Buồn - vui ứng xử trong dịch bệnh
Cập nhật lúc: 08/02/2020, 20:06
Cập nhật lúc: 08/02/2020, 20:06
Trong khi đó, có những em bé mới 11 tuổi, sẵn sàng bỏ toàn bộ số tiền mừng tuổi mua khẩu trang và xếp bàn, đứng chỗ đông người để phát miễn phí cho người dân. Bức tranh ứng xử văn hóa trong những ngày đang diễn ra dịch bệnh xen kẽ bao nỗi buồn vui.
Trục lợi kinh doanh
Năm 2008, khi Thủ đô Hà Nội lụt lội, xe chết máy hàng loạt. Lẽ ra thấy người gặp hoạn nạn thì cùng xúm vào giúp đỡ, đằng này các cửa hàng sửa xe chém đẹp các bà các cô: 20.000 đồng/1 lần thổi bugi trong khi giá thị trường lúc đó chỉ khoảng 2.500 đồng/1 lần thao tác tương tự. Ngày Tết đi lại xe đò cũng tăng giá 200%, thậm chí 300% giá vé thường ngày mà chất lượng dịch vụ có lẽ không bằng. Và bây giờ là khẩu trang y tế ém hàng, tăng giá… nhằm trục lợi từ trong hoạn nạn.
“Thật sự là không bàn phím nào tả xiết cái sự bất nhẫn của những con người như thế” - tài khoản Minh Chiến bàn luận trên cộng đồng mạng xã hội. Dịch viêm phổi cấp chính là “thủ phạm” đứng đằng sau cơn sốt khẩu trang và nước xịt tay khử trùng, vốn là hai vật dụng được giới y khoa khuyến cáo cần sử dụng để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm virus corona ở nơi đông người. Cơn sốt xảy ra ở các cửa hàng bán thuốc, đến siêu thị, rồi hệ thống bán hàng trên mạng. Giá bán bị đẩy cao hơn giá thực gấp 3 - 4 lần, thậm chí là 7 - 8 lần, nhưng vẫn khan hàng, khó mua. Chuyện bắt đầu từ một số nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội rục rịch tăng giá, rồi đến bán giá “cắt cổ” 300.000 đồng/ hộp khẩu trang 50 cái (trong khi giá thực chỉ 50.000 đồng/ hộp).
Sau Hà Nội, căn bệnh tăng giá mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay lan đến: Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương... Và rồi, trên các trang mạng cá nhân, xưa kia bán hải sản, giày dép… nay cũng chuyển đổi sang kinh doanh khẩu trang, nước xịt rửa tay. Chưa dừng ở đó, các “con buôn” của chợ thuốc Hapulico lớn nhất Hà Nội đã ra chiêu độc, “kêu gọi” ngừng bán khẩu trang, nước sát khuẩn. Sau một đêm, hầu như các quầy thuốc ở đây đồng loạt treo biển “Hết hàng, đừng hỏi”.
Bản chất của “con buôn” không phải bây giờ mới lộ mặt. Trớ trêu, sự thật ngang trái ấy diễn ra ngay trong xã hội văn minh, như thể thách thức pháp luật. Trên dòng trạng thái của nhiều Facebooker đều thể hiện quan điểm phẫn nộ đối với những hiệu thuốc trục lợi trên nỗi đau của người khác như vậy.
“Trong hoạn nạn, tình người ở đâu? Bát phở, mớ rau sau Tết, giờ lúc đại dịch bùng phát thì chặt chém tăng giá khẩu trang vô tội vạ. Bản thân những người đó phải hiểu đó là thu lời bất chính, là buôn gian bán lận... Mà buôn bán như thế chẳng có trời đất, thần linh nào chứng giám cho cả” - tài khoản Minh Long nhấn mạnh.
“Với chủ cửa hàng, dịch bệnh là cơ hội kinh doanh nhưng với dân nghèo là cả sự vất vả và tiết kiệm. Giờ đi làm một ngày công mới mua đủ một hộp khẩu trang, bao thứ phải lo mà đi mua khẩu trang phòng bệnh cũng mệt. Một quả dưa hấu thời dịch bệnh bán ra không mua nổi 2 chiếc khẩu trang y tế. Nghĩ mà xót xa” – bạn Tuấn Anh Tuấn bày tỏ.
Trân quý những tấm lòng
Trái ngược với những hành vi phi nhân tính, đục nước béo cò của một số “con buôn”, ở Hà Nội và nhiều nơi khác, trong cả nước xuất hiện hình ảnh người dân, tổ chức phát khẩu trang miễn phí. Bắt đầu từ việc một em nhỏ 11 tuổi đã dành toàn bộ số tiền mừng tuổi Tết Canh Tý, gồm 10 triệu đồng, để mua khẩu trang y tế phát miễn phí cho người đi đường. Không chỉ giao số tiền đó cho người khác, mà em nhỏ cùng mẹ mình tự mua khẩu trang y tế, tự bày bàn, đứng ở nơi công cộng để truyền những chiếc khẩu trang đầy tình nghĩa cho mọi người. Ai ai nhận được chiếc khẩu trang của em bé đều muốn nở nụ cười, đưa 2 tay đón nhận đầy trân quý.
Những chiếc khẩu trang bỗng trở nên đẹp lạ thường khi được phát đi từ những bàn tay yêu thương và những tấm lòng nhân ái. Rồi xuất hiện rất nhiều tin nhắn dạy nhau cách giữ gìn sức khỏe, những bài viết giúp nhau cập nhật thông tin về tình hình biến chuyển của bệnh dịch, những video clip dạy nhau cách tự làm khẩu trang để bảo vệ mình…
Trong khi các cửa hàng tăng giá khẩu trang, chuỗi cửa hàng 66 Chùa Láng, 70 Thái Hà, 226 Bà Triệu, phòng khám đa khoa Viet Care Clinic (Hà Nội), nhà thuốc Đông Giang (Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng); hệ thống Nhà thuốc Việt, Nhà thuốc Hưng Thịnh (TP Hồ Chí Minh),… cũng thực hiện những nghĩa cử cao đẹp, phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Những ngày đầu thông tin này lan truyền, nhiều người hoài nghi là tin giả. Bởi vì, trong khi các mặt hàng đang mua còn khó, lại có những người phát miễn phí. Chuyện tưởng chỉ có trong cổ tích nhưng lại là sự thật giữa đời thường.
Không chỉ các cá nhân, mà tinh thần “thương người như thể thương thân” đã lan tỏa đến các đơn vị. Công an Hà Nội phát 75.000 khẩu trang miễn phí cho người dân, CLB lữ hành du lịch Hà Nội cũng tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho du khách ở các điểm di tích. Còn UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội thể hiện trách nhiệm và tình người qua việc tổ chức chương trình “Chung tay phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra”.
Ngay sau chương trình, đơn vị này đã tổ chức cấp phát miễn phí khẩu trang 5 địa điểm gồm: Trụ sở cơ quan UBMTTQ Việt Nam TP, ngã tư Tràng Tiền giao Đinh Tiên Hoàng thuộc quận Hoàn Kiếm; bến xe buýt gần chợ Long Biên thuộc quận Ba Đình; đối diện cổng Bệnh viện Thanh Nhàn, xóm “chạy thận” thuộc quận Hai Bà Trưng. Thật may, giữa những hành động đáng lên án của nhiều cửa hàng trục lợi từ khẩu trang, vẫn sáng lên những tấm gương tươi đẹp, đậm tình người.
Ngăn chặn xuống cấp văn hóa kinh doanh
Chặt chém, lợi dụng nhu cầu tăng để thu lợi đã xảy ra nhiều lần ở nhiều địa phương. Cũng phải thừa nhận, tình trạng buông lỏng quản lý đã tạo cơ hội “ngàn năm có một” cho những DN, cá nhân coi đồng tiền là trên hết, mặc sức “móc túi” đồng loại trong cơn hoạn nạn.
Người dân mong muốn chính quyền các cấp khẩn trương vào cuộc, chấn chỉnh ngay hoạt động kinh doanh các mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay, dịch vụ tư vấn qua điện thoại. Xử phạt thật nặng là cách hiệu quả nhất để giúp họ giữ lấy đạo đức, thiện lương trong kinh doanh, nhất là giữa lúc cả nhân loại đang phải đối mặt với dịch bệnh khủng khiếp. Nhưng về lâu dài, vẫn cần xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa nói không với “chặt chém”.
“Trong thời gian gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, người dân biết được rất nhiều thông tin, nhất là các thông tin liên quan đến mặt trái của xã hội, trong đó có nhiều hiện tượng, vụ việc tiêu cực. Điều đó đã được người dân phản ánh trong những phát biểu lo ngại về đạo đức xã hội, văn hóa kinh doanh xuống cấp, tình người mờ nhạt.
Thế nhưng, nếu nói rằng đạo đức xã hội gần đây xuống cấp hơn trước thì chúng ta phải có cái nhìn tổng thể hơn, trên nhiều khía cạnh, chỉ số, trong đó cũng phải đánh giá những hiện tượng tiêu cực trong mối quan hệ với sự biến đổi, phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội, chứ đừng chỉ tách riêng hiện tượng tiêu cực để khẳng định ngay là xuống cấp nghiêm trọng, e rằng sẽ không khách quan.
Qua sự việc chiếc khẩu trang và nước sát khuẩn vừa rồi, giống như một tiếng chuông cảnh tỉnh để các cơ quan chức năng của Nhà nước, gia đình, nhà trường và cả xã hội cùng nhìn nhận đúng sai, lên án cái xấu, bảo vệ cái tốt. Rút kinh nghiệm cho những lần sau” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện xã hội học) bày tỏ.
Tuy nhiên, các chuyên gia văn hóa cho rằng, vẫn cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh. Chuyên gia tư vấn Công ty TNHH Tư vấn và Hội nhập Vũ Cương, cho biết: “Bộ quy tắc ứng xử sẽ giúp các DN ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và giá trị DN; phát huy liêm chính và các giá trị cốt lõi để mang lại sự phát triển vững chắc. Đồng thời, giúp DN dù lớn hay nhỏ, hay là kinh doanh cá thể xây dựng niềm tin với đối tác, với khách hàng, xây dựng thương hiệu và niềm tin bền vững với người tiêu dùng”.
"Xem trên báo đã thấy có bạn trẻ bịt khẩu trang kín mặt đứng chờ ở chỗ dừng đèn đỏ phát miễn phí khẩu trang cho người đi đường. Nghĩa cử ấy càng cao đẹp hơn khi bạn ấy cố tình giấu kín tung tích của mình. Đã có rất nhiều bạn trẻ như thế ở khắp cả hai miền. " - Đỗ Phấn
Buồn cho lớp người của thời @
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng". Câu thành ngữ của ông cha ta nhằm răn dạy con người sống phải biết yêu thương, hỗ trợ, giúp đỡ nhau đặc biệt là mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Vậy mà giờ đây, không ít người của thời @ chỉ chăm chăm tìm cách trục lợi, tận thu mỗi khi người xung quanh gặp khó khăn, hoạn nạn...
May mắn thay, giữa xô bồ của những hành động trục lợi, vẫn có những điểm sáng tình người. Những việc làm nhỏ ấy mang giá trị tinh thần rất lớn, chúng ta cần nêu gương, biểu dương để răn dạy những người đã chót sai lầm và trục lợi, cũng là bài học chúng ta dạy thế hệ sau cần sống tốt và sống nhân văn hơn." - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Hiểu theo nghĩa nào cũng là bất lương
“Ngoài “chống dịch như chống giặc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, cơ quan chức năng cần ngay lập tức có các chế tài nghiêm trị những gian thương bán khẩu trang giá cắt cổ cho người dân. Bởi dù theo nghĩa nào đi chăng nữa, đấy được gọi là bất lương!. Trong xã hội hiện đại, càng cần nêu cao tinh thần sống có ích, diệt trừ những hành động xấu, để hướng đến chất lượng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. - Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội - Viện xã hội học PGS.TS Trịnh Hòa Bình
Trung thực trong kinh doanh là thứ văn hóa cần xây dựng
"Cũng không còn cách nào khác ngoài việc tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức. Khi ý thức được việc phải ứng xử, kiếm tiền một cách văn minh, chắc chắn người dân sẽ tự nguyện làm đúng.Trung thực trong kinh doanh, kiếm tiền một cách đàng hoàng và chân chính là thứ văn hóa chúng ta cần xây dựng." - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội TS Lê Viết Chức (Hoàng Lan ghi)
15:02, 08/02/2020
14:00, 08/02/2020
10:00, 08/02/2020