21/01/2025 | 17:51 GMT+7, Hà Nội

Bộ GTVT yêu cầu Uber nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam

Cập nhật lúc: 09/02/2017, 23:35

Tại Văn bản số 634/BGTVT-VT gửi Công ty TNHH Uber Việt Nam mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhấn mạnh việc ủy quyền của Công ty Uber BV cho Công ty TNHH Uber Việt Nam tham gia Đề án thí điểm và thực hiện các nghĩa vụ trong Quyết định số 24 là chưa phù hợp.

Theo đó, ngày 22/11/2016, Bộ GTVT đã nhận được Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải hành khách theo hợp đồng của Công ty TNHH Uber Việt Nam.

Sau khi nghiên cứu nội dung công văn nêu trên và các tài liệu gửi kèm của Công ty TNHH Uber Việt Nam, trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT có ý kiến như sau: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015 (Văn bản số 1850) và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 của Bộ GTVT ban hành Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Quyết định số 24), các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học được khuyến khích xây dựng đề án thí điểm cụ thể phù hợp với tính chất, phương thức vận hành của từng ứng dụng, phù hợp các cam kết, thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị có liên quan và trình Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

 

Đối với đơn vị tham gia Đề án thí điểm, Bộ GTVT nhấn mạnh, việc ủy quyền của Công ty Uber BV cho Công ty TNHH Uber Việt Nam tham gia Đề án thí điểm và thực hiện các nghĩa vụ trong Quyết định số 24 là chưa phù hợp.

Bởi, việc Công ty TNHH Uber Việt Nam là đơn vị xây dựng và đề xuất Bộ GTVT phê duyệt Đề án thí điểm dựa trên ủy quyền của Công ty Uber BV không đảm bảo ràng buộc trách nhiệm của Công ty Uber BV trong việc thực hiện Đề án.

Bên cạnh đó, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH Uber Việt Nam chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền.

Nếu Công ty TNBH Uber Việt Nam là đơn vị xây dựng, đề xuất Bộ GTVT phê duyệt và thực hiện Đồ án thí điểm, Công ty TNHH Uber Việt Nam cần thực hiện đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo đúng lĩnh vực hoạt động, đồng thời là bên trực tiếp xây dựng, ký kết và chịu trách nhiệm đối với thỏa thuận hợp tác kinh doanh, với đơn vị kinh doanh vận tải và hợp đồng cung cấp dịch vụ kết nối với hành khách tại Việt Nam (hợp đồng dịch vụ với đơn vị kinh doanh vận tải và hành khách).

Ngoài ra, đối với nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử, việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử thay cho hợp đồng vận tải hành khách bằng giấy (hay còn gọi là nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử) là bản chất của việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo họp đồng theo Công văn số 1850 và Quyết định số 24.

Vì vậy, Đề án thí điểm cần bổ sung mô tả và phân tích chi tiết nội dung và quy trình giao kết họp đồng vận tải qua ứng dụng Uber, trong đó nội dung hợp đồng điện tử phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đưòng bộ.

Đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Bộ GTVT nhận định đề án thí điểm chưa làm rõ được quyền và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ và đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành khách, cũng như chưa có quy chế phối hợp, giải quyết các khiếu nại của hành khách.

Bên cạnh đó, việc Công ty Uber BV ủy quyền cho Công ty TNHH Uber Việt Nam thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh, tại Việt Nam sẽ không ràng buộc, xử lý được trách nhiệm của Công ty Uber BV khi có vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng.

Trách nhiệm, nghĩa vụ của Công ty TNHH Uber Việt Nam phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam: Theo quy định pháp luật về thương mại điện tử, ứng dụng Uber có tính năng hoạt động tương tự “ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử”.

Vì vậy, ứng dụng Uber cần được thực hiện các thủ tục đăng ký “ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử” với Bộ Công Thương.

Trong thời gian qua, theo báo cáo của Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh và Sở GTVT Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra và xử lý nhiều xe hợp đồng, xe ô tô cá nhân (không có giấy phép kinh doanh vận tải và chưa được cấp phù hiệu) sử dụng phần mềm của Uber để kinh doanh vận tải hành khách (chở khách có thu tiền) không đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Do vậy, Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH Uber Việt Nam khi chưa hoàn thiện các nội dung của Đề án để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam thì không cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành.

Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu Công ty TNHH Uber Việt Nam và Công ty Uber BV phải nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành khi tham gia kinh doanh tại Việt Nam.