Cảnh báo sập bẫy vì đầu tư kiếm tiền online
Cập nhật lúc: 27/01/2021, 15:51
Cập nhật lúc: 27/01/2021, 15:51
Cạm bẫy khắp nơi
Với sự phổ biến của mạng xã hội, hiện nay, để tìm một công việc kiếm tiền online qua mạng là điều rất dễ dàng. Chỉ với vài thao tác đơn giản trên Facebook, người dùng có thể tiếp cận với hàng loạt hội nhóm công khai như: Nhóm "Kiếm tiền online" có tới hơn 106.000 thành viên, "Kiếm tiền online trên điện thoại 2021" có hơn 118.000 thành viên; "Kiếm tiền online" hơn 128.000 thành viên… Hoặc các hội nhóm trên Zalo với tên gọi hấp dẫn như Master Stock CS2, Nhóm kiếm tiền tiêu vặt, Crown88v TeaM… Tại đây có đăng tải đầy đủ các kiểu kiếm tiền trực tuyến với lời quảng cáo hấp dẫn khi chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể kiếm từ 200.000 - 1.000.000 đồng mỗi ngày.
Đặc điểm chung của những địa chỉ trên là đều hướng người dùng đăng ký làm thành viên của các hệ thống website kiếm tiền trực tuyến có máy chủ đặt tại nước ngoài. Trong những trang web này tràn ngập quảng cáo về công việc ít phải dùng đầu óc cũng như sức lao động nhưng lại dễ dàng có được lợi nhuận khủng. Có thể kể đến như: Xem video trực tuyến, like videoTiktok, cài ứng dụng trên điện thoại, truy cập link quảng cáo...
Điểm dễ nhận ra nhất của những website dạng này là luôn yêu cầu thành viên phải nạp số tiền ban đầu từ vài triệu đồng/tháng đến hàng trăm triệu đồng/năm nhưng luôn cam đoan rằng lợi nhuận thu được sẽ gấp nhiều lần vốn bỏ ra. Với những lời quảng cáo, hứa hẹn đánh vào tâm lý của nhiều người mong muốn kiếm tiền nhanh, các trang web lừa đảo trên đã mau chóng thu hút được hàng ngàn hoặc thậm chí hàng chục ngàn người tham gia.
Thêm vào đó, để bành trướng nhanh hơn, những địa chỉ này còn khuyến khích người dùng kêu gọi các thành viên cấp dưới bỏ tiền để mua gói nhiệm vụ và từ đó được hưởng thêm hoa hồng. Tới lúc tổng số tiền thành viên đóng vào đủ lớn, các website bắt đầu trì hoãn việc trả hoa hồng như thường lệ và nhanh chóng đóng cửa rồi biến mất.
Một nạn nhân tên L.V. T. tại Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết vào tháng 9/2020, email cá nhân của anh nhận được link tuyển dụng làm thêm online của nhóm người làm việc cho trang web www.tailoc888.com. Nhóm này giới thiệu đã được Bộ Công Thương cho phép hoạt động kinh doanh được 3 năm với hình thức kinh doanh là đặt hộ đơn hàng cho các trang thương mại điện tử như Tabao, Amazon, Lazada
. Vốn đang cần tìm việc làm kiếm thêm thu nhập, anh T. đã nộp vào trang web Tailoc888.com số tiền 200.000 đồng để chơi thử và được trả lãi đầy đủ. Với suy nghĩ "vừa bỏ vốn ra hợp tác vừa bỏ công" theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, anh T. đã dùng hết số tiền mình tích lũy và liên tục 7 lần nạp tiền vào trang này với số tiền gần 23 triệu đồng. "Tôi bỏ ra mấy chục triệu đồng để thu về vài ba triệu, ít lâu sau trang web bị sập còn tôi bị mất sạch số tiền đầu tư." - anh T. chán nản kể lại.
Tỉnh táo để tránh mắc bẫy
Không chỉ lừa đảo qua hội nhóm Faceook, Zalo, những chiêu trò lừa tiền qua mạng còn xuất hiện qua hình thức cài đặt ứng dụng. Điển hình như ứng dụng Golden Hand (bàn tay vàng). Cụ thể, sau khi tham gia vào hệ thống Golden Hand, thành viên chỉ cần thực hiện nhiệm vụ hàng ngày bằng cách "like, thả tim" các video trên Tiktok và Facebook.
Mỗi nhiệm vụ được trả phí thấp nhất là 3.000 đồng và khi giới thiệu thêm người tham gia thì sẽ có thêm mức hưởng hoa hồng lên tới hàng chục phần trăm. Sau thời gian lôi kéo người chơi nạp tiền, ứng dụng kiếm tiền này đột nhiên biến mất. Hàng nghìn người ngã ngửa vì trót nạp tiền số tiền lớn, giờ hệ thống biến mất không một dấu vết.
Trước thực trạng này, ông Lê Đình Nhân - Trung tâm đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena đánh giá thực tế hoạt động kiếm tiền online từ tương tác video Tiktok, Facebook thực chất là một hình thức vẽ ra nhiệm vụ trá hình, hòng kêu gọi người dùng nạp tiền. Đồng thời hoạt động này cũng trả hoa hồng có dấu hiệu của hình thức hoạt động đa cấp.
Theo ông Nhân, để tạo ra các trang web hoạt động dưới dạng ẩn danh không hề khó. Các đối tượng chỉ cần bỏ số tiền nhỏ để mua tên miền quốc tế, được quyền lựa chọn máy chủ ở một quốc gia bất kỳ ngoài Việt Nam hòng lách luật. “Bằng cách quảng cáo, dẫn dụ người dùng đi vào bên trong những trang web mới lập như vậy là đã đủ để bắt đầu các phương thức chiêu dụ kiếm tiền online kiểu lừa đảo" - ông Nhân cho biết.
Cũng theo ông Lê Đình Nhân người dùng mạng cần phải tỉnh táo để nhận biết các cạm bẫy mạng đang giăng mắc khắp nơi. Những website được mở ra mà không đi kèm bất cứ ghi chú nào về cơ quan, tổ chức hay cá nhân đại diện, không có địa chỉ giao dịch cụ thể, không được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động kinh doanh thì cần tuyệt đối tỉnh táo xem xét kỹ trước khi xuống tiền đầu tư.
Nguồn: http://kinhtedothi.vn/canh-bao-sap-bay-vi-dau-tu-kiem-tien-online-407989.html
09:00, 20/01/2021
07:25, 16/12/2020