19/01/2025 | 07:08 GMT+7, Hà Nội

Thị trường bất động sản quý 3: Cạnh tranh khốc liệt

Cập nhật lúc: 20/07/2016, 21:16

Khi nguồn cung trên thị trường bất động sản càng lớn thì tính cạnh tranh càng khốc liệt. Những doanh nghiệp ít tên tuổi hoặc làm ăn thiếu chuyên nghiệp chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi ngay lập tức.

Thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM quý II/2016 được các công ty nghiên cứu BĐS đánh giá đang chững lại so với năm 2015 khi lượng căn hộ mở bán mới và lượng giao dịch sụt giảm. Xét về nguồn cung cuối năm, CBRE cho rằng thị trường BĐS cuối năm sẽ đón nhận sự đổ bộ của hàng chục nghìn căn hộ cao cấp gây nên một cuộc cạnh tranh quyết liệt trên thị trường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cuộc đua tăng tốc quý 3

Bước vào quý đầu quý III, thị trường địa ốc lại tiếp tục chứng kiến sự sôi động trên thị trường khi hàng loạt ông lớn có kế hoạch bung hàng. Có thể thấy các chủ đầu tư đang bước vào cuộc đua nước rút trong hành trình chiếm lĩnh thị phần nhằm hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng cuối năm.

Tại TPHCM, có thể kể đến 1 loạt các dự án thuộc phân khúc cao cấp đang lên kế hoạch ồ ạt xả hàng trong quý 3 với như dự án Carillon 5 của Sacomreal, Cityland Garden Hills, Cityland Center Hills (Gò Vấp), Cityland Riverside (quận 7), Cityland Park Hills, Cityland Luxury Villas của City Group, Golden Star của Hưng Lộc Phát hay Soho Primier của Tiến Phát….

Tại trục phía đông thành phố, liên danh giữa Geleximco Miền nam và tập đoàn than khoáng sản Việt Nam cũng đã chào làng dự án Elite Park có quy mô 2 ha. Khi hoàn thành sẽ cung ứng ra thị trường 208 căn hộ.

Tại khu vực Nam Sài Gòn, Phúc Khang Corp cũng đàn rầm rộ mở bán dự án Diamond Lotus Riverside tại quận 8. Được biết, không chỉ dừng lại ở thị trường TPHCM, mà doanh nghiệp này còn tiếp tục Bắc tiến với sự kiện lần đầu tiên giới thiệu tới khách hàng Hà Nội dự án Diamond Lotus Riverside tại triển lãm BĐS quốc tế VNREA EXPO 2016 diễn ra vào các ngày 20-24 tháng 7.

Được biết, dự án này có quy mô hơn 16,780 m2 với tổng mức đầu tư lên đến 1,268 tỷ đồng. Diamond Lotus Riverside cũng được biết đến là một trong những dự án đầu tiên tại Việt Nam được phát triển theo tiêu chuẩn Leed (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế cao nhất và uy tín nhất về kiến trúc xanh).

Sôi động không kém thị trường BĐS TPHCM, thị trường nhà đất tại Hà Nội cũng đã đón nhận thêm hàng loạt nguồn cung mới trong quý 3 có thể kể đến như các dự án Thanh Xuân Tower (quận Thanh Xuân), Hanoi aqua Central (quận Ba Đình), The Two Residence (Hoàng Mai)...

Ngoài những dự án mới, trên thị trường cũng đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các dự án cũ. Có thể kể đến các dự án đang tăng tốc bán hàng trên thị trường như Golden Field Mỹ Đình, HDmon City (Mỹ Đình), Five Star Tower (Thanh Xuân), Chung Cư FLC Star Tower (Hà Đông), chung cư Taseco Complex Xuân Phương...

Cơ hội nào cho nhà đầu tư?

Lý giải hiện tượng thị trường BĐS những ngày đầu quý 3 tăng tốc mạnh, ông Trương Anh Tú – Giám đốc Phát Triển Kinh Doanh của Phúc Khang Corp cho biết có 3 yếu tố chính để kéo cầu BĐS trong quý 3. Thứ nhất do NHNN chưa siết tín dụng BĐS trong năm nay đã khiến các chủ đầu tư thở phào nhẹ nhõm. Thêm vào đó, thị trường tài chính, vàng những ngày đầu tháng 7 lên xuống thất thường khiến khách hàng “lao đao” không biết đổ tiền vào đâu. Trong bối cảnh đó, bất động sản chính là kênh đầu tư tối ưu để hút dòng tiền từ thị trường vàng và chứng khoán.

"Một yếu tố khác có khả năng thúc đẩy mãi lực địa ốc trong những tháng cuối năm là do đây là thời điểm các doanh nghiệp chạy đua nước rút để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh của cả năm", ông Tú cho biết.

Theo nhận định của các chuyên gia, nguồn cung trên thị trường càng lớn thì cạnh tranh khốc liệt và sân chơi này chỉ dành cho những ông lớn bài bản và chuyên nghiệp. Những công ty làm ăn lôm côm sẽ nhanh chóng bị loại khỏi cuộc chơi ngay lập tức. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, người mua nhà sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn những sản phẩm BĐS tốt nhất.

Cùng quan điểm với CBRE, các chuyên gia bất động sản cũng có quan ngại khi nguồn cung căn hộ cao cấp quá cao khiến lượng giao dịch không thể theo kịp với nguồn cung mới mỗi quý. Trong khi đó, người mua chủ yếu đa phần là nhà đầu tư, nhu cầu mua thực để định cư có vẻ đã chững lại. Do đó, các chuyên gia lo ngại về tính bất ổn cho thị trường cũng gia tăng dần.

Trao đổi với chúng tôi về hiện trạng này, ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: "Ở Việt Nam số người có thu nhập tốt, ở nhà cao của rộng chỉ chiếm 20%, 80% là những người có thu nhập vừa và thấp. Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang mất cân đối cung cầu, thiếu căn hộ giá rẻ và trung bình, thừa căn hộ cao cấp".

Cũng theo chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư lựa chọn phát triển dòng sản phẩm này là lợi nhuận đầu tư vào phân khúc cao cấp cao hơn, hấp dẫn nhà đầu tư hơn. "Dù nguồn cung trên thị trường đã rất cao nhưng tâm lý của các chủ đầu tư trên thị trường đều tự tin sản phẩm của mình sẽ bán được. Chính điều này khiến nguồn cung căn hộ cao cấp vẫn tiếp tục tăng mạnh trong khi sức mua của thị trường thì có hạn".

"Rất có nguy cơ thị trường sẽ quay lại kịch bản khủng hoảng những năm 2010 nếu thị trường vẫn phát triển tự phát và không được định hướng như hiện nay", ông Nam cảnh báo.

"Bài học 2010-2011 khủng hoảng BĐS chúng ta đã thấy rất rõ. Thời điểm đó cả nước có gần 4.000 dự án BĐS, trong đó có rất ít dự án nhà ở xã hội và thu nhập thấp. Chính vì thế gây ra tình trạng tồn đọng hàng hóa, tiền không quay được về ngân hàng, sản phẩm vật tư không đưa vào được sử dụng, các khu đô thị bỏ hoang, lãng phí nguồn lực xã hội", ông Nam cho biết.

Với kinh nghiệm lâu năm trên thị trường BĐS, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng khẳng định chắc chắn: "Một thị trường muốn bền vững thì phải cân đối cung cầu. Một mặt đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nhưng mặt khác cũng phải có nguồn cung nhà ở phù hợp với túi tiền và nhu cầu ở thực của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở".

“Về phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong thời gian tới Hiệp hội sẽ có kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước có những hành động cụ thể để cảnh báo các khuynh hướng lệch lạc, đồng thời định hướng các doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá thấp để làm cho thị trường cân bằng hơn và đáp ứng đúng nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân” – ông Nam cho biết./.