19/01/2025 | 02:34 GMT+7, Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng gặp mặt và làm việc với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Cập nhật lúc: 13/08/2016, 02:17

Chiều ngày 12/8, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã gặp mặt và làm việc với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Hồng Hà, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Đỗ Đức Duy – Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Trần Nam - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cùng các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp bất động sản trên cả nước.

Mở đầu hội nghị: Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trình bày báo cáo tổng quát của Hiệp hội về các hoạt động của Hiệp hội và thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay.

Mong muốn của ông Nguyễn Trần Nam là làm sao để góp phần cùng nhau phát triển thị trường bất động sản đúng định hướng, đưa thị trường bất động sản hướng đến môi trường trong sạch, lành mạnh, bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế nói chung.

Được thành lập từ năm 2002, đến nay, trải qua 14 năm hoạt động, Hiệp hội Bất động sản VN đã ngày càng khẳng định vai trò to lớn của mình bằng các hoạt động, các đóng góp quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực bất động sản trên cả nước.

Thực hiện chức năng phản biện xã hội, Hiệp hội đã tiếp cận hệ thống pháp luật về bất động sản ngay từ bước soạn thảo các văn bản quy phạp pháp luật và phối hợp với các hoạt động thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Xây dựng đưa ra các chính sách cho thị trường bất động sản một cách đúng đắn, hợp lý, hiệu quả nhất.

Trong giai đoạn vừa qua, Hiệp hội đã phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ ngành trong việc hoàn thiện sửa đổi, bổ sung luật kinh doanh bất động sản, luật nhà ở, luật doanh nghiệp, luật đầu tư… và các văn bản dưới luật liên quan đến thị trường bất động sản. Cụ thể, Hiệp hội đã có kiến nghị kịp thời về những bất cập trong việc sửa đổi thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, về việc cung cấp tín dụng phát triển nhà ở xã hội, về quy định xây dựng tầng hầm của các nhà cao tầng trên địa bàn TP. Hà Nội.

Đối với hoạt động nghiên cứu, đào tạo, Hiệp hội tham gia tích cực vào các đề tài nghiên cứu khoa học do Bộ Xây dựng giao, từ đó nâng cao chất lượng công tác phản biện, tham mưu cho Bộ Xây dựng cũng như cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình hoạch định chính sách.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trình bày báo cáo về các hoạt động của Hiệp hội.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trình bày báo cáo về các hoạt động của Hiệp hội.

Trong công tác đào tạo, Hiệp hội cùng với các đơn vị thành viên đã đào tạo hàng trăm lượt học viên trong các lớp về phổ biến chính sách, đào tạo môi giới, đào tạo quản lý vận hành chung cư, đào tạo và hướng dẫn thực hiện chính sách thuế đối với DN bất động sản…

Trình bày về hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển, ông Nam cho biết, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp bất động sản phát triển, với tôn chỉ mục đích của mình, Hiệp hội phát triển mạnh mẽ hoạt động kết nối doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư.

Đặc biệt hàng năm Hiệp hội đứng ra tổ chức 2 hội chợ triển lãm bất động sản lớn ở Hà Nội và TP. HCM, thu hút được sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản trên cả nước.

Với các hoạt động nói trên, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đã có đóng góp tích cực cùng Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam theo hướng lành mạnh, bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng giao dịch tăng đều từ đầu năm đến nay. Tổng số giao dịch tại Hà Nội và TP.HCM khoảng 15.300 giao dịch, so với 18.000 giao dịch cùng kỳ năm 2015, song chất lượng, giá trị giao dịch cao hơn. Giá bất động sản tăng từ 3-7% có cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái 3-5%.

Hệ thống chính sách mới về BĐS đã bắt đầu phát huy tác dụng trên thực tế và từng bước đi vào cuộc sống. FDI vào thị trường BĐS có 25 dự án mới giá trị vốn đầu tư tăng thêm 604,8 triệu USD tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 7 dự án với tổng vốn 465,5 triệu USD.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trần Nam, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: Cơ cấu hàng hóa trên thị trường có sự mất cân đối, thiếu vắng sản phẩm giá trung bình và thấp; Việc phát triển nhà ở xã hội có xu hướng chậm lại; Phân khúc nhà ở cho thuê chưa có điều kiện phát triển; Thông tin trên thị trường chưa thực sự đầy đủ, hệ thống và toàn diện; Năng lực phần lớn các chủ đầu tư còn yếu cả về tài chính, năng lực quản lý, triển khai các dự án...

Để phát triển thị trường theo hướng lành mạnh, bền vững và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đề xuất với Bộ trưởng Bộ Xây dựng một số nội dung như:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản đã được ban hành để nâng cao hiểu biết về pháp luật trong quản lý cũng như trong cộng đồng doanh bất động sản; Đề nghị Bộ Xây dựng ban hành các quy định về việc soát xét thủ tục trước khi bán đối với nhà ở hình thành trong tương lai và có biện pháp kiểm tra, kiểm soát đảm bảo thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật;…

Theo ông Nguyễn Trần Nam, việc có các quy định, hướng dẫn cụ thể này tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như chuẩn hóa đối với hoạt động quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: “Trước thực tế thị trường bất động sản Việt Nam còn non yếu, sức đề kháng của doanh nghiệp bất động sản còn thấp, hệ thống thông tin chưa chuẩn mực, để thị trường phát triển đúng hướng và lành mạnh, Hiệp hội coi việc thường xuyên định hướng thị trường, tiếp cận các vấn đề nóng bỏng để giải quyết theo hướng tích cực là một công việc quan trọng".

Cũng theo ông Nam, dự kiến trong thời gian tới, Hiệp hội BĐS VN sẽ đặt vấn đề đăng cai Hội nghị quốc tế BĐS thế giới vào năm 2018 tại Việt Nam, tạo cơ hội cho BĐS VN, cải thiện cách nhìn và quảng bá thương hiệu BĐS VN ra toàn thế giới.

Ngoài ra, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo và ủng hộ để Hiệp hội phối hợp với các cơ quan của Bộ, các Sở Xây dựng địa phương trong hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin dữ liệu thị trường bất động sản hàng tháng, từ đó thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin một cách hệ thống để cung cấp thường xuyên phục vụ công tác quản lý của các cơ quan quản lý…

15h45: Chủ tịch GP. Invest Nguyễn Quốc Hiệp tham luận:

Theo Chủ tịch GP. Invest Hiệp hội bất động sản Việt Nam thời gian qua đã có tiếng nói hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp. Tiêu chí phản biện xã hội của Hiệp hội có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Ông Hiệp kiến nghị:

Thứ nhất, nếu theo điều 57 Luật Kinh doanh BĐS, doanh nghiệp BĐS không thể thực hiện được. Cần sửa luật đề không còn mâu thuẫn, bảo đảm quyền lợi cho chủ đầu tư.

Ngoài ra, nên chăng cho các doanh nghiệp cải tạo từng cụm chung cư cũ. Giúp cho thành phố và các doanh nghiệp có một lối thoát.

Cũng theo Chủ tịchGP. Invest, hiện doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm thủ tục hành chính tại cấp Quận và Phường, cũng như tiếp đón các đoàn thanh tra. Do đó, cần sự thay đổi trong các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh.

15h55: Bà Hương Trần Kiều Dung, TGĐ tập đoàn FLC tham luận:

Năm 2015, thị trường BĐS có chuyển biến tích cực, riêng giao dịch căn hộ đã đạt 42.000 căn hộ tại HN và TP.HCM, 2016 đạt 16.000 căn hộ.

Giá căn hộ có tăng lên từ 1 – 3%, đây là những tín hiệu vui mừng cho những nhà đầu tư, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng có dấu hiệu tích cực. Theo bà Dung, cần tiếp tục thực hiện chính sách đưa ra nhiều gói kích cầu khác nhất là đối với BĐS thương mại.

Đối với vấn đề trực tiếp liên quan đến doanh nghiệp, bà Dung đề xuất một số vấn đề đang vướng mắc trong quá trình triển khai:

Chủ đầu tư chỉ được làm dự án nhà ở khi đã sở hữu lô đất có chức năng để ở. Tuy nhiên, theo Luật nhà ở quy định tại điều 22, chúng tôi thấy không khả thi. Bởi các chủ đầu tư hiện chủ yếu sở hữu đất có chức năng thương mại và các chức năng khác.

Tại điều 56, khoản 1, Luật Kinh doanh BĐS 2014, về vấn đề bảo lãnh ngân hàng, đến thời điểm này chúng tôi còn vướng mắc.

Đối với những khách hàng thương lượng được, chúng tôi sẽ bảo lãnh cho từng sản phẩm khi khách hàng mua nhà. Nhưng với những khách hàng không thương lượng được, khách hàng yêu cầu phải được bảo lãnh trước khi mua nhà.

16h15: Đại diện Hội bất động sản Du lịch Việt Nam tham luận:

Cần chấn chỉnh hệ thống môi giới bất động sản. Bởi nhiều người bị đội ngũ môi giới bất động sản làm phiền.

16h30: Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam tham luận:

Theo ông Đính, lực lượng môi giới BĐS hiện có hàng trăm ngàn người nhưng chỉ có số ít người được cấp chứng chỉ. Các nhà hoạt động môi giới trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc giải phóng lượng hàng tồn kho.

Các nhà môi giới có trình độ năng lực chưa đồng nhất, chủ yếu là kinh nghiệm tự phát, đúc kết trong quá trình làm việc, nhiều người chưa có chứng chỉ hành nghề, thiếu hiểu biết pháp luật, phần lớn chưa có khái niệm đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm xấu đi hình ảnh của đội ngũ môi giới.

Quản lý nhà nước còn hơi lỏng, chưa có chế tài xử phạt, chưa có chương trình đào tạo đội ngũ môi giới đồng bộ, chưa có bộ quy tắc đạo đức nghề nghệp, việc triển khai cấp chứng chỉ còn chậm tại các địa phương, ...

Ông Đính kiến nghị:

Cần quản lý nhà nước chặt chẽ hoạt động của đội ngũ môi giới bất động sản;

Hỗ trợ Hội môi giới BĐS trong việc cấp chứng chỉ hành nghề, đánh giá chất lượng đội ngũ môi giới BĐS.

Cho phép Hội môi giới BĐS xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về bất động sản, điều này sẽ góp phần làm minh bạch thị trường...

16h40: Ông Đỗ Đức Duy - Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu:

Tháng 6/2016, Bộ Xây dựng ban hành hàng loạt thông tư hướng dẫn thực hiện các Luật. Sau khi Bộ Xây dựng Ban hành các thông tư hướng dẫn thì nhiều vấn đề đã được giải quyết.

Sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan phổ biến các văn bản mới ban hành, giúp các doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật.

Ông Đỗ Đức Duy - Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Ông Duy chia kiến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp thành các nhóm:

Một là, Nhóm kiến nghị định hướng dài hạn, mang tầm chiến lược: Bộ Xây dựng xác định đây là những nhiệm vụ lớn, và đã có chương trình hành động.

"Ví dụ như vấn đề cải tạo chung cư cũ là một nội dung trong chương trình hành động 5 năm tới của ngành Xây dựng" - ông Duy nói. 

Hai là, nhóm kiến nghị có tính bức xúc, vướng mắc thường xuyên hằng ngày: Chúng tôi trực tiếp rà soát các dự án luật, trong đó có Luật Xây dựng, Luật Nhà ở. Các kiến nghị chúng tôi xin tiếp thu để bổ sung vào kiến nghị sắp tới.

"Về thủ tục cấp phép xây dựng, chúng tôi đề xuất: Rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng; Mở rộng thêm đối tượng miễn giấp phép xây dựng như: Các công trình đã được cơ quan nhà nước thẩm định thiết kế thi công...; Lồng ghép các thủ tục tại cùng một thời điểm để rút ngắn thời gian cấp giấy phép" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng thông tin.

Về quỹ sàn 20% cho việc phát triển nhà ở xã hội, ông Duy khẳng định: Đây là vấn đề lớn, được Quốc hội bàn thảo kỹ lưỡng khi đưa vào Luật. Vấn đề này cần thực hiện nghiêm theo Luật.

Về vấn đề cải tạo chung cư cũ: Bộ Xây dựng xin ghi nhận những ý kiến và sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc.

Về việc bảo lãnh giao dịch BĐS hình thành trong tương lai: Trước câu hỏi bảo lãnh cả dự án hay bảo lãnh từng giao dịch hợp đồng? Chúng tôi sẽ phối hợp với NHNN để tháo gỡ. 

17h00: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu:

Qua báo cáo hiệp hội, tôi rất vui mừng trước sự phát triển chắc chắn của Hiệp hội BĐS VN trong thời gian qua. Đồng thời đánh giá cao kết quả về phản biện và tư vấn chính sách của Hiệp hội. Trên thực tiễn, Hiệp hội đã phối hợp rất chặt chẽ trong quá trình thiết kế chính sách. Đóng góp của Hiệp hội giúp cho Bộ Xây dựng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước được tốt hơn.

Một số sản phẩm BĐS đưa vào sử dụng trong xã hội đã làm thay đổi bộ mặt của nông thôn. Nhiều sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng đã có sức ảnh hưởng ra thế giới.

Chúng ta phải kiểm soát và phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững, hiệu quả, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên... Thị trường BĐS có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Một số điều kiện hình thành và đảm bảo thị trường BĐS phát triển lành mạnh còn hạn chế. Thể chế thị trường cần tiếp tục hoàn thiện; Minh bạch thông tin mới ở bước đầu và cần củng cố.

Chính phủ đã ban hành nghị định xây dựng hệ thống dữ liệu về nhà ở. Làm được điều này, thông tin về thị trường chắc chắn sẽ đầy đủ, minh bạch hơn.

Nguồn lực cho bất động sản là yêu tố then chốt của thị trường BĐS. Cần phát triển thêm các quỹ và chế định tài chính mới. Bộ Xây dựng sẽ có biện pháp thúc đẩy nguồn vốn cho BĐS.

Năng lực của các chủ thể tham gia thị trường BĐS có những bước phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. 

 "Trong một tuần nữa, các bộ phận chức năng của Bộ Xây dựng phải trình tôi tổng hợp kiến nghị và hướng giải quyết những kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam" - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà kết luận.

17h40: Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu kết luận:

Hiệp hội sẽ tổng hợp các kiến nghị thành văn bản và tùy theo từng vấn đề sẽ báo cáo các cơ quan chức năng để nói lên tiếng nói của cộng đồng các doanh nghiệp BĐS, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường BĐS cân đối, hài hòa hơn.

Cuối cùng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã gửi lời cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Xây dựng, các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản khi đã đến tham dự và có ý kiến đóng góp tích cực cho buổi làm việc./.