24/11/2024 | 15:52 GMT+7, Hà Nội

Bộ Tài chính quyết tăng thuế, ôtô nhập sắp tăng giá mạnh?

Cập nhật lúc: 01/07/2015, 06:01

Hiện Bộ Tài chính vẫn đang hoàn tất dự thảo Nghị định hướng dẫn về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng 7 này.

Chia sẻ tại cuộc họp báo chiều 30/6, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, các hiệp hội doanh nghiệp ô tô đang có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ vẫn đang cân nhắc các ý kiến để hoàn tất dự thảo Nghị định hướng dẫn về thuế tiêu thụ đặc biệt, trình Chính phủ ban hành trong tháng 7 hoặc tháng 8.

Theo đó, phương án Bộ Tài chính tăng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi, mặc dù bị nhiều doanh nghiệp ô tô nhập khẩu phản đối, vẫn có thể được giữ nguyên.

Thứ trưởng Mai cho biết, hiện nay, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nhập khẩu chỉ là giá CIF + thuế nhập khẩu trong khi giá tính thuế ô tô trong nước là giá bán ra của nhà sản xuất, lắp ráp. Như vậy là không công bằng giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu.

Vì vậy, Bộ đã sửa đổi theo hướng xác định giá tính thuế đối với ô tô nhập khẩu sẽ phải là giá bán ra của nhà nhập khẩu, tương tự như giá ô tô trong nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì buổi họp báo.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì buổi họp báo.

Bà cũng thừa nhận: "Đây cũng là kiến nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô trong nước, Hiệp hội cơ khí Việt Nam và một số doanh nghiệp khác".

Người phát ngôn của Bộ Tài chính cho biết, nghiên cứu kinh nghiệm các nước có áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô cho thấy, một số nước áp giá tính thuế là giá bán buôn, một số nước áp giá tính thuế là giá bán lẻ cuối cùng sau khi sản phẩm qua nhiều khâu thương mại và có nước áp dụng tính thuế theo giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu như Việt Nam đã áp dụng. Thái Lan đang áp dụng như Việt Nam nhưng cũng đang dự kiến chuyển sang áp dụng giá tính thuế là giá bán lẻ.

Ngoài ra, theo Quyết định 1211 phê duyệt quy hoạch chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ liên quan xây dựng công thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt đảm bảo bình đẳng giữa ô tô nhập khẩu và ô tô lắp ráp trong nước. Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hoá dịch vụ là giá bán ra hàng hoá và cung ứng dịch vụ.

Trong khu vực ASEAN, hiện nay Thái Lan đang áp dụng cách tính thuế như Việt Nam. Nhưng quốc gia này cũng đang chuyển dần và dự kiến chuyển sang áp dụng giá tính thuế là giá bán lẻ.

“Khoản 6 Điều 6 của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hoá dịch vụ là giá bán ra hàng hoá và cung ứng dịch vụ. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt như trên để đảm bảo công bằng và cũng để phù hợp với việc giảm thuế nhập khẩu ô tô theo lộ trình cam kết hội nhập trong các hiệp định thương mại đã ký" - Thứ trưởng Mai cho biết.

Theo bà Mai, điều này sẽ giúp đảm bảo công bằng giữa nhà sản xuất trong nước và nhà nhập khẩu ô tô.

“Trước đó, Bộ Tài chính đã có cuộc đối thoại với các doanh nghiệp ô tô về vấn đề này nhưng chưa đi đến thống nhất. Các hiệp hội doanh nghiệp ô tô đang có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt” – bà Mai chia sẻ.

Trong khi đó, dự báo giá ô tô nhập khẩu có thể tăng thêm ít nhất 10% nếu đề xuất trên được chính thức ban hành.

Được biết, hơn 10 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng gồm nhiều thương hiệu lớn như Audi, Bentley và Lamborghini, BMW, Jaguar & Land Rover, Porche, Renault, Rolls Royce, Subaru và Volks... đã có văn bản gửi Chính phủ phản đối với việc tăng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của Tài chính. Dự báo, giá ô tô nhập khẩu có thể tăng thêm ít nhất 10% nếu đề xuất trên được chính thức ban hành./.