Các trường THCS, THPT Hà Nội đồng loạt đón học sinh trở lại
Cập nhật lúc: 03/05/2020, 19:19
Cập nhật lúc: 03/05/2020, 19:19
Hoạt động khử khuẩn tại các khu vực chung
Tập huấn kỹ công tác phòng chống dịch
Trước hiệu quả cao trong việc phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội từ đầu mùa dịch, đến thời điểm này, đa số phụ huynh đều nhìn nhận việc cần thiết ổn định học tập cho con em mình, đặc biệt là các lớp cuối cấp. “Tôi liên tục theo dõi việc học sinh đi học trở lại trên toàn quốc. Dù sốt ruột, nhưng tôi cho rằng với tình hình phức tạp ở Hà Nội thì việc tới trường của học sinh phải được tính toán kỹ lưỡng. Tôi ủng hộ việc ưu tiên cho học sinh THCS, THPT đi học trước, nhưng với điều kiện các trường cần đảm bảo khoảng cách an toàn, tuân thủ đúng quy tắc vệ sinh phòng chống dịch Covid-19. Giáo viên và học sinh cũng cần phải được tập huấn kỹ về bảo vệ bản thân, ý thức phòng chống dịch” - anh Nguyễn Xuân Khanh, phụ huynh học sinh trường THCS Mai Động, Hoàng Mai chia sẻ.
Sở GD-ĐT cũng ban hành bộ 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong trường học, nêu rõ những yêu cầu bắt buộc đối với các nhà trường như: 100% học sinh phải khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt hàng ngày trước khi đến lớp; học sinh phải đeo khẩu trang theo quy định và bảo đảm giãn cách trong và ngoài lớp học; trường học phải có phòng y tế, phòng cách ly; giáo viên phải được tập huấn về kỹ năng xử lý khi có học sinh bị sốt, ho, khó thở… Đặc biệt, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường phải xây dựng kịch bản khi tổ chức các hoạt động trong nhà trường.
“Hà Nội đã thực hiện rất tốt việc ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, đặc biệt khi có tới gần 2 triệu học sinh bắt đầu trở lại trường. Chúng tôi hiểu rằng, mỗi gia đình trước tiên cần quan tâm tới con em mình bằng việc trang bị và tuân thủ các yêu cầu, quy định phòng chống dịch. Nhưng với lứa tuổi học trò, các con vẫn cần có sự nhắc nhở thường xuyên, nghiêm khắc của thầy cô về giữ an toàn cho bản thân lẫn cộng đồng. Việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không sử dụng chung các vật dụng cá nhân thì chỉ có thầy cô mới giám sát được. Đây sẽ là công việc lâu dài chứ không chỉ vài ngày đối phó cho có” - chị Phan Minh Hằng, phụ huynh học sinh trường THCS Cát Linh, Đống Đa nhấn mạnh.
Có thể thấy vai trò của nhà trường trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa dịch Covid-19 đặc biệt quan trọng. Cần có phương án, kế hoạch cụ thể, đặc biệt với các trường tổ chức đưa đón học sinh bằng xe buýt và ăn bán trú. Chia sẻ về biện pháp sẽ triển khai trong tuần đầu học sinh tới trường, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring (Long Biên) cho biết, trường đã tập huấn công tác phòng chống dịch theo từng phòng, ban. Theo đó, giáo viên, nhân viên được hướng dẫn, phổ biến các biện pháp, quy trình phòng chống dịch. Từ đó nghiêm túc thực hiện và phổ biến, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện của học sinh theo quy định. Được biết, nhà trường đã bổ sung thêm các thiết bị y tế như 100 máy đo thân nhiệt điện tử, khẩu trang, nước rửa tay khô, máy phun khử khuẩn, đồ bảo hộ. Trường cũng đầu tư lắp đặt camera tầm nhiệt ở cổng đón học sinh ngay trong dịp lễ 30-4 và 1-5 để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.
Đối với việc đưa đón học sinh và ăn bán trú, trường Wellspring còn đưa ra các biện pháp an toàn như đảm bảo xe ô tô đưa đón được phun khử khuẩn trong và ngoài hàng ngày. Nhân viên quản lý trên xe sẽ kiểm tra trực quan tình trạng sức khỏe lâm sàng và yêu cầu học sinh đeo khẩu trang trước khi lên xe. Tại cổng trường, nhà trường sẽ bố trí cán bộ đo thân nhiệt học sinh và có bộ phận tiếp nhận xử lý các tình huống nếu phát hiện trường hợp học sinh có dấu hiệu ho sốt… Trường cũng lên kế hoạch giờ ăn trưa được chia thành 2 ca. Học sinh rửa tay trước khi ăn, xếp hàng và đứng đúng vị trí quy định, đeo khẩu trang khi nhận suất ăn, chỉ bỏ khẩu trang trong khi ăn. Tại các bàn ăn có lắp đặt thêm các vách chắn mica, mỗi bàn tối đa 6 học sinh.
Mỗi lớp được phát nước rửa tay khô và khẩu trang
Lên kịch bản, diễn tập xử lý các tình huống
Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi Phòng giáo dục và đào tạo của 30 quận/huyện/thị xã, các trường, yêu cầu chuẩn bị điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại vào đầu tuần tới. Sở cũng ban hành bộ 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong trường học, nêu rõ những yêu cầu bắt buộc đối với các nhà trường như: 100% học sinh phải khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt hàng ngày trước khi đến lớp; học sinh phải đeo khẩu trang theo quy định và bảo đảm giãn cách trong và ngoài lớp học; trường học phải có phòng y tế, phòng cách ly; giáo viên phải được tập huấn về kỹ năng xử lý khi có học sinh bị sốt, ho, khó thở…
Đặc biệt, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường phải xây dựng kịch bản khi tổ chức các hoạt động trong nhà trường. Kịch bản này phải được tổ chức diễn tập để thống nhất xử lý theo từng tình huống. Thực hiện yêu cầu của Sở GD-ĐT Hà Nội, trường THPT Phúc Lợi (Long Biên) đã lên kế hoạch cho toàn bộ học sinh lớp 12 đi học trở lại vào 4-5. Lớp 12 trường này sẽ được bố trí học giãn cách chia làm 2 ca. Học sinh lớp 10, 11 vẫn học trực tuyến và truyền hình. “Mọi thiết bị y tế cần thiết phục vụ học sinh khi đi học trở lại đều đã hoàn thành. Nhà trường trang bị 2.000 khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, nhiệt kế điện tử đầy đủ cho từng lớp học. Việc sát khuẩn toàn trường vẫn được triển khai thường xuyên” - thầy Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Để chủ động chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại từ 4-5, cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm) cho biết, chiều 29-4 nhà trường tổ chức họp hội đồng phổ biến kế hoạch chi tiết việc đi học trở lại của các khối lớp cũng như lịch dạy học bắt buộc phải thay đổi theo yêu cầu tách lớp, đảm bảo giãn cách. “Chúng tôi bố chí học sinh khối 11 học cách nhật vào các ngày thứ 3 - 5 - 7. Những ngày còn lại sẽ học trực tuyến. Tương tự với học sinh lớp 10, nhà trường đã lên kế hoạch học tập trung ở trường vào các ngày thứ 2 - 4 - 6. Ngày còn lại trong tuần các em vẫn học trực tuyến. Tuy nhiên, nhà trường sẽ ưu tiên để học sinh được học trên lớp các môn có nhiều tiết như Văn, Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý” - cô Quỳnh nói.
Nhân viên lấy đồ ăn đeo khẩu trang và găng tay, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bên cạnh phòng chống lây nhiễm Covid-19
Riêng khối 12 là đối tượng cần được ưu tiên để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, các em được bố trí học 4 tiết/ngày tại trường vào tất cả các buổi sáng. Bắt đầu từ tuần tới, học sinh khối 12 sẽ được tách lớp để đảm bảo khoảng cách an toàn. Với số phòng học là 30, nhà trường đảm bảo đủ lớp cho học sinh khối 12, nhưng giáo viên sẽ phải nhân đôi số tiết dạy nên phải bố trí lại toàn bộ lịch dạy học. Đặc biệt, đối với môn thể dục khối 12, thầy cô sẽ mua đề can, đánh dấu các vị trí tập trên sân với khoảng cách 2m. “Mặc dù việc bố trí học tập trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 khá phức tạp, nhiều yêu cầu phải đáp ứng để đảm bảo các tiêu chí về an toàn học đường, nhưng các thầy cô đều hết sức nỗ lực, lên kế hoạch cụ thể để các em có thể bắt nhịp sớm nhất”- Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến: Họp trực tuyến với phụ huynh trước khi cho học sinh đến trường
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc đón học sinh đi học trở lại, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu tất cả các trường trên địa bàn thành phố thực hiện chỉ đạo của UBND TP về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Trước thắc mắc về việc sĩ số lớp học nhiều trường quá đông, khó thực hiện quy định về việc đảm bảo giãn cách, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn cụ thể. Việc giãn cách trong trường hoàn toàn do nhà trường quyết định, trên cơ sở thực tế và đảm bảo an toàn phòng dịch cho học sinh và giáo viên.
Bên cạnh đó, để phụ huynh yên tâm, nắm rõ tình hình và phối hợp tốt nhất với nhà trường, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu trước khi học sinh trở lại học tập, các trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tổ chức họp trực tuyến với phụ huynh để triển khai, thống nhất sự phối hợp trong quản lý, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, yêu cầu tất cả học sinh đeo khẩu trang từ nhà đến trường, trong thời gian học ở trường cho tới khi về nhà, hạn chế đi lại…
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Giúp học sinh duy trì thói quen bảo vệ sức khỏe trước dịch Covid-19
Theo tôi, hiện các trường đều đang tập trung ưu tiên tổ chức học tập cho học sinh khối 12, trong đó mỗi lớp được tách làm 2 nhóm, bảo đảm yêu cầu về giãn cách giữa các học sinh. Học sinh khối 10 và 11 cũng được tách lớp, song được bố trí học lệch giờ và đan xen giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tuy nhiên, việc giãn cách lớp học chỉ là 1 trong nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Phụ huynh có thể yên tâm và phối hợp với nhà trường cùng triển khai việc hình thành cho các em thói quen văn minh trong phòng chống dịch bệnh. Với lứa tuổi học sinh THPT, nhà trường là nơi có biện pháp tốt nhất để tuyên truyền, hướng dẫn thói quen duy trì nhiều biện pháp để phòng chống dịch một cách lâu dài như: tự theo dõi sức khỏe, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người lạ trên đường đi học và từ trường về nhà. Đây là cách tốt nhất khi dịch Covid-19 chưa thể được xử lý hoàn toàn và hạn chế tâm lý chủ quan, đối phó.
16:00, 03/05/2020
15:00, 03/05/2020
14:00, 03/05/2020