22/11/2024 | 02:53 GMT+7, Hà Nội

Bệnh xương khớp đang tấn công người trẻ

Cập nhật lúc: 28/11/2017, 15:00

Dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng với 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80 bị thoái hóa khớp, bệnh này đang thách thức ở Việt Nam.

Bệnh nhân Phan Phương B. (25 tuổi, ngụ tại Hà Nội) là nhân viên văn phòng của một công ty dược. Do tính chất công việc nên anh B. phải ngồi trước máy tính liên tục 8 tiếng/ngày.

Thời gian gần đây, anh cảm thấy bị đau cổ, gáy, kèm tê tay trái. Người bệnh được chỉ định chụp X-quang cột sống cổ, thấy thoái hóa cột sống, được điều trị thuốc giảm đau, giãn cơ kết hợp nghỉ ngơi tích cực nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm.

Sau đó, anh B. chụp MRI, phát hiện bị thoái hóa đốt sống cổ nên được chỉ định phẫu thuật. Sau điều trị, anh được tập vật lý trị liệu, hiện tình trạng ổn định.

Hai tháng trước, chị Vũ Cẩm T. - Phó phòng vật tư của một công ty kinh doanh thiết bị cửa cuốn ở Hà Nội bị tê mỏi chân âm ỉ. Chị cảm thấy đau buốt khi chạy nhảy, co duỗi đầu gối cũng khó khăn. Chị thử ngâm chân với nước muối nóng, đi massage, uống thuốc giảm đau nhưng vẫn không khỏi.

Bác sĩ chẩn đoán chị T. bị thoái hóa khớp gối phải. Nữ bệnh nhân tỏ vẻ bất ngờ: "Tôi mới 32 tuổi, sao có thể mắc bệnh của người già?". Tập luyện và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, chị thấy bệnh đỡ hơn.

Ngày càng nhiều bạn trẻ, nhất là nhân viên văn phòng mắc bệnh liên quan đến xương khớp.

Ngày càng nhiều bạn trẻ, nhất là nhân viên văn phòng mắc bệnh liên quan đến xương khớp.

Lý giải tình trạng trẻ hóa độ tuổi bị thoái hóa khớp, bà Lê Anh Thư - Phó Chủ tịch Hội thấp khớp học Việt Nam cho rằng, thói quen ít vận động là một trong những nguyên nhân gây trẻ hóa thoái hóa khớp.

Trong cuộc sống hiện đại, làm việc gì cũng có máy móc và phương tiện hỗ trợ nên người trẻ ngày càng ít vận động. Điều này khiến cho nhiều bộ phận trên cơ thể rất dễ bị thoái hóa chứ không riêng gì xương khớp.

Hiện nay bệnh lý cơ xương khớp đang gia tăng rất nhanh tại Việt Nam, và người bệnh ngày càng trẻ hóa. Thế nhưng rất ít người từ độ tuổi 30 trở lên có kiến thức căn bản về cách nhận biết cũng như phối hợp với chuyên viên y tế để được điều trị tốt nhất khi bệnh còn trong giai đoạn khởi phát.

Theo các chuyên gia, đau là triệu chứng nổi trội của bệnh lý cơ xương khớp. Đau làm cho người bệnh bị hạn chế vận động, từ đó giới hạn sinh hoạt thường ngày, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, bệnh cơ xương khớp đang gặp nhiều nhất trong cộng đồng với các biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể để lại di chứng nặng nề ảnh hưởng đến chức năng vận động và lao động.

Tại Việt Nam, các bệnh cơ xương khớp có tỷ lệ cao nhất là thoái khóa khớp, gút, bệnh lý phần mềm, viêm gân, bệnh khớp và cột sống, thoát vị đĩa đệm, loãng xương, đau thần kinh tọa... Các bệnh thấp khớp cùng có thể có tổn thương nội tạng. Bệnh xương khớp đang là vấn đề cần được quan tâm ở Việt Nam.

Các biến chứng của bệnh chủ yếu do chẩn đoán muộn và điều trị không đúng do đó nhận biết và chẩn đoán, điều trị sớm rất quan trọng. Tuy nhiên ngay cả đối với các bác sĩ chuyên khoa đây vẫn là vấn đề khó khăn do nhận thức của người dân về bệnh này chưa đúng và đầy đủ.

Hiện nay, có 7 nguyên nhân gây thoái hóa khớp, trong đó nguyên nhân chính là tuổi tác, cân nặng. Với vấn đề cân nặng, trung bình, khi cơ thể tăng 1kg thì mức độ chống đỡ của khớp sẽ là 3 - 4kg. Người dân hoàn toàn có thể kiểm soát cân nặng bằng nhiều cách, trong đó, quan trọng nhất là hạn chế sử dụng thức ăn nhanh.

Điều đặc biệt là các căn bệnh liên quan đến cơ, xương, khớp thường phát triển vào mùa lạnh hoặc những khi thời tiết thay đổi.

Bởi vậy, việc chủ động phòng bệnh, bảo vệ cơ, xương, khớp trong mùa đông là điều rất quan trọng, đáng chú ý là xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý.