27/11/2024 | 19:36 GMT+7, Hà Nội

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Chất lượng mạng yếu nên dân kích sóng

Cập nhật lúc: 18/07/2015, 09:50

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Cục Tần số vô tuyến điện đã xử lý 83 vụ can nhiễu. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do chất lượng phủ sóng di động chưa đảm bảo.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Cục Tần số vô tuyến điện đã xử lý 83 vụ can nhiễu, trong đó có 8 vụ can nhiễu hàng không, 61 vụ can nhiễu thông tin di động, 06 vụ can nhiễu phát thanh truyền hình, 06 vụ can nhiễu liên quan đến quốc phòng, an ninh. Hiện nay đang tiếp tục xác định nguồn nhiễu có hại gây ra cho mạng thông tin di động (băng 900MHz và 2100MHz) của Viettel, VMS, Vinaphone  tại 50 điểm trên địa bàn Hà nội.

Đó là những thông tin được ông Đoàn Quang Hoan – Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2015 và triên khai công tác 6 tháng cuối năm 2015 của Cục Tần số vô tuyến điện tổ chức sáng ngày 16/7/2015 tại Hà Nội. 

Theo khảo sát của Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực I, tại những khu vực người dân tự ý lắp đặt thiết bị kích sóng, mức tín hiệu của nhà mạng di động không đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ TT&TT đề ra. Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, các vụ can nhiễu xảy ra xuất phát từ các trường hợp thiết bị không được cấp phép.

Điều này chứng tỏ công tác phòng chống can nhiễu được thực hiện chưa tốt, trong đó có công tác quản lý thiết bị trong các khâu nhập khẩu thiết bị, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn, kiểm tra chất lượng thiết bị trước khi đưa vào sử dụng.

 Thứ trưởng Lê Nam Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Nhà mạng phải nâng cao chất lượng

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, can nhiễu liên quan đến 3G đã gia tăng đột biến tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2015, đặc biệt bùng phát mạnh sau khi các nhà mạng viễn thông tiến hành thử nghiệm HSPA trên băng tần 900 MHz.

Tại các khu vực nội thành Hà Nội, độ thâm nhập của sóng vô tuyến điện không vào đến những nơi mong muốn của người dân sử dụng di động nên người dân đã tự ý lắp đặt các thiết bị kích sóng (repeator).

Để chấm dứt hiện tượng này, ông Đoàn Quang Hoan đề nghị Bộ TT&TT tăng cường việc quản lý xuất nhập khẩu và kinh doanh loại thiết bị này trên thị trường.

Trong khi đó, giải thích lý do của hiện người dân tự ý lắp đặt các thiết bị kích sóng, ông Phan Tâm - Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, lý do sâu xa của tình trạng này là do chất lượng phủ sóng di động chưa đảm bảo.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son cũng cho rằng: Vì chất lượng mạng của ta yếu nên buộc người dân phải sử dụng thiết bị kích sóng mặc dù biết là sai quy định. Chính vì vậy, chúng ta vừa phải kiên quyết chấn chỉnh hiện tượng này, vừa phải tuyên truyền, phối hợp với hải quan để thu hồi, ngăn chặn hiện tượng mang trái phép thiết bị viễn thông không phù hợp quy định vào lãnh thổ Việt Nam, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Muốn nâng cao dịch vụ thì các mạng phải xây dựng hạ tầng, đó là các trạm BTS. Chúng ta phải tuyên truyền cho người dân hiểu rằng sóng viễn thông (tức việc xây dựng trạm BTS) không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc xây dựng trạm BTS hiện nay là rất khó, đặc biệt là đối với các mạng nhỏ. Do đó, Bộ trưởng lưu ý các mạng liên kết đẩy mạnh việc dùng chung hạ tầng viễn thông, phù hợp với chủ trương chung của nhà nước.

Về phần mình, người dùng cũng cần phải nắm được quyền và lợi ích của mình trong hợp đồng kinh tế - ở đây là hợp đồng sử dụng dịch vụ ký với nhà mạng. Họ có quyền phản ánh và đòi hỏi nhà mạng phải cải tiến vùng phủ tại những vùng tín hiệu sóng không đạt chất lượng theo quy định.

Hiện tại, cả ba nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone đều đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các phản hồi về chất lượng mạng thông tin di động, lần lượt là 18008119, 18001090 và 18001091./.

Triển khai đề án số hóa truyền hình mặt đất cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Tần số vô tuyến điện trong năm 2015.

Từ 1/7/2015, đã ngắt sóng analog 3 kênh VTV Đà Nẵng, VTV6 và DRT1 ở Đà Nẵng. Đây là các kênh truyền hình không thuộc danh mục kênh truyền hình thiết yếu. VTV – nhà phát sóng truyền hình lớn nhất đã thể hiện quyết tâm chấp hành quyết định của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình mặt đất mặc dù là nhà cung cấp dịch vụ phải chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Nhưng ông Đoàn Quang Hoan – Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện vẫn băn khoăn về việc chậm triển khai hỗ trợ đầu thu set-top box cho các hộ nghèo và cận nghèo tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam do việc chậm ban hành Thông tư hướng dẫn hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam.

Hiện dự thảo Thông tư đang gửi sang Bộ Tài chính thẩm định và ban hành. Khó khăn ở chỗ để hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo và cận nghèo còn phải trải qua nhiều giai đoạn như: đấu thầu, đặt hàng, sản xuất và phân phát. 

Về ấn định tần số và cấp phép, trong 6 tháng đầu năm, Cục Tần số vô tuyến điện đã giải quyết cấp và gia hạn tổng số hơn 16.900 giấy phép các loại, trong đó cấp phép cho máy phát thanh, truyền hình là 1.172 giấy phép; vi ba là 11.883 giấy phép; 546 giấy phép đài Truyền thanh không dây và 770 giấy phép cho các phương tiện nghề cá.