19/01/2025 | 09:22 GMT+7, Hà Nội

Cả nước có trên 14 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Cập nhật lúc: 06/01/2022, 09:18

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, cả nước thành lập mới 1.640 doanh nghiệp nông nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là về lĩnh vực thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ với các địa phương tạo điều kiện, thuận lợi nhất để các doanh nghiệp được đầu tư vào khu vực nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT cũng sẽ định hướng về những mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh, tiềm năng, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm mà ngành Nông nghiệp có thể tham gia hỗ trợ doanh nghiệp...

Cả nước có 14.400 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. (Ảnh minh họa)
Cả nước có 14.400 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Thời điểm này, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm đã tăng tốc để đáp ứng đơn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang tăng cao của người dân dịp Tết Nguyên đán. Ngành Nông nghiệp cũng phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương tạo cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường kết nối, tiêu thụ nông sản với giá thành phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích.

Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Duy cho hay, dự báo nhu cầu sản phẩm nông nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ tăng so với năm trước. Cụ thể: Lúa gạo 43,86 triệu tấn (tăng 2%), thịt các loại 6,2 triệu tấn (tăng 14,8%), trứng 16 tỷ quả (tăng 10%), thủy sản 8,73 triệu tấn (tăng 1%), rau 1,8 triệu tấn (tăng 1,7%)... Do vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần tập trung sản xuất, chế biến bảo đảm nguồn cung phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, thành phố hiện có 835 doanh nghiệp sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản. Từ vài tháng trước, các đơn vị này đã tăng cường thu mua, dự trữ nguyên liệu; đẩy mạnh sản xuất, lưu kho sản phẩm; đồng thời bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Hiện tại, giá cả hàng hóa trên thị trường tương đối ổn định, nhưng vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu tăng cao, giá cả có thể “leo thang” và an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ trở thành vấn đề “nóng”. Do đó, ngành Nông nghiệp lưu ý các doanh nghiệp phải theo dõi sát nhu cầu tiêu dùng và cung ứng cho thị trường các sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý, các tỉnh, thành phố cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với giá thành tốt nhất… từ đó, đẩy mạnh tiêu thụ. Các địa phương cũng nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt kết quả cao nhất.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ca-nuoc-co-tren-14-nghin-doanh-nghiep-dau-tu-vao-linh-vuc-nong-nghiep-62857.html