18/01/2025 | 16:59 GMT+7, Hà Nội

“Cất cánh” tháng 7 và câu chuyện về vấn nạn rác thải nhựa

Cập nhật lúc: 19/07/2019, 06:00

Được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào 20h10 ngày 21/7, chương trình "Cất cánh" tháng 7/2019 sẽ đề cập đến vấn nạn rác thải nhựa.

Được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào 20h10 ngày 21/7, chương trình "Cất cánh" tháng 7/2019 sẽ đề cập đến vấn nạn rác thải nhựa, với sự góp mặt của các diễn giả và khách mời là những người không ngừng nghỉ hành động vì một thế giới tràn đầy sự sống xanh.

"Cất cánh" được sản xuất dưới dạng talkshow về diễn thuyết, là nơi khán giả có thể lắng nghe câu chuyện từ những người bình thường, nhưng quan điểm, trải nghiệm của họ có khả năng truyền cảm hứng để nhiều người khác thêm động lực sống trọn với đam mê và mơ những giấc mơ lớn lao.

Với chủ đề “Chúng ta tiêu dùng đồ nhựa nhưng đừng chết trong rác thải nhựa”, “Cất cánh” tháng 7 đề cập về vấn nạn rác thải nhựa sẽ có sự góp mặt của các diễn giả - những người không ngừng nghỉ hành động vì một thế giới hạn chế tối đa rác thải nhựa và một thế giới tràn đầy sự sống xanh cho muôn loài, trong đó có con người.

Pano Chương trình. Ảnh: VTV Pano Chương trình. 

 

Như chúng ta đã biết, biến đổi khí hậu và rác thải, trong đó có rác thải nhựa là hai vấn đề thách thức đối với sự phát  triển của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là một trong 5 quốc gia vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân trong vấn đề rác thải nhựa. Theo báo cáo của World Bank, lượng rác thải rắn đô thị ở Việt Nam dự đoán sẽ tăng 38% - từ 11,6 triệu tấn năm 2016 lên 15,9 triệu tấn năm 2030. Đồng thời, các báo cáo cũng chỉ ra hiện nay Việt Nam đang là một trong 5 nước đứng đầu trên toàn cầu về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương, tương đương với 280.000 tấn/năm.

Hơn 50% lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản phẩm nhựa dùng một lần, có nghĩa rằng, trong hàng triệu tấn nhựa sản xuất ra mỗi năm quá nửa trong số đó chỉ đem lại cho chúng ta cảm giác tiện ích trong ít phút như cốc nhựa, ống hút, túi ni lông… Nhưng khi những thứ “tiện ích ít phút” ấy bị vứt đi sẽ tồn tại trong môi trường tự nhiên và trở nên vô cùng nguy hại. Chương trình không chỉ giúp khán giả hiểu được những tác hại khôn lường của việc xả rác bừa bãi, đặc biệt là rác thải nhựa mà còn kêu gọi người dân có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Chai lọ nhựa, túi nilon đang xâm lấn nhiều vùng biển. Ảnh: MT &CS Chai lọ nhựa, túi nilon đang xâm lấn nhiều vùng biển. 

 

Vì vậy, tại chương trình này, khán giả sẽ được gặp gỡ và trao đổi với nhạc sỹ Huy Tuấn là một trong những người nổi tiếng đầu tiên đứng lên thể hiện chính kiến ủng hộ về việc bảo vệ môi trường. Đã từng có không ít nghệ sĩ bày tỏ quan điểm về vấn đề này, nhưng ủng hộ mạnh mẽ và quyết liệt như Huy Tuấn lại không nhiều. Mới đây, nhạc sĩ của “Chờ người nơi ấy” đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng trước hình ảnh nói về sự thật sử dụng nhựa trên máy bay hiện nay. Ngoài ra, Chương trình còn gặp gỡ và trao đổi với Nhiếp ảnh gia Hùng Lekima - “kẻ săn rác”, là người đã chụp nhiều bức ảnh về rác thải nhựa để báo động về vấn nạn rác thải, kêu gọi sống xanh, trả lại môi trường trong sạch cho biển cả trên hành trình đi xe máy xuyên Việt của mình.

Bên cạnh đó, khách mời bình luận chương trình tháng này là bà Hoàng Thị Minh Hồng - Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (Trung tâm CHANGE). Bà Hoàng Thị Minh Hồng là một trong những nhà hoạt động môi trường và khí hậu hàng đầu tại Việt Nam. Năm 1997, bà Minh Hồng là người Việt Nam duy nhất tham gia chuyến thám hiểm Nam Cực lần đầu tiên được tổ chức dành cho thanh niên thế giới One Step Beyond. Hiện bà là Điều phối viên Đông Á - Đông Nam Á 350.org kiêm Điều phối Quốc gia 350.org Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (Trung tâm CHANGE).

Nguồn: https://congluan.vn/cat-canh-thang-7-va-cau-chuyen-ve-van-nan-rac-thai-nhua-post65271.html