19/01/2025 | 02:24 GMT+7, Hà Nội

Bộ Tài chính "bêu" tên 600 doanh nghiệp nợ thuế đến thời điểm 30/6/2015

Cập nhật lúc: 22/07/2015, 05:30

Đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty CP Sông Đà – Thăng Long (nợ hơn 375 tỷ đồng). Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp đã lên đến hơn 8 nghìn tỷ đồng.

Ngày 20/7, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 9901/BTC-TCT gửi Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc công bố thông tin và tổ chức cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở các quy định của  Luật Quản lý Thuế, trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Thuế về việc tổng hợp danh sách cácdoanh nghiệp nợ thuế lớn  đến thời điểm 30/6/2015, Bộ Tài chính đã công bố danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế thuộc 63 Cục Thuế địa phương.

Việc tổng hợp danh sách các doanh nghiệp nợ thuế lớn đến thời điểm 30/6/2015 theo các tiêu chí như sau: Là những người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn nhất trên địa bàn;  Là các đối tượng có các khoản tiền thuế nợ đã quá 121 ngày, cơ quan Thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, chậm nộp nhưng vẫn chưa thực hiện.

Công văn cũng nêu rõ, để đảm bảo công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thực hiện đúng quy định của pháp luật, Bộ Tài chính yêu cầu các Cục Thuế địa phương căn cứ vào Bảng Tổng hợp danh sách người nộp thuế có số tiền nợ lớn đến ngày 30/06/2015 theo địa bàn quản lý của từng Cục Thuế (gửi kèm công văn này) để thực hiện công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng;

Đồng thời căn cứ tình hình thực tế ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp: trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại ngân hàng thương mại; yêu cầu phong tỏa tài khoản hoặc biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng theo đúng quy định tại Điều 97 hoặc Điều 98a của Luật quản lý thuế để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.

Trong 600 doanh nghiệp bị nêu tên lần này, Hà Nội có tổng cộng 200 doanh nghiệp nợ thuế với số tiền lên đến hơn 4.671 tỷ đồng, trong đó Công ty CP Sông Đà – Thăng Long nợ nhiều nhất là hơn 375 tỷ đồng; Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy nợ hơn 133 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng dân dụng và Công nghiệp Delta nợ hơn 100 tỷ đồng;  CTCP Viglacera (hơn 88 tỷ đồng); Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Quang Minh (hơn 63 tỷ đồng); Tập đoàn Bitexco (22 tỷ đồng); Lilama Hà Nội (22 tỷ đồng); Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (18 tỷ đồng)… Trong đó nhiều công ty con thuộc họ Sông Đà, Cienco, Cavico.

TP Hồ Chí Minh có 200 doanh nghiệp nợ thuế tổng cộng hơn 3.517 tỷ đồng,  trong đó nợ thuế lớn nhất là Công ty cổ phần dịch vụ Dầu Khí Saigon với hơn 195 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp khác cũng nợ “khủng” như: Bất động sản Tiến Phước (57 tỷ đồng); Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (50 tỷ đồng); Địa ốc Hồng Quang (38 tỷ đồng); Địa ốc Hoàng Quân (8 tỷ đồng); Thế giới Di động (12 tỷ đồng); Nguyễn Kim (84 tỷ đồng); Vạn Thịnh Phát (17 tỷ đồng)… 

Khoản 1, Điều 74 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006:

Cơ quan quản lý thuế được công khai các thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế trên phương tiện thông tin đại chúng trong các trường hợp sau đây:

  1. Trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế đúng thời hạn”

Điều 98a Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý:

“Điều 98a. Cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng

  1. Cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng được thực hiện khi cơ quan quản lý thuế không áp dụng được hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 93 của Luật này nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt.
  2. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo cho đối tượng bị cưỡng chế biết trong thời hạn ba ngày làm việc trước khi thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
  3. Khi thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều này, cơ quan quản lý thuế phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.”