thiết bị được dán nhãn năng lượng. Nếu nhãn có càng nhiều sao, hiệu suất sử dụng năng lượng của thiết bị đó càng cao, càng tốt. Thêm nữa, người dùng cần sử dụng điều hòa hợp lý. Một sai lầm phổ biến ở người sử dụng là thường cài đặt nhiệt độ điều hòa rất thấp, dưới 24 độ C, vì muốn làm mát nhanh hoặc muốn cảm giác lạnh sâu. Việc này không chỉ tốn điện mà còn tạo độ chênh lệch lớn về nhiệt độ trong phòng và ngoài trời khi nắng nóng, dễ gây nguy hiểm cho người già, trẻ em, đặc biệt người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp hoặc bệnh đường hô hấp. Do đó, nên để điều hòa từ 26 độ C trở lên và dùng thêm quạt đảo gió. Cứ hạ thấp nhiệt độ phòng 1 độ C thì điện năng tiêu thụ của điều hòa không khí sẽ tăng lên 1,5 - 3%. Ngoài ra, nếu chỉ tắt điều hòa bằng thiết bị điều khiển mà không cắt aptomat, người dùng vẫn sẽ tiêu tốn 8 - 20 W/h, tương đương 1 bóng đèn. Tính cả năm, con số này không hề nhỏ. Rất nhiều thiết bị khác cũng như vậy. Do đó, nếu không dùng các thiết bị điện trong thời gian dài nên tắt hẳn nguồn điện cho thiết bị đó.

Việc sử dụng điện tiết kiệm có rất nhiều lợi ích, vừa tiết kiệm chi phí cho gia đình, vừa đóng góp cho việc đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường.