19/01/2025 | 15:32 GMT+7, Hà Nội

Cá tra đối diện thách thức mới

Cập nhật lúc: 29/01/2019, 21:31

Vừa kết thúc ngoạn mục chặng cuối năm 2018, ngành hàng cá tra đánh dấu phá vỡ kỷ lục trong 20 năm qua về kim ngạch xuất khẩu, sản lượng và giá trị.

Tuy nhiên vào đầu năm 2019 cá tra Việt Nam sẽ phải đương đầu với nhiều đối thủ cạnh tranh mới, đòi hỏi phải nỗ lực hơn trong xây dựng hình ảnh, tăng sức cạnh tranh…

“Không ngủ quên trong chiến thắng”

13-25-56_che_bien_c_tr_xut_khu_o_dbscl_-_nh_vt
Chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (Vinapa), nhận định: Thành công lớn nhất trong năm 2018 ngành hàng cá tra đã đột phá về giá trị xuất khẩu với việc vượt mốc trên 2 tỷ USD, sản lượng nguyên liệu đạt trên 1,3 triệu tấn, giá cá tra nguyên liệu đạt ở mức cao trên 35.000đ/kg. Xuất khẩu phát tín hiệu khả quan, thị trường Trung Quốc tăng cao, cùng lúc thị trường Mỹ với thuế chống bán phá giá sơ bộ POR 14 thấp hơn cũng như Cục kiểm tra An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công nhận và đề xuất công nhận cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất sang thị trường Mỹ.

TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Vinapa dự báo: Sang năm 2019 ngành hàng cá tra sẽ còn tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên thách thức rất lớn là thị trường cá tra Việt nam “không còn một mình một chợ”. Sắp tới thị trường tiêu thụ cá tra sang Trung Quốc có thể sẽ không tăng mạnh, do chính phủ nước này kiềm chế việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch và mở cho xuất chính ngạch. Nhìn lại trong vài năm gần đây thị trường cá tra được Trung Quốc và Hồng Kông tiêu thụ mạnh, có thời điểm cá tra Việt Nam không đủ cung cấp. Vì vậy hiện thời có một số vùng ở Trung Quốc bắt đầu đổ xô nuôi cá tra và được chính phủ nước này hỗ trợ. Tương tự, Myanmar có vùng nước khả năng mở ra nuôi cá mênh mông. Tính toán như vậy nếu giá cá tra trên thị trường còn tiếp tục tăng sẽ kích thích các nước khác có điều kiện nhắm tới đối tượng nuôi mới cá tra để mưu tìm lợi nhuận.

Về mặt nội tại vùng nuôi, trước sức hút cá tra nguyên liệu đang trên đà tăng mạnh và có giá tốt trong năm qua đã kéo một số người từng nuôi cá bỏ nghề trước đây đang quay trở lại. Sự toan tính chạy theo lợi nhận nhất thời dễ dẫn tới khả năng mất cân đối cung - cầu và người nuôi cá sẽ gánh hậu quả thua lỗ như đã từng xảy ra. Do đó, theo TS Dũng, sắp tới giá cá tra có thể giảm nhưng ngay từ bây giờ cần phải làm thế nào tăng sức chịu đựng cho cá tra và có chiến lược cạnh tranh. Sản lượng giữ ổn định theo nhu cầu thị trường nhưng chất lượng cá tra phải tìm giải pháp nâng cao; tận dụng tối đa lợi thế về nguồn nước vùng nuôi, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh, giữ đà tăng trưởng.

Bắt mạch từ thị trường

Theo nhận định của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trong ngành hàng cá tra, điểm lại Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mới nổi, giá trị và cơ cấu kim ngạch xuất khẩu ngày càng có xu hướng tăng dần. Từ năm 2014 với mức 6,4% (năm 2015 là 10,3%, năm 2016 là 17,8%) đến năm 2017 Trung Quốc vượt qua Mỹ vươn lên dẫn đầu đạt 23% và năm 2018 đạt 23,5%. Cùng với các hoạt động xúc tiến sang Trung Quốc không chỉ ở vùng duyên hải mà vào sâu trong nội địa (Hồ Bắc, Tứ Xuyên). Mặc dù là thị trường lớn nhưng Trung Quốc đang là điểm nóng thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy việc kiểm soát hàng hóa qua tiểu ngạch là một vấn đề đang đặt ra và thị trường Trung Quốc đòi hỏi sản phẩm cá tra phải đảm bảo chất lượng và đang chuyển dần theo những tiêu chuẩn khắt khe (BAP, GlobalGAP, ASC…).

13-25-56_che_bien_c_tr_xut_khu_-_nh_hd
Chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL

Đối với EU và Mỹ vẫn là hai thị trường chính xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam, luôn chiếm trên 45% tỷ trọng xuất khẩu. Tuy vậy qua vài năm gần đây, cá tra xuất sang thị trường EU sụt giảm: Năm 2012 từ chiếm tỷ trọng 24% xuống 10% năm 2018. Một phần do yếu tố năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến cá tra so với các doanh nghiệp quốc tế đang kinh doanh các loài cá thịt trắng như cá tuyết, cá Alaska pollock và cá ngừ, cá hồi… Bên cạnh đó do các rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm mới từ khâu nuôi trồng đến chế biến, sản phẩm cá tra luôn phải tạo dựng hình ảnh ở vùng nuôi sạch theo chuẩn mực tương đồng với các nước tiên tiến, nhằm đối phó với truyền thông nói xấu.

Trong 2 năm qua điểm mới xuất hiện là cá tra đang được người Nhật khá ưa chuộng và dần trở thành một trong những sản phảm thay thế cho lươn vốn đang ngày càng cạn kiệt. Dấu hiệu tăng lên từ năm 2017 cá tra xuất sang Nhật đạt 23,4 triệu USD (chiếm 1,31% tỷ trọng), đến 15/10/2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Nhật Bản đã đạt 25,43 triệu USD (chiếm 1,5% tỷ trọng).

Với những nét phác họa viễn cảnh trong năm mới, để tiếp tục hỗ trợ tăng năng lực ngành hàng cá tra thâm nhập và đứng vững tại các thị trường trọng điểm cần có một chiến lược với tầm nhìn sâu rộng thông qua nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng, đầy đủ và tạo được hình ảnh đáng tin cậy cho các sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời chuẩn bị tăng năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu cá nguyên liệu tăng cao trong những năm tới cần có sự trợ lực từ các cơ quan chuyên ngành, ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu sản xuất giống, thức ăn.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Vinapa cho rằng: Muốn cải thiện chất lượng ngành hàng cá tra sẽ tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống như quy trình ương, sử dụng chế phẩm sinh học, vacxin để tăng sức đề kháng, kháng bệnh cho cá giống; trong khâu nuôi cá thương phẩm phải gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường qua các giải pháp xử lý chất thải, ứng dụng IoT trong kiểm soát môi trường tự động để nâng cao năng suất, đồng thời hạ giá thành sản phẩm, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường nhằm tăng sức cạnh tranh.

Năm 2018 diện tích vùng nuôi cá tra mới 3.819ha; diện tích thu hoạch đạt 4.107ha; sản lượng đạt 1,31 triệu tấn. Diện tích nuôi mới và thu hoạch đều tăng so năm 2017. Năng suất nuôi cá tra năm 2018 đạt trung bình 319 tấn/ha (năm 2017 – 308 tấn/ha); Giá cá tra nguyên liệu năm 2018 mức cao 28.500 - 36.000 đ/kg và hiện dao động mức 27.000 đ/kg. Trong khi năm 2017 mức cao chỉ khoảng 24.000 - 27.000 đ/kg.