Bóc trần chiêu trò đưa xe biển số Lào về Việt Nam tiêu thụ
Cập nhật lúc: 01/07/2019, 21:01
Cập nhật lúc: 01/07/2019, 21:01
Công an Hà Tĩnh đang tạm giữ 26 ô tô trị giá trên 40 tỷ đồng; trên 201 biển kiểm soát ô tô, xe máy giả của Việt Nam và Lào.
Qua điều tra, thủ đoạn được sử dụng là lợi dụng chính sách của Nhà nước về tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới hai nước Việt – Lào qua lại biên giới để thực hiện hành vi buôn lậu xe; Đột nhập, đánh cắp thông tin cá nhân về chủ phương tiện xe ô tô qua mạng internet để làm giấy tờ giả, hợp thức hóa ô tô nhập lậu để lưu hành, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng mạng internet để đăng tin quảng cáo tìm kiếm khách hàng, tiến hành giao dịch, trao đổi thông tin; tải các “phôi” giấy tờ, bằng cấp, mẫu chữ ký, con dấu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; Sử dụng các phần mềm máy tính và các kỹ thuật tinh vi để sản xuất con dấu, tài liệu giả; Sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để thực hiện các hành vi trái pháp luật như: hợp thức hóa xe ô tô bất hợp pháp, cầm cố tài sản, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...
Theo cơ quan công an, đối với các phương tiện có nguồn gốc từ Lào chỉ được phép hoạt động trên lãnh thổ của nước ta khi có đầy đủ 7 loại giấy tờ (Giấy đăng ký, Sổ kiểm định, Bảo hiểm dân sự bắt buộc, Giấy phép liên vận, Tờ khai phương tiện tạm nhập tái xuất, Hợp đồng lao động của lái xe, Bản dịch Tiếng Việt). Không được tự ý mua bán, trao đổi như các phương tiện thông thường khác.
Nhiều xe ô tô hạng sang đang bị công an tạm giữ.
Ở diễn biến liên quan, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum đã gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông về việc phối hợp xác minh phương tiện vận tải đường bộ quá hạn chưa tái xuất hoặc tái nhập, trong đó thông báo 26 phương tiện vận tải của Lào quá thời hạn 30 ngày được phép lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam mà không tái xuất về Lào.
Điều 7 Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào quy định “mỗi chuyến đi, phương tiện được phép ở lại lãnh thổ của Bên ký kết kia không quá 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh”.
Trường hợp quá thời hạn quy định mà có lý do chính đáng (thiên tai, tai nạn, hỏng không sửa chữa kịp) sẽ được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn xuất cảnh.
Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Cảnh sát Giao thông và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và yêu cầu tái xuất các phương tiện vận tải của Lào quá thời hạn được phép lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam.
Các đối tượng làm giả giấy tờ xe cùng biển kiểm soát giả nhằm hợp thức hóa ô tô nhập lậu, không rõ nguồn gốc từ Lào.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng nêu thực tế hiện nay, có thực trạng xe hết niên hạn ở Việt Nam được đưa sang Lào “đại tu” lại, thậm chí đục số khung, số máy rồi đưa trở về Việt Nam lưu hành. Trong khi đó, phía Lào và Việt Nam chưa có kho dữ liệu về những xe này.
Theo bà Hiền, hai nước Việt - Lào đã có Hiệp định về đường bộ, nhưng chuyên sâu về từng lĩnh vực như người lái, tai nạn... thì chưa cụ thể. Hai bên sẽ tiếp tục phối hợp để hoàn thiện trong công tác quản lý.
Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/boc-tran-chieu-tro-dua-xe-bien-so-lao-ve-viet-nam-tieu-thu-20190629210540845.htm
10:00, 01/07/2019
13:00, 30/06/2019
10:00, 13/04/2019