19/01/2025 | 02:35 GMT+7, Hà Nội

“Biến” rác thải thành vàng

Cập nhật lúc: 28/11/2019, 09:56

Ngành nhựa cần một cuộc cách mạng để nhìn nhận lại về giá trị của nhựa, thay vào đó, biến nhựa trở thành một nguồn tài nguyên hữu ích, tạo cho nhựa nhiều vòng đời mới, biến rác thải thành vàng thau.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa. Do vậy, hưởng ứng các chiến dịch bảo vệ môi trường của Chính phủ, triển lãm Plastisc & Rubber Vietnam 2019 đã chính thức khai mạc ngày 27/11 tại Hà Nội.

Các máy móc chế biến, sản xuất nhựa, rác thải nhựa được giới thiệu tại triển lãm

Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, mỗi năm trên toàn thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ chai nhựa, hơn 500 tỷ túi ni-lông. Lượng rác thải nhựa đủ để phủ kín gấp bốn lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, các sản phẩm nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường.

Tại Việt Nam theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa. Việt Nam đang đứng thứ 17 trong số 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới.

Trước đó, trong chiến dịch “Hành động địa phương, tác động toàn cầu” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cũng cho biết: “Bên cạnh việc phải giải quyết những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, thì rác thải nhựa, ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà con người phải đối mặt”.

Để giải quyết vấn đề nguy hại trên, cùng với việc nắm bắt xu thế phát triển của ngành nhựa trong tương lai gắn liền với hoạt động tái chế nhựa, triển lãm Plastisc & Rubber Vietnam 2019 đã mang đến các công nghệ, sản phẩm nổi bật trong lĩnh vực sản xuất và tái chế phế phẩm nhựa, giới thiệu công nghệ và dây chuyền tái chế, sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu chất thải nhựa… với khả năng ứng dụng rộng rãi, an toàn và thân thiện với môi trường.

Ở những quốc gia phát triển trên thế giới, công nghệ tái chế nhựa được chú trọng đầu tư và tỷ lệ rác thải nhựa gần như đạt mức tối đa. Cụ thể, Na Uy là quốc gia đi đầu trong phong trào tái chế chất thải nhựa hiện nay. Theo báo cáo của Tổ chức tái chế nhựa Infinitum, Na Uy có khả năng tái chế 97% chai nhựa, trong đó có đến 92% sản phẩm nhựa tái chế có thể quay lại vòng đời là nhựa chất lượng cao.

Tỷ lệ nhựa không thể tái chế đạt ở mức rất thấp, chỉ có 1% nhựa không thể tái chế, đảm bảo an toàn để thải ra môi trường. Trung bình, một sản phẩm nhựa tại đất nước này có thể tái sử dụng hơn 50 lần. Bên cạnh đó, các quốc gia khác cũng đứng đầu trong danh sách các nước có tỷ lệ tái chế cao như: Thụy Điển (97-99%), Đức (65-86%), Bỉ (80-84%)…

Rác thải nhựa chính là "đồng thau" nếu ta biết cách sử dụng chúng

Ban Tổ chức cho biết, ở Việt Nam mỗi năm tạo ra hơn 81 triệu tấn nhựa, tính riêng TP.HCM và Hà Nội mỗi ngày đã có khoảng 80 tấn chất thải nhựa và nilon thải ra môi trường. Tuy nhiên, chỉ 27% túi nhựa được thu gom và tái chế đúng cách đã dẫn đến ô nhiễm chất thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự nỗ lực chung tay từ Chính phủ, cơ quan ban ngành và doanh nghiệp.

“Khi tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, công nghệ lỗi thời dẫn đến hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường – ngành nhựa cần có một cuộc cách mạng lớn để cải tiến và đầu tư nghiêm túc vào công nghệ và thiết bị cho ngành tái chế. Mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ là lời giải cho bài toán tái chế, đảm bảo 2 mục tiêu: Sử dụng tiết kiệm và hợp lý tài nguyên đầu vào và giảm ô nhiễm ở đầu ra”, ông Gernot Ringling, Tổng Giám đốc Messe Dusseldorf Asia cho biết.

Còn ông BT Lee, Tổng Giám đốc Infoma Makets (Vietnam) cũng cho rằng, triển lãm có ý nghĩa đồng hành cùng cộng đồng trong các vấn đề về môi trường, chia sẻ mục tiêu và có trách nhiệm trong việc thúc đẩy ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua các hoạt động thu gom và tái chế, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.

“Ngành nhựa thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần một cuộc cách mạng để nhìn nhận lại về giá trị của nhựa, để rác thải nhựa không còn là mối đe dọa đối với môi trường và cộng đồng. Thay vào đó, biến nhựa trở thành một nguồn tài nguyên hữu ích và tạo cho nhựa nhiều vòng đời mới”, ông BT Lee chỉ rõ.

Với diện tích trưng bày rộng 3.500 m2, triển lãm có sự tham gia của 200 đơn vị triển lãm uy tín đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Qatar, Austria và Italy… được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều sản phẩm công nghệ và thiết bị máy móc, linh kiện, nguyên phụ liệu… phục vụ cho sản xuất và chế biến nhựa – cao su Việt Nam.

Triển lãm có sự tham gia của 200 đơn vị cung cấp công nghệ và thiết bị máy móc, phục vụ cho sản xuất và chế biến nhựa và cao su Việt Nam. Triển lãm quốc tế các sản phẩm công nghệ, nguyên phụ liệu và thiết bị máy móc cung cấp cho ngành nhựa và cao su tại khu vực phía Bắc Việt Nam.

Cũng thông qua hội thảo, các doanh nghiệp nhựa, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ hiểu được vai trò và hướng đi cụ thể trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn. Ngành nhựa cần một cuộc cách mạng để nhìn nhận lại về giá trị của nhựa, để rác thải nhựa không còn là mối đe dọa đối với môi trường và cộng đồng. Thay vào đó, biến nhựa trở thành một nguồn tài nguyên hữu ích, tạo cho nhựa nhiều vòng đời mới.

Plastisc & Rubber Vietnam 2019, Hanoi 2019 sẽ diễn ra từ ngày 27 – 29/11 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế (I.C.E Hanoi).