19/01/2025 | 09:30 GMT+7, Hà Nội

Bộ TN&MT: 12/13 mẫu bùn sông Tô Lịch có thuỷ ngân vượt 6,1 lần ngưỡng cho phép

Cập nhật lúc: 10/09/2019, 10:30

Gần cống xả Công ty Rạng Đông, 12/13 mẫu bùn sông Tô Lịch có lượng thuỷ ngân vượt ngưỡng cho phép.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy tại điểm quan trắc sông Tô Lịch cách cống xả gom nước thải của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) 1km có lượng thuỷ ngân vượt 6,1 lần ngưỡng cho phép.

Sau sự cố cháy nổ tại Công ty Rạng Đông, Tổng cục Môi trường cho biết, qua kiểm tra thực tế và quá trình đấu tranh thì lãnh đạo Công ty Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam). Khối lượng thuỷ ngân hàng được sử dụng trong bóng đèn theo tính toán của các nhà khoa học là 30mg/bóng.

Khối lượng hóa chất còn lại trong kho là 4.510.712 viên Amalgam với trọng lượng là 41,75kg; Thuỷ ngân lỏng là 108,9kg, trong đó 34,3kg được bảo quản an toàn cùng với viên Amalgam trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy.

Gần cống xả Công ty Rạng Đông, 12/13 mẫu bùn sông Tô Lịch có lượng thuỷ ngân vượt ngưỡng cho phép. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Công ty Rạng Đông, lượng thuỷ ngân bị phát tán ra môi trường khi xảy ra hoả hoạn là 15,1kg. Tuy nhiên, theo số liệu của các nhà khoa học, khối thuỷ ngân bị phát tán nhiều hơn lên tới khoảng 27,2 kg. Qua kiểm tra, tủ bảo quản chứa almagam được giữ nguyên nên lượng thuỷ ngân bị phát tàn nằm trong bóng đèn đã cháy, với khối lượng ước tính từ 15,1 – 27,2 kg. 

Từ ngày 30/8 đến ngày 1/9, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc đã tổ chức quan trắc, lấy mẫu phân tích đánh giá chất lượng môi trường xung quanh Công ty Rạng Đông gồm: môi trường không khí (theo các tuyến thủy ngân có thể phát tán), mẫu nước theo dòng thoát ra sông Tô Lịch, cách hồ Hạ Đình, hồ Rẻ Quạt, mẫu đất tại nơi xảy ra hỏa hoạn.

Khi so sánh giá trị nồng độ thủy ngân với các QCVN hiện hành về môi trường theo quy chuẩn của Việt Nam cho thấy: có 1/12 mẫu nước mặt có giá trị thuỷ ngân (Hg) vượt QCVN 08-MT:2015 gấp 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của công ty ngõ 320 Khương Đình 1,5km; 1/8 mẫu nước thải có giá trị Hg vượt QCVN 40:2011/BTNMT gấp 2,76 lần tại điểm quan trắc hố ga cạnh xưởng led trong công ty; 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị Hg vượt QCVN 43:2017/BTNMT.

Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của công ty ngõ 320 Khương Đình 1km có giá trị Hg cao nhất, vượt QCVN 43:2017/BTNMT 6,1 lần; 1/6 mẫu không khí có giá trị Hg vượt QCVN 06:2009/BTNMT 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy của công ty.

Người dân ở khu vực liền kề đám cháy ngõ 342 Khương Đình đã di dời đến nơi ở mới để tránh những ảnh hưởng về sức khỏe. Ảnh minh họa

Tổng cục Môi trường đã bố trí bốn vị trí lấy mẫu hấp phụ Hg (bằng bẫy vàng theo công nghệ của Nhật Bản) theo hướng phát tán của dòng khí tại vị trí hàng rào của kho sản phẩm bị cháy, tại khoảng cách 200m, 500m và 1.000m tính từ hàng rào kho sản phẩm bị cháy. Khi so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và châu Âu, ATSDR Mỹ, Canada kết quả cho thấy: Trong khoảng từ hàng rào đến khoảng cách 200m, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và Châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).

Các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty Rạng Đông phía trước khu cháy (trạm ôxy) và trong nhà kho bị cháy có giá trị Hg trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR-Mỹ từ 10 đến 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người).

Có 2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị Hg nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO ảnh hưởng đến sức khỏe con người đó là điểm NM-HĐ 02 (Hồ Hạ Đình) và điểm TL 05 (Sông Tô Lịch tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu); Nồng độ Hg quan trắc được trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe con người theo khuyến cáo của Canada, những mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của công ty có hàm lượng Hg cao hơn các vị trí khác.

“Từ kết quả quan trắc phân tích chất lượng môi trường không khí xung quanh sau sự cố so sánh với khuyến cáo của WHO và châu Âu cho thấy phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân trong khoảng bán kính 500m tính từ hàng rào của kho sản phẩm bị cháy ra xung quanh. Để xử lý và kiểm soát tốt vấn đề môi trường sau sự cố cháy nổ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân, Bộ TN&MT đã trao đổi, thống nhất với UBND TP Hà Nội, các Bộ, ngành và Công ty tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý trước mắt”, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Theo ghi nhận tại khu vực xảy ra vụ cháy, không chỉ các hàng ăn, quán nước, hiện một số trường học đã tạm thời đóng cửa, phụ huynh cho con nghỉ học. Hàng trăm cư dân đang sinh sống tại nhiều chung cư và nhà dân gần Công ty Rạng Đông cũng đã di dời tìm nơi ở mới để phòng tránh những chất độc hại từ vụ cháy ảnh hưởng tới sức khỏe.

Bộ Y tế đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng, mức độ ô nhiễm hoá chất ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân; Công bố thông tin về kết quả kiểm tra nhiễm độc hoá chất đối với cán bộ, chiến sỹ Phòng cháy Chữa cháy và người dân bị ảnh hưởng; Phối hợp với TP Hà Nội để xây dựng chương trình theo dõi, khám sức khỏe thường xuyên, định kỳ cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với người dân sinh sống trong phạm vi bán kính 500m tính từ hàng rào của Công ty.

Bộ TN&MT tiếp tục hỗ trợ TP Hà Nội thực hiện khảo sát, đánh giá phạm vi và mức độ ô nhiễm môi trường để đưa ra các yêu cầu về thu gom, xử lý các loại chất thải nguy hại (nhiễm Hg) phát sinh do vụ cháy; Hướng dẫn Công ty lập phương án xử lý, cải tạo khu vực bị ở nhiễm tồn lưu Hg (nêu có); Tiếp tục tổ chức quan trắc một số đợt để đánh giá khả năng phát tán bay hơi của thủy ngân trong môi trường không khí xung quanh khi trời nắng.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa gửi công văn hoả tốc đề nghị Hà Nội nhanh chóng xử lý môi trường sau cháy Công ty Rạng Đông. Ủy ban tham mưu cho UBND Hà Nội, đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp với các lực lượng chức năng, nhanh chóng xử lý môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng ở quận Thanh Xuân và các khu vực lân cận.