19/01/2025 | 09:16 GMT+7, Hà Nội

Bộ Công an cảnh báo hình thức lừa đảo mới thông qua giả mạo tin nhắn thương hiệu

Cập nhật lúc: 09/02/2021, 11:21

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo về hình thức lừa đảo thông qua việc giả mạo tin nhắn Brandname (tin nhắn thương hiệu) của các tổ chức, doanh nghiệp uy t

Qua công tác bảo vệ an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phát hiện trong thời gian từ tháng 1-2021 đến nay, xuất hiện hình thức lừa đảo thông qua việc giả mạo tin nhắn Brandname (tin nhắn thương hiệu) của các tổ chức, doanh nghiệp uy tín, đặc biệt nguy hiểm...; nhiều người dân trên cả nước do bất cẩn, chủ quan, thiếu kiến thức đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, tài khoản icloud, dẫn đến nhiều hệ lụy như: bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc các tài khoản mạng xã hội của họ bị các đối tượng sử dụng để đi lừa đảo bạn bè, người thân.

Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thì thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng công cụ, thiết bị công nghệ cao để gửi tin nhắn giả mạo Brandname đến hàng loạt thuê bao di động của người dân. Đầu số của các tin nhắn này có dạng giống với tên viết tắt của các Ngân hàng, tổ chức, doanh nghiệp uy tín tại Việt Nam hoặc các Tập đoàn quốc tế lớn như Google, Facebook.

Các tin nhắn lừa đảo này thường có nội dung như: tặng quà tri ân khách hàng dịp cuối năm, cảnh báo truy cập bất hợp pháp, sau đó dẫn dụ người dân truy cập vào đường dẫn giả mạo website chính thức của các doanh nghiệp, tổ chức, yêu cầu họ điền các thông tin như username, password, qua đó chiếm đoạt tài khoản… Một số tin nhắn lại có nội dung giới thiệu, quảng cáo cho các trò chơi, trang web đánh bạc, cá độ trực tuyến.

Nguy hiểm hơn, các tin nhắn giả mạo này lại được lưu trữ cùng thư mục với các tin nhắn thương hiệu “thật” do cơ chế nhận diện tin nhắn của thiết bị điện thoại là cứ đầu số giống nhau thì sắp xếp vào cùng một thư mục. Do đó, người dân nếu không chú ý, cảnh giác, kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn sẽ rất dễ nhầm tưởng đây là tin nhắn gửi đi từ doanh nghiệp, tổ chức uy tín.

Bằng phương thức, thủ đoạn trên, thời gian qua, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân với số tiền rất lớn, xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Thủ đoạn này sẽ đặc biệt nguy hiểm khi bị các đối tượng xấu lợi dụng để giả mạo thông báo chính thức của cơ quan chức năng, gửi tin nhắn xuyên tác, không đúng sự thật, nhất là khi tình hình dịch bệnh COVID- 19 hiện nay đang diễn biến phức tạp, nhiều thông tin không chính thống liên tục được đăng tải gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân.

Hiện Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ từ Trung Ương đến địa phương để truy quét tội phạm trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự để người dân có thể đón tết Tân Sửu ấm no, hạnh phúc.

Khi nhận được những tin nhắn có nội dung bất thường như trên, Bộ Công an khuyến cáo: Người dân cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu từ Ngân hàng hoặc các tổ chức, doanh nghiệp uy tín; không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn.

Khi nhìn thấy các đường dẫn website, cần so sánh tên đường dẫn với tên website chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp (Website chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền).

Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng (CSKH) của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin hoặc nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn; phản ánh các tin nhắn giả mạo tới ngân hàng và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật cẩn thận các thông tin này; tuyệt đối không cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào.

Phản ánh tin giả trực tuyến trên website của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam của Bộ Thông tin và truyền thông: http://tingia.gov.vn/tiep-nhan-phan-anh/ và điền thông tin; gửi email tới địa chỉ:[email protected], trong đó nêu nội dung tin giả, đường link tin giả đọc được; Phản ánh tin giả qua tổng đài 1800.8108.

Trường hợp bị lừa đảo, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/bo-cong-an-canh-bao-hinh-thuc-lua-dao-moi-thong-qua-gia-mao-tin-nhan-thuong-hieu-227478.html