22/11/2024 | 09:16 GMT+7, Hà Nội

Bộ Y tế giải đáp về “giá giường bệnh dịch vụ ngang khách sạn 5 sao”

Cập nhật lúc: 18/08/2019, 12:00

Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu mức giá đối với dịch vụ ngày giường bệnh được quy định tối đa là 4 triệu đồng loại 1 giường/1 phòng.

Mức giá này tương đương với giá phòng của một khách sạn hạng sang. Điều này khiến dư luận băn khoăn: Khi các BV quá tập trung cho loại hình theo yêu cầu thì loại hình khám chữa bệnh BHYT sẽ bị “co” lại, chất lượng liệu có đảm bảo và quyền lợi của người bệnh bị ảnh hưởng ra sao? Có nên khống chế loại hình dịch vụ hay không vì hiện nay còn nhiều người bệnh phải nằm hành lang? Tiêu chuẩn nào để đánh giá về chất lượng của các phòng dịch vụ này?...

Giải đáp những vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-tài chính, Bộ Y tế cho biết: Dự thảo Thông tư này nhằm hướng dẫn xây dựng giá, không phải là ban hành, quy định mức giá, do đó các đơn vị phải xây dựng giá theo thông tư này, quy định mức tối đa để không vượt khung giá, các đơn vị phải xây dựng, ban hành nhiều mức giá, theo khả năng cung cấp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

giai dap cua bo y te ve gia giuong benh dich vu ngang khach san 5 sao
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-tài chính, Bộ Y tế: Việc phát triển loại hình khám chữa bệnh theo yêu cầu là đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: T.D

Về tiêu chuẩn để xây dựng bảng giá, chúng tôi đã hướng dẫn kỹ các đơn vị có dịch vụ này phải xây dựng giá theo đúng hướng dẫn của Dự thảo Thông tư. Giá gồm: Chi phí vật tư hóa chất, công cụ dụng cụ phục vụ cho người bệnh (găng tay quần áo…) đó là mảng chi phí BV phải đứng ra thu; tiền lương-phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng mà các BV phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: Hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại 1... giường điều trị nội khoa…

Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường. Tiền lương phải tính theo trình độ bác sỹ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng, phải luôn có 1 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc thì giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường…

Mặt khác, do là giường dịch vụ theo yêu cầu, trên cơ sở tự nguyện của người dân nên các BV khi quyết định giá cũng phải tham khảo thị trường, nếu giá cao, chất lượng chuyên môn, phục vụ chưa tốt thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác.

Mức giá do Bộ Y tế ban hành là mức tối đa, phù hợp với các loại BV, các loại dịch vụ đơn vị có khả năng cung cấp. Các BV không được áp dụng ngay mức giá tối đa mà phải xây dựng mức giá cụ thể của đơn vị trên cơ sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương. “Các đơn vị tính toán và đưa ra mức giá nhưng không được cao hơn mức giá tối đa Bộ Y tế quy định”, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-tài chính nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Nam Liên cũng khẳng định, các BV đảm bảo đầu tiên là khám chữa bệnh BHYT cho người bệnh. Trường hợp người bệnh BHYT phải nằm ghép thì không được sử dụng tài sản Nhà nước để phục vụ cho khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Tuy nhiên, vẫn cần khuyến khích việc đầu tư vào khu dịch vụ vì nhiều BV vay vốn và tuyển nhân lực vào để làm nhưng vẫn phải đảm bảo khám chữa bệnh BHYT. Nhiều ý kiến lo ngại thực hiện khu khám chữa bệnh dịch vụ thì các BV sẽ không quan tâm đến khám chữa bệnh BHYT nhưng không phải.

“Hiện nay gần 90% dân số tham gia BHYT, nhiều BV có nguồn thu chủ yếu từ BHYT chiếm 80%-90%, thậm chí 95% nên các BV không tập trung nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực thì người dân không đăng ký BHYT, không đến khám chữa bệnh nữa, không có gì hoạt động rất nguy hiểm. Phần hoạt động theo yêu cầu chỉ là 1 tỉ lệ nhất định, tỉ lệ này có nơi cao có nơi thấp nhưng tinh thần chung là tất cả các BV đều quan tâm đến BHYT để tạo nguồn thu ổn định”, ông Nguyễn Nam Liên nói.

Ông Trịnh Ngọc Hải, Phó GĐ BV Nhi Trung ương chia sẻ, khi khám chữa bệnh người giàu hay nghèo đều được khám chữa bệnh như nhau. Tại BV Nhi Trung ương, ca bệnh khó đều được tập thể giáo sư, bác sỹ tập trung điều trị, không phân biệt bệnh nhân có tiền hay không có tiền.

Với các khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu thì trên cơ sở năng lực về vật tư trang thiết bị hạ tầng hiện có chúng tôi bằng nguồn quỹ của BV và huy động xã hội hóa đầu tư cho khu vực này trên cơ sở tất cả các nhiệm vụ chính trị được Bộ Y tế giao cho các nhân viên y tế, giáo sư, bác sỹ đều hoàn thành. Nếu còn nguồn lực và nhân lực chúng tôi sẽ quay sang phục vụ cho khu vực điều trị theo yêu cầu.

Ngoài cơ chế chúng ta có như lâu nay thì cơ chế tự chủ tài chính cho phép chúng tôi được huy động thêm các nguồn lực thầy thuốc, giáo sư giỏi đã hết tuổi quản lý, hết tuổi trong biên chế và đã thực hiện chế độ nghỉ hưu mời ở lại; bên cạnh đó mời thêm các chuyên gia y tế giỏi ở các khu vực đến phục vụ khám và điều trị tự nguyện, theo yêu cầu. Điều này đã góp phần rất lớn đáp ứng nhu cầu khám bệnh chữa bệnh của người dân-đặc biệt người dân có thu nhập cao, có điều kiện kinh tế. Số người này đi ra nước ngoài điều trị rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, thực tế thời gian qua nhiều gia đình ở BV tư đã mời giáo sư đến hội chẩn, sao chúng ta không có cơ chế để làm ngay tại BV công. Nếu không làm được người bệnh đi nước ngoài gây thất thoát ngoại tệ. “Thời gian qua có thông tin mỗi năm có 40-100 nghìn người Việt Nam đi nước ngoài chữa bệnh, chi phí 2 tỷ đô tương đương 4-5 nghìn tỷ đồng”.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/bo-y-te-giai-dap-ve-gia-giuong-benh-dich-vu-ngang-khach-san-5-sao-159184.html