26/11/2024 | 05:36 GMT+7, Hà Nội

Cách cải thiện chứng hay quên ở người trẻ

Cập nhật lúc: 06/07/2018, 08:43

Bệnh hay quên ở người trẻ tuổi có thể điều trị khỏi nếu chúng ta phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Những cách dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng này.

Tập thói quen ghi chép

Ghi chép sẽ giúp bộ não giảm tải khả năng ghi nhớ. Nếu bận rộn nhiều việc và hay quên thì ghi chép được coi là biện pháp an toàn nhất và tạm thời đẩy lùi bệnh hay quên ở người trẻ tuổi trong thời gian ngắn nhất.

Nó là công cụ ép buộc não bộ phải “nhập tâm”, giúp chúng ta kiểm soát và bao quát công việc tốt nhất. Ghi từng công việc cụ thể ra giấy, thực hiện như thế nào, thời gian ở đâu, việc nào quan trọng được ưu tiên trước…

Như thế chúng ta có thể nhớ được gần như 100% những việc cần làm, dễ dàng giải quyết và không bỏ sót bất kỳ một thông tin cần thiết nào về chúng.

Tập thói quen ghi chép, sống ngăn nắp, khoa học là cách khắc phục chứng hay quên ở người trẻ (Ảnh minh họa)

Tập thói quen ghi chép, sống ngăn nắp, khoa học là cách khắc phục chứng hay quên ở người trẻ (Ảnh minh họa)

 

Duy trì nếp sống ngăn nắp, khoa học

Trong cuộc sống, chúng ta nên sắp xếp đồ vật ngăn nắp, có trật tự để dễ nhớ, dễ tìm không chỉ bớt được thời gian tìm kiếm khi cần mà còn tránh trường hợp bị thất lạc, rối tung và đầu óc bị phân tán tư tưởng.

Ngoài ra, để giúp não không phải chịu nhiều áp lực từ hoạt động hàng ngày, chúng ta hãy luôn có kế hoạch làm việc hàng ngày, hàng tuần cụ thể để thực hiện và đánh giá nhằm tránh bỏ sót các công việc đã được giao phó.

Nên tránh ôm đồm nhiều việc cùng lúc, hãy cố gắng làm xong một việc rồi mới đến việc khác. Khi làm việc nhớ tập trung, chú ý, không nên lơ đãng, phân tâm bởi những chuyện vặt khác.

Ăn uống đầy đủ 

Để đẩy lùi bệnh hay quên ở người trẻ tuổi thì việc thực hiện một chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý là điều vô cùng quan trọng.

Các chuyên gia y tế khuyên: Trong bữa ăn hàng ngày nên bổ sung cá, súp lơ, rau chân vịt, cà chua, cải xanh, giá đỗ, bắp cải, trứng…vào khẩu phần ăn, đây là những thực phẩm chứa nhiều vitamin nhóm B, C, E và khoáng chất giúp tăng khả năng tập trung và tăng cường trí nhớ.

 

Đồng thời chúng ta nên chú ý tăng cường ăn nhiều hoa quả như táo, lê, cam, quýt, bưởi, dâu… bởi chúng rất giàu vitamin C giúp cải thiện tâm trạng, tăng cường sức đề kháng, chống ôxy hóa và giúp não bộ minh mẫn, sáng suốt hơn.

Ngủ đủ giấc, tập thể dục và hít thở không khí trong lành

Khi stress, não bộ sẽ chỉ đạo tuyến thượng thận tiết ra hormone adrenalin. Stress kéo dài sẽ khiến tuyến thượng thận mệt mỏi (adrenal fatigue) vì phải tiết nhiều hormone adrenaline.

Khi tuyến thượng thận mệt mỏi, người bệnh sẽ cảm thấy lo âu, chán nản, thậm chí là mất trí nhớ. Bởi vậy, để cải thiện trí nhớ bạn cần thực hiện các biện pháp giảm stress như ngủ đủ giấc, tập thể dục điều độ, thiền và hít thở không khí trong lành.

Hạn chế rượu bia và thuốc lá

Đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn. Nếu uống nhiều bia rượu, bạn có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn những người khác.

Cathryn Ramin - tác giả cuốn Carved In Sand, cho biết: “Rượu có thể làm tổn thương vùng hồi hải mã (hipppcampus). Đây là một phần của não trước và nằm bên trong thùy thái dương. Nó có chức năng lưu giữ thông tin và hình thành ký ức trong trí nhớ dài hạn. Những người uống rượu bia dễ bị mất trí nhớ tạm thời do chất cồn tác động đến đồi hải mã, khiến nó mất khả năng ghi nhận và tạo ra ký ức mới”.

Những người hút thuốc lá cũng dễ bị tổn thương thùy trán, bởi vậy bạn nên hạn chế hút thuốc lá.