18/01/2025 | 20:16 GMT+7, Hà Nội

Bóc đường dây "logo xe vua": CSGT không bảo kê xe quá tải?

Cập nhật lúc: 29/08/2015, 14:05

Sau khi Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an triệt phá 2 đường dây mua bán logo “xe vua”, đại diện Công an TP. Hồ Chí Minh khẳng định không có chuyện Cảnh sát giao thông bảo kê cho xe quá tải.

Trên tờ Tuổi trẻ, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an - cho biết đang tạm giữ bảy đối tượng, trong đó có Lê Thị Cẩm Vân (33 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) là đối tượng cầm đầu tổ chức bán các logo “Xe chở hàng”, “DNTN gạch Cẩm Vân”.

C45 cũng đang tiếp tục truy tìm Trần Văn Thới (39 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) - đối tượng cầm đầu tổ chức bán logo “Garage Thành Đô”.

Trước đó, trưa 26/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội C45 - Bộ Công an phối hợp với Công an TPHCM triệt phát 2 đường dây bán logo xe tải, bắt giữ 7 đối tượng.

Cơ quan công an xác định, Lê Thị Cẩm Vân là người cầm đầu đường dây chuyên bán logo “xe chở hàng”, “DNTN gạch Cẩm Vân”. Riêng đối tượng Trần Văn Thới (tự Út) cầm đầu đường dây bán logo mang tên “gara Thành Đô”.

Các đối tượng tự nhận mình có quen biết, là người nhà của cán bộ trong ngành giao thông như CSGT, Thanh tra giao thông, có thể “bảo kê” cho các xe vi phạm Luật giao thông, chở hàng quá khổ, quá tải… trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Các loại logo được nhóm đối tượng bán cho các nhà xe với giá từ 2,5- 3 triệu đồng.

Các loại logo được nhóm đối tượng bán cho các nhà xe với giá từ 2,5- 3 triệu đồng.

Trên tờ Dân trí, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết, đây là nhóm đối tượng tự xưng có quen biết với nhiều cán bộ, lãnh đạo của Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, đoàn kiểm tra liên ngành và thực hiện việc in ấn các loại logo sau đó bán cho các nhà xe với giá từ 2,5- 3 triệu đồng/logo/tháng.

Hàng ngày các đối tượng này thông tin cho các tài xế những khu vực mà các cơ quan chức năng tuần tra, nếu tài xế bị bắt thì nhóm này ra tay can thiệp, ước tính băng nhóm này bảo kê cho hàng trăm nhà xe với hơn 1.000 đầu xe các loại, mỗi tháng thu lợi bất chính số tiền từ 2,5-3 tỉ đồng từ việc bán logo.

Theo Đại tá Trần Thanh Trà, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TPHCM, từ đầu năm 2015, PC67 đã nhận được thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về vấn nạn xuất hiện các đối tượng bán logo mang các nhãn hiệu khác nhau để khi chở quá tải mà không bị lực lượng CSGT, TTGT xử lý.

Ngay khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo PC67 đã tổ chức họp quán triệt, nhắc nhở thường xuyên từ lãnh đạo phòng, các ban - đội đến từng cán bộ chiến sĩ về việc nghiêm túc chấp hành các quy định của ngành, không dung túng, bao che cho những hành vi sai phạm của các lái xe; thái độ, tác phong làm việc nghiêm túc, tránh gây ra những hiểu lầm dẫn đến việc để một số đối tượng lợi dụng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của người chiến sĩ CSGT.

Phòng CSGT đã lập Tổ chuyên đề do 2 phó Phòng trực tiếp chỉ đạo để xử lý xe quá tải mạo danh quen biết CSGT. Tinh thần là kiểm tra và xử lý kiên quyết xe tải vi phạm và đặc biệt là đối với những xe có gắn logo.

Chỉ trong một tháng (từ ngày 17/7 đến ngày 16/8) Tổ chuyên đề đã lập biên bản xử phạt hơn 450 xe tải có gắn logo vi phạm, trong đó có 223 trường hợp chở quá tải trên 100%, tạm giữ 36 xe, lập biên bản xử phạt 121 chủ phương tiện, số tiền xử phạt gần 1 tỉ đồng.

Trong đó lực lượng CSGT xử lý 217 trường hợp xe tải dán logo “Garage Thành Đô” và 165 trường hợp xe tải dán logo “Xe chở hàng” (2 logo này vừa bị Bộ Công an triệt phá - PV), 17 trường hợp xe tải dán logo “Dịch vụ vận chuyển hàng”, 14 trường hợp xe tải dán logo “Tam Kỳ” và một số logo như chuột Mickey, Hồng Loan...

Các loại logo bán với giá từ 2,5 tới 3 triệu đồng - Ảnh: GM

Các loại logo bán với giá từ 2,5 tới 3 triệu đồng - Ảnh: GM

Có không sự móc nối với lực lượng chức năng?

Trả lời câu hỏi có hay không sự móc nối giữa lực lượng chức năng và các nhóm bán logo “xe vua”, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nói trên Tuổi trẻ: “Quá trình điều tra ban đầu thì chưa có bằng chứng cho thấy có sự liên quan.

Qua thực tế theo dõi chúng tôi thấy nhiều tài xế bị dừng xe, bị lập biên bản xử phạt, chứ không phải chỗ nào cũng “xin” được. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo sẽ điều tra làm rõ việc có ai dính líu tới các nhóm bán logo, ai vi phạm tới đâu thì xử lý tới đó, không dung túng, bao che”.

Thiếu tướng Tiến còn nhấn mạnh: “Các nhóm, tổ chức bán logo “xe vua” hiện còn rất nhiều, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng chuyên án để điều tra”.

"Trong hơn 450 trường hợp bị xử lý nói trên, không trường hợp nào có dấu hiệu được “bảo kê” hoặc CSGT tiếp tay. Người dân khi phát hiện các đối tượng rao bán logo cũng như các cán bộ, chiến sĩ có liên quan đến việc bảo kê, bán logo thì báo cho PC67 theo đường dây nóng 08.388.875.21. Trong quá trình xử lý, chúng tôi còn tuyên truyền với lái xe và chủ phương tiện để họ tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo bán logo”, ông Trà nói.

Đại tá Trà cũng nói thêm: Ở các trạm cân thì tất cả các xe quá tải đều bị xử lý, không có xe nào được ưu tiên. Hiện các cửa ngõ, khu vực gần cảng, xe quá tải đã giảm rất nhiều, chỉ còn các xe nhỏ vài ba trăm ký chạy vào trung tâm thành phố do khu vực này thiếu cân tải trọng.

Trong cuộc họp tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 5 tháng đầu năm 2015 do UBND TPHCM và Ban An toàn giao thông tổ chức, Đại tá Trần Thanh Trà cũng khẳng định: “Không hề có chuyện các xe quá tải, gắn logo chạy qua các trạm có CSGT trực mà không hề bị yêu cầu dừng lại. Đó chỉ là dư luận. Nếu cán bộ, chiến sĩ nào liên quan đến việc tổ chức bảo kê, mua bán logo chúng tôi đều kiên quyết xử lý triệt để”./.