23/11/2024 | 17:19 GMT+7, Hà Nội

Cá tra Việt Nam còn nhiều dư địa trên thị trường Mỹ

Cập nhật lúc: 03/10/2023, 16:03

Xu hướng thay thế các loại cá thịt trắng khai thác tự nhiên bằng cá tra với giá hợp lý tác động đến tiềm năng tiêu thụ ngành cá tra thời gian tới.

Việt Nam chiếm 18% tổng nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến 15/9/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 195 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 16% tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường.

Tính riêng tháng 8/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 25 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 38% so với tháng trước đó. Mức sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái đã thu hẹp dần từ tháng 5/2023, mức sụt giảm các tháng 5,6,7,8 lần lượt là 53%, 51%, 43%, và 24%.

Cá tra Việt Nam còn nhiều dư địa trên thị trường Mỹ
 

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, Mỹ là thị trường quan trọng và tiêu thụ nhiều cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2022, nhập khẩu cá tra từ Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh khiến lượng tồn kho ở Mỹ tăng cao. Do vậy, những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ liên tục chứng kiến tăng trưởng âm.

Giá trung bình xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 8 đạt 2,92 USD/kg, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm nay. Mức giá này giảm 5% so với tháng trước đó.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 7 tháng đầu năm 2023, Mỹ nhập khẩu hơn 1 tỷ USD cá thịt trắng từ thế giới và nhập khẩu hơn 199 triệu USD từ Việt Nam. Việt Nam chiếm 18% tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm cá thịt trắng của Mỹ. Trung Quốc là nguồn cung lớn nhất cho Mỹ, chiếm 45% thị phần.

Còn nhiều dư địa trên thị trường Mỹ

Tại hội thảo quốc tế ngành cá tra 2023 do VASEP tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm VIETFISH 2023, ông Arno Willemink – Giám đốc vận hành De Heus Việt Nam cho rằng, cá tra với giá hợp lý đang dần thay thế các loại cá thịt trắng khai thác tự nhiên. Đây là xu hướng chung tác động đến tiềm năng tiêu thụ ngành cá tra thời gian tới.

Cá tra Việt Nam còn nhiều dư địa trên thị trường Mỹ
 

Kết quả khả quan sau đợt thanh tra FSIS của Mỹ và kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ từ ngày 1/8/2021 đến 31/7/2022, đã giúp tạo tâm lý tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu. 

Hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam là bị đơn bắt buộc gồm CTCP Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn Corp) và CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) được hưởng mức thuế lần lượt là 0 USD/kg và 0,14 USD/kg.

Các doanh nghiệp khác cũng hưởng thuế 0,14 USD/kg là I.D.I CORP, CTCP Thủy sản Cafatex, CTCP Thủy sản Lộc Kim Chi và CTCP Hùng Vương.

VASEP đánh giá mức thuế sơ bộ lần này giảm so với mức thuế chống bán phá giá 2,39 USD/kg vào tháng 9/2022, áp dụng cho hầu hết doanh nghiệp trong diện điều tra. Điều này đã tạo tâm lý tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau thời gian dài rà soát đã chính thức công nhận trình độ sản xuất, chế biến ngành cá tra Việt Nam đã tương đương với Mỹ, trong đó có nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, cùng với sự công nhận này, sự kiện Tổng thống Joe Biden có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam trong tháng 9 vừa qua, đồng thời nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức cao nhất “Đối tác Chiến lược Toàn diện” sẽ mở thêm nhiều cơ hội cho thủy sản Việt Nam trong đó có cá tra tại thị trường tiêu thụ quan trọng này.

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/ca-tra-viet-nam-con-nhieu-du-dia-tren-thi-truong-my-110035.html