Biến ổ chuột thành "phòng tân hôn" tiện nghi, lãng mạn
Cập nhật lúc: 26/12/2017, 11:42
Cập nhật lúc: 26/12/2017, 11:42
“Phòng tân hôn của Lana” là tên gọi của ngôi nhà vốn đã có tuổi đời trên 70 năm tại Nhật Bản.
Cách đây không lâu, căn nhà cũ kỹ này đã được “thay da đổi thịt” nhờ dự án sửa chữa thiết kế của các kiến trúc sư tại nước này.
Cái tên mỹ miều “phòng tân hôn của Lana” cũng bắt nguồn từ thiết kế mới tiện nghi, lãng mạn và tiết kiệm của ngôi nhà.
Trước khi được tu bổ, sửa chữa, căn nhà sở hữu bố cục và nội thất thiếu tiện nghi đến nỗi chính chủ nhân cũng phải lắc đầu ngản ngẩm.
Phòng bếp chỉ có diện tích vỏn vẹn hơn 3 mét vuông. Khu bếp nấu bị giới hạn đến mức tối đa. Cả gia đình luôn phải dùng cơm trên một chiếc bàn cũ kỹ trong phòng ngủ.
Không gian phòng ngủ cũng chẳng rộng rãi hơn là bao. Chiều rộng căn phòng chỉ chưa đầy 3 mét. Chiếc giường lớn đã chiếm tương đối diện tích, khiến đường đi càng trở nên chật chội, chưa kể tới diện tích cần dùng để đặt bàn ăn cơm.
Nhà vệ sinh và phòng tắm là điểm hạn chế nổi bật trong thiết kế cũ của căn nhà 70 năm tuổi này. Không gian nhà cầu vô cùng nhỏ hẹp và cũ kỹ. Chỗ tắm thậm chí còn không đủ diện tích để đặt chậu. Việc đánh răng, rửa mặt của các thành viên trong gia đình đều diễn ra ở gian bếp.
Sở hữu diện tích sinh hoạt hạn chế, nhưng căn nhà lại có một sân phơi rộng tới 11 mét vuông và một căn phòng tối bỏ không. Những khoảng không bên ngoài ngôi nhà cũng không được tận dụng nên hết sức bừa bãi.
Về tổng quan diện tích mặt bằng, đây là một mảnh đất dài và hẹp, vừa bước vào cửa chính sẽ thấy bên phải là phòng bếp, bên trái là nhà vệ sinh, kế đó là phòng ngủ, sau cùng là sân phơi và căn phòng tối bị bỏ không.
Dựa trên đặc điểm mặt bằng và khung nhà có sẵn, các nhà thiết kế đã đưa ra phương án sửa chữa bao gồm: Bỏ bức tường ngăn cách giữa phòng bếp và phòng ngủ, nối liền các không gian với nhau, bỏ sân phơi, tận dụng căn phòng tối bỏ không, thiết kế một gian bếp với những bức tường thủy tinh để tiết kiệm năng lượng chiếu sáng và duy trì khoảng không nhỏ bên ngoài vào một số mục đích khác.
Dựa theo phương án chủ đạo này, phòng bếp cũ đã được cải tạo thành nơi để quần áo và thông với bàn làm việc. Những vật trang trí tại khoảng không gian này có chức năng phát sáng để tiện cho việc thay đồ và đọc sách.
Nhà vệ sinh vẫn duy trì diện tích cũ, nhưng lát lại toàn bộ gạch trắng và lát sàn bê tông để tăng cảm giác sạch sẽ, rộng rãi.
Không gian tắm được mở rộng, thay mới vòi sen, lát gỗ để tránh trơn trượt.
Phòng khách và phòng ngủ có chiều rộng chỉ 3 mét nên tích hợp sử dụng các thiết bị nội thất thông minh.
Trong đó có ghế sô pha di động ở gian khách, vừa có thể làm nơi ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện, lại vừa có thể ghép thành chiếc giường rộng rãi khi có khách nghỉ qua đêm.
Gian phòng ngủ cũng được ưu tiên kê một chiếc giường có thiết kế thông minh, khi không dùng tới có thể gấp gọn để tiết kiệm diện tích.
Thiết kế của nhà bếp và phòng ăn là điểm đột phá trong “phòng tân hôn của Lana”. Nhà bếp ngập tràn ánh sáng này có diện tích chỉ 9 mét vuông nhưng mang lại cảm giác thoáng, rộng rãi.
Việc sử dụng những bức tường kính trong suốt giúp gia chủ tiết kiệm điện năng chiếu sáng bằng cách tận dụng ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài.
Nội thất gian bếp được thiết kế tích hợp giữa chức năng nấu ăn và giặt là, kết hợp giữa chất liệu gỗ và kim loại không gỉ.
Bàn ăn được kê ngay bên cửa sổ có tầm nhìn ra ngoài khoảng sân nhỏ. Chiếc bàn xinh xắn này cũng là một thứ đồ nội thất thông minh. Khi gia đình có thêm người, bàn ăn có thể mở rộng và đủ chỗ cho 8 thành viên ngồi quây quần.
Khoảng sân bên ngoài tuy có diện tích không lớn những hoàn toàn có thể tận dụng làm sân phơi, nơi nướng đồ hoặc làm chỗ hóng mát, trò chuyện.
Thiết kế tinh tế, tiết kiệm trong “phòng tân hôn của Lana” đã thể hiện trọn vẹn sự tiến bộ và bắt kịp xu hướng của các kiến trúc sư đến từ xứ sở mặt trời mọc.
15:04, 25/12/2017
02:29, 23/12/2017
14:01, 20/12/2017
12:40, 20/12/2017
23:00, 19/12/2017