04/05/2024 | 04:34 GMT+7, Hà Nội

Xuất khẩu tôm có nhiều cơ hội tại thị trường Mỹ, EU

Cập nhật lúc: 24/03/2022, 18:30

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn chung nhu cầu thị trường tôm sẽ phục hồi, song sẽ khó thực hiện các hợp đồng dài hạn, trung hạn, chuyển sang hợp đồng ngắn hạn, đơn lẻ.

Năm 2022, Mỹ vẫn sẽ là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam

Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ phải đối diện một số thách thức mới. Điều tra của Liên minh thủy sản toàn cầu (GAA) cho thấy, sản lượng tôm của thế giới năm 2021 tăng khoảng 8,9% so với năm 2020 và dự đoán năm 2022 vẫn tiếp tục tăng. Điều này sẽ gây ra những tác động rất lớn đối với ngành tôm Việt Nam.

Xuất khẩu tôm có nhiều cơ hội tại thị trường Mỹ, EU. Ảnh TL
Xuất khẩu tôm có nhiều cơ hội tại thị trường Mỹ, EU. Ảnh TL

Cụ thể, cạnh tranh tại thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam trở nên gay gắt hơn; giá tôm nguyên liệu thế giới có xu hướng giảm sẽ gây áp lực lớn cho ngành tôm Việt Nam. Bên cạnh đó, thách thức còn đến từ sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm NK ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm.

Mỹ là thị trường điểm sáng của tôm Việt Nam năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường điểm sáng của các quốc gia xuất khẩu tôm khác như: Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Việt Nam có thế mạnh về tôm tẩm bột, nhưng đối với tôm nguyên vỏ và lột vỏ thì Ấn Độ, Indonesia và Ecuador chiếm thị phần lớn.

“Năm 2022, Mỹ vẫn sẽ là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Tận dụng lợi thế về thuế chống bán phá giá đang là 0%, các DN tiếp tục đẩy mạnh XK tôm vào thị trường này khi nhu cầu thị trường còn rất lớn”, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhấn mạnh. 

Với thị trường EU, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu tôm vào EU giảm trong quý 3/2021 và bắt đầu tăng mạnh trở lại trong quý 4/2021, phần lớn là xuất khẩu tôm cỡ nhỏ. Năm 2022, nhu cầu tiêu thụ tôm tại thị trường EU bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt tại Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ,... Đối thủ lớn nhất của tôm Việt Nam tại EU là Ecuador, tuy nhiên tôm Việt Nam có thế mạnh ở những sản phẩm chế biến sâu với size vừa và nhỏ.

Những khó khăn, thách thức

Đại diện Tổng cục Thuỷ sản nêu rõ, tồn tại, thách thức không nhỏ mà ngành tôm Việt phải đối mặt là tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất.
Về tổng thể, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện); giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao.

Bên cạnh đó, công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao; mặc dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp. Khu vực nuôi tôm quảng canh cần có những đột phá về giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, về con giống (cần con giống có khả năng kháng bệnh, tăng trưởng nhanh).

Cần đồng bộ các giải pháp cho xuất khẩu tôm

Về mục tiêu xuất khẩu tôm 3,9 - 4 tỷ USD trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị phải phối hợp với địa phương triển khai hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Ngoài ra, cần tập trung quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường của ngành tôm cũng như nhân rộng, khuyến khích các mô hình sản xuất hiệu quả. Bên cạnh đó, lưu ý đẩy mạnh quản lý số, xây dựng mã số vùng nuôi, ao nuôi cũng như thông số để truy xuất nguồn gốc.

“Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần chủ động đánh giá thị trường, đề ra giải pháp kịp thời để người dân có kế hoạch sản xuất phù hợp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu và cho biết các đơn vị chức năng của Bộ cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu và các đơn vị chức năng cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả; phát triển các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Nguồn: https://congluan.vn/xuat-khau-tom-co-nhieu-co-hoi-tai-thi-truong-my-eu-post186263.html