08/10/2024 | 09:06 GMT+7, Hà Nội

Bộ Tài chính thông tin về tăng giá sách giáo khoa và xăng dầu

Cập nhật lúc: 02/04/2021, 06:19

Bộ Tài chính đã có thông tin về lý do giá sách giáo khoa năm học 2021 - 2022 tăng cao, cũng như việc giá xăng dầu tăng thời gian qua sẽ có tác động như thế nào tới thị trường.

Bộ sách Chân trời sáng tạo lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Bộ sách Chân trời sáng tạo lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Vì sao giá sách giáo khoa năm học 2021-2022 tăng cao, cũng như việc giá xăng dầu tăng thời gian qua sẽ có tác động như thế nào tới thị trường, đã được Bộ Tài chính thông tin vào chiều 30/3.

Sách giáo khoa mới cao gấp 3-4 lần

Để chuẩn bị cho năm học 2021-2022, vừa qua các Nhà xuất bản được phép phát hành sách giáo khoa đã thực hiện kê khai giá sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới về Bộ Tài chính.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các Nhà xuất bản thực hiện kiểm soát, tiết giảm các chi phí trong cơ cấu giá thành sách giáo khoa để giảm giá sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới.

Ba lần các Nhà xuất bản đã kê khai lại giá sách giáo khoa; trong đó điều chỉnh giá giảm từ 3,3-9% đối với sách lớp 2 và 2,4-9% đối với sách lớp 6.

Bộ Tài chính cho biết về số học thì giá bộ sách giáo khoa mới (179.000-203.000 đồng/bộ sách lớp 2, 234.000-259.000 đồng/bộ sách lớp 6) cao hơn giá bộ sách cũ (53.000 đồng/bộ sách lớp 2, 99.000 đồng/bộ sách lớp 6).

Tuy nhiên, khổ sách, số cuốn, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn bộ sách cũ.

Số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (từ 10-13 cuốn) cao hơn số lượng cuốn sách trong bộ sách giáo khoa cũ (6-11 cuốn), số lượng màu in nhiều hơn (sách cũ 2-4 màu, sách mới tất cả 4 màu), khổ sách rộng hơn (sách cũ 14x24cm, sách mới 19x26,5cm)...

Theo Bộ tài chính, do thực hiện xã hội hóa nên một số chi phí như chi phí bản thảo, nhuận bút lần đầu... không được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Vì vậy việc so sánh giá sách cũ với sách mới chưa thực sự tương đồng.

Bộ Tài chính cho rằng sách giáo khoa là vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu, giá sách giáo khoa có tác động lớn đến xã hội, đặc biệt đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa, Bộ Tài chính đang rà soát đánh giá tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá; trong đó tiếp tục đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá trong trường hợp cần thiết.

Theo quy định về Luật giá và các văn bản hướng dẫn, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các Nhà xuất bản) tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán, thực hiện kê khai giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức triển khai bộ sách giáo khoa mới theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm học 2020-2021, đã có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, cho phép các Nhà xuất bản phát hành để học sinh, nhà trường sử dụng học tập, giảng dạy.

Giá xăng tăng có tác động đến giá các mặt hàng khác

Theo Bộ Tài chính, việc giá xăng dầu tăng thời gian qua sẽ có tác động gián tiếp nhất định đến giá một số hàng hóa, dịch vụ thông qua chi phí vận chuyển, vận tải hàng hóa nhưng đều nằm trong kịch bản đã được các bộ, ngành dự báo, tính toán.

Với các biện pháp quyết liệt đã triển khai, về cơ bản không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa,” tăng giá bất hợp lý theo giá xăng dầu.

Mua bán xăng dầu tại cây xăng trên phố Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Mua bán xăng dầu tại cây xăng trên phố Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Bộ Tài chính cho biết qua theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường đến thời điểm hiện nay, về cơ bản các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn đang được theo dõi cập nhật các diễn biến; có một số hàng hóa, dịch vụ có mặt bằng giá thấp như dịch vụ hàng không; lương thực, thực phẩm.

Để đảm bảo kiểm soát chung mặt bằng giá cả thị trường, nhất là để hạn chế tác động trước diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng, Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp về quản lý, điều hành giá; đồng thời các Bộ, ngành cũng triển khai toàn diện nhằm không để xảy ra tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý, “té nước theo mưa” khi giá xăng dầu tăng hoặc trong các dịp cao điểm lễ, Tết.

Theo đó, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cũng được các địa phương chủ động triển khai tốt, hàng hóa phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Việc kiểm tra, kiểm soát về giá, thuế, phí, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được các cơ quan chức năng triển khai toàn diện, hiệu quả.

Các cơ quan chức năng chú trọng thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai tốt việc theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, điều hành giá đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra để tiếp tục kiểm soát tốt mặt bằng giá, góp phần ổn định đời sống người dân, hỗ trợ cho tăng trưởng và điều hành kinh tế vĩ mô.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/bo-tai-chinh-thong-tin-ve-tang-gia-sach-giao-khoa-va-xang-dau-54114.html