18/01/2025 | 20:07 GMT+7, Hà Nội

Bộ Công thương: Bãi bỏ Quy hoạch kinh doanh và xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp

Cập nhật lúc: 05/01/2017, 12:36

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch Thương nhân Kinh doanh và xuất khẩu gạo.

Trong bối cảnh tình hình thị trường xuất khẩu gạo khó khăn, cạnh tranh gay gắt, việc bãi bỏ quy định về kinh doanh và xuất khẩu dự báo sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu gạo.

 Bộ Công thương chính thức bãi bỏ quy định về kinh doanh, xuất khẩu gạo

Trước đó ngày 19/9/2016, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn triển khai thực hiện Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã có công văn số 8768/BCT-XNK kiến nghị Chính phủ xem xét, cho phép bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 10257/VPCP-KTTH ngày 28 tháng 11 năm 2016, chiều tối ngày 4/1/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký bãi bỏ Quyết định số 6139/QĐ-BCT.

Theo Quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT (quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo) đã được chính thức bãi bỏ.

Những năm gần đây, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan là 4 quốc gia xuất khẩu gạo chính trên thế giới, chiếm tới 71,81% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.

Trung Quốc, Negeria, Iran và Indonesia là những nước nhập khẩu gạo chính, nhưng chỉ chiếm 23,32% tổng lượng gạo nhập khẩu toàn cầu.

Điều này cho thấy các nước xuất khẩu gạo có xu hướng tập trung hơn, trong khi các nước nhập khẩu khá phân tán. Mỗi quốc gia xuất khẩu gạo thường đều có những thị trường xuất khẩu chủ yếu của riêng mình và cạnh tranh trong những thị trường xuất khẩu khác.

Tuy nhiên, năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã không đạt được mục tiêu đề ra. Giá trị và lượng xuất khẩu mặt hàng này giảm khá mạnh so với cùng kỳ. Chiều đi xuống vẫn là xu thế ám ảnh đối với hạt gạo của Việt Nam.

Trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 phải đạt được là khoảng 6,5 triệu tấn, tương ứng thành tích xuất khẩu năm 2015. Kết quả là mục tiêu này đã không thể đạt được.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến hết ngày 15/12/2016, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 4,68 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,1 tỷ USD.

Lượng và giá trị gạo xuất khẩu giảm khoảng 1,62 triệu tấn và 600 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng chú ý là xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng có xu hướng giảm về giá trị, thu hẹp về thị trường. Trước đó năm 2010, xuất khẩu gạo Việt luôn đạt lượng khoảng 6,3 - 7 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch khoảng 2,7 - 3,3 tỷ USD. Gạo luôn là mặt hàng có kim ngạch cao thứ 3 sau thủy sản, cà phê.

Từ năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,6 tỷ USD; năm 2013, xuất khẩu đã có dấu hiệu giảm sút với khoảng 6,5 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD; năm 2014, xuất khẩu giảm còn 6,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD và năm 2015, Việt Nam chỉ giữ mức xuất khẩu 6,5 triệu tấn/năm.

Nhiều nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo giảm nhưng trong đó đáng chú ý là nhiều thị trường nhập khẩu chính đã từ bỏ nhập khẩu diện Nghị định thư như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Banglades do đó xuất khẩu gạo chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mới và thương nhân (diện tiểu ngạch).

Thêm vào đó, trên thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn thiếu vắng các liên kết ngang giữa các công ty (ví dụ như trong việc đàm phán giá lúa gạo xuất khẩu) và liên kết dọc với các công ty cung ứng đầu vào cho sản xuất.

Trong những năm vừa qua, một loạt các chính sách được ban hành tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới hành vi của các chủ thể trên thị trường lúa gạo. Tuy nhiên, các chính sách được thiết kế cũng bộc lộ nhiều bất cập và không đạt được kết quả như kỳ vọng, trong đó có quy định về điều kiện thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo...

Bối cảnh khó khăn như vậy, việc bãi bỏ các tiêu chí, điều kiện này nhằm loại bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014, góp phần đảm bảo tính minh bạch của thể chế, môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo và tăng cường tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân...